NHỚ THÁNG BA GÃY SÚNG VÀ THÁNG TƯ KẾT THÚC, ĐĂNG BÀI VIẾT CỦA
MỘT NGƯỜI SINH RA VÀ LỚN LÊN Ở MIỀN BẮC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA, CÓ ÔNG VÀ CHA LÀ CÁN
BỘ QUÂN ĐỘI MIỀN BẮC. ĐÂY LÀ MỘT CÁI NHÌN KHÁ KHÁCH QUAN VÀ TRUNG THỰC, HI VỌNG
CÁC DLV KHÔNG NHẢY VÀO CHỬI BỚI VÔ VĂN HOÁ Ở ĐÂY.
BÀI VIẾT KHÔNG BIẾT ĐẶT NHAN ĐỀ LÀ GÌ.
Thảo Dân.
Những ngày cuối tháng Tư năm 1975, lớp lớp đoàn quân giải
phóng ào ạt tiến về Saigon trong niềm vui còn sống tới ngày thống nhất, trong
niềm hạnh phúc vô biên vì lý tưởng chiến đấu họ đã hoàn thành. “Ta đi trong muốn
ánh sao vàng, rừng cờ tung bay rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây.
Sài Gòn ơi! Vững tin đã bao năm rồi một ngày vui giải phóng” (Đất nước trọn niềm
vui- Hoàng Hà).
Đoàn quân giải phóng đã thắng 2 tên thực dân đế quốc lớn nhất thời đại, chỉ vừa bước chân về tới Saigon, sau men say chiến thắng là bộc lộ những hạn chế, những lạc hậu, đồng thời choáng ngợp về một thế giới sang giàu phồn vinh thật chứ không phải “giả tạo”. Những người lính Bắc Việt trẻ măng hớn hở rạng rỡ lần đầu được ngồi lên chiếc xe gắn máy, hoặc sự ngạc nhiên tột độ khi ngồi xuống một gian hàng bán đủ thứ mặt hàng vô cùng phong phú dọc hè phố Saigon, một phóng viên chiến trường phe cách mạng hào hứng, cầm chiếc máy ảnh được sản xuất từ phương Tây và tò mò bấm thử, một anh cán bộ đầu đội mũ cối, chân đi dép râu, mặc bộ quân phục ka ki Nam Định xanh lá rộng thùng thình phải thắt tới nút cuối cùng của chiếc xanh tuya, hãnh diện đeo chiếc kính mát đen sì và chiếc đồng hồ mới thửa trên cổ tay gầy rộc, vai đeo một chiếc radio mua vội. Rất nhiều tấm hình lưu trữ khoảnh khắc lịch sử này có thể dễ dàng tìm trên mạng.
Họ mau chóng thể hiện những hồn nhiên đến ấu trĩ, những ngơ ngác đến tội nghiệp, lâm vào bao tình huống dở khóc dở cười, trở thành nhân vật trong những câu chuyện hài hước mỉa mai của quân dân cán chính miền Nam. Vô số hài thoại qua những tập ngữ mới lạ, trở thành “ký hiệu” thể hiện sự coi thường, khinh bỉ đi sâu vào trí não người miền Nam. Trên sách báo và câu chuyện đời thường của người miền Nam từng sống thời hậu chiến, nó vẫn được, bị nhắc lại một cách đầy thành kiến, mà hậu sinh nếu không được giải thích thì sẽ không hiểu người ta nói gì.
-Cái nồi ngồi trên cái cốc => Chỉ ly cà phê phin (một vật
dụng có từ thời Pháp ở cả 3 miền Nam, Trung và Bắc kỳ chứ không hề xa lạ).
-Cái lọc cà phê => Chiếc áo ngực của phụ nữ miền Nam.
-Đồng hồ không người lái 12 cửa sổ (đồng hồ Seiko thời đó chạy
tự động, không lên giây như đồng hồ của Nga, ở mỗi vị trí ghi giờ, thay vì các
con số thì đính một viên nhựa khối vuông giả hột xoàn, óng ánh như cửa sổ sáng
đèn).
-Tivi, tủ lạnh chạy đầy đường.
-Kem ăn không hết phải đem phơi.
Món hàng khi đó bộ đội yêu thích, hay mua để đem ra Bắc được
gói vào 3 từ “Đạp- Đồng- Đài” (Xe đạp- đồng hồ- radio).
Mỗi lần đọc thấy một hài thoại như vậy, tôi có buồn không?
Có. Rất buồn. Và xót xa.
Vì trong đoàn quân Bắc Việt đó, có ông ngoại tôi, một giảng
viên chính trị của Học viện Quân sự, sau này đóng ở Đà Lạt, người đã từ chối những
ưu đãi dành cho cán bộ Việt cộng lấy từ tài sản của quân dân chế độ Saigon, tới
khi về hưu vẫn ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân. Món quà tôi nhớ nhất mỗi lần
ông về phép là chiếc mũ nhựa có thể gấp lại cho trong túi đi học, ngoài ra,
không có gì cả. Tất cả những gì mà gia đình có được, là do sự đảm đang, tháo
vát và cả sự nghiệt ngã với con cái của bà ngoại tôi mà có. (Cần lưu ý, nếu các
bạn trẻ tìm hiểu về Học viện quân sự Đà Lạt trên Wikipedia, rất dễ nhầm tưởng rằng
Học viện này là của chế độ cọng sản lập ra, vì người viết không rõ là do kiến thức
kém hay cố ý nhập nhèm, nhưng trên thực tế, nó được tiếp quản từ chế độ VNCH,
nơi này vốn là trường võ bị Quốc gia Đà Lạt, một cơ sở cao cấp đào tạo sĩ quan
của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, tồn tại 25 năm, từ 1950- 1975, nơi xuất thân của
rất nhiều tướng lĩnh tài ba). Ông ngoại cũng chính là người khi nói nói tới gia
đình họ Ngô bao giờ cũng bằng một thái độ kính trọng, gọi là Cụ Diệm. Những
ngày ông về hưu (ông đã cùng các cậu tôi rời quê sau khi cụ tôi mất), tôi may mắn
được sống gần ông, được lục lọi tủ sách lúc nào mở ra cũng sực nức mùi băng phiến.
Sách nước ngoài hầu như toàn văn học Xô viết, nhà văn Việt Nam ông yêu thích là
Hữu Mai. Ông cho tôi đọc cả những cuốn sách phát hành rồi bị thu hồi như: Nhãn
đầu mùa (tôi đã quên tác giả), Ly Thân (Trần Mạnh Hảo), Những Thiên Đường Mù
(Dương Thu Hương), khác hẳn với ông bố giáo điều và cả tin của tôi, luôn kiểm
soát tất cả những gì tôi đọc và nghĩ, nên Truyện Kiều cũng thuộc vào danh mục
sách cấm, tới mức tôi phải láu cá lột bìa cuốn Bất Khuất của Nguyễn Đức Thuận để
bọc vào tất cả mọi quyển, mỗi khi bố tôi lảng vảng tới gần, tôi chỉ cần giả vờ
lơ đãng gấp sách lại, để hiện lên cái bìa sách Bất Khuất to đùng tôi tỉ mẩn tô
vẽ là che mắt được mắt bố. Bố tôi cả tin đến nỗi mỗi khi tôi bướng bỉnh, lại mắng,
Mày đọc Bất Khuất cho lắm vào.
Trong đoàn quân đó có bố tôi, một anh bộ đội Trường Sơn suốt từ 1964 đến năm 1976 mới xuất ngũ. Tài sản mang về là mấy bộ kim châm cứu (kỷ vật của cô người yêu cũ ở chiến trường) và bệnh sốt rét kinh niên. Để chữa khỏi bệnh cho bố, gia sản nghèo nàn của nhà tôi sạch bách. Mẹ tôi phải bán đi cả chiếc kiềng bạc của em tôi, bán đi chiếc nón lá Hà Đông được tặng, chưa dám đội lần nào và vô vàn sáng trưa chiều tối lọ mọ đạp xe, đi bộ khắp hang cùng ngõ hẻm của huyện để tìm thuốc và về hì hụi ninh, sắc cho bố uống.
Có chú họ tôi, mà mỗi lần nhắc chú, mẹ tôi đều kể lại câu
chuyện đêm trước chú đi B, được về nhà, đã ra ngó từng gốc cây trong vườn, đã
chạy khắp các đường làng rồi chạy vào bế tôi, đứa cháu nội đầu tiên của chi (một
nhánh trong nội tộc), khi đó mới vài tháng tuổi rồi lại hối hả chạy bộ lên chỗ
tập trung. Câu nói của chú tới giờ mẹ tôi vẫn nhắc, Em nhớ nhà, nhớ làng, nhớ
cháu lắm chị ơi, nhớ từ nồi nước giải giở đi. (Quê tôi hồi đó thường để một cái
nồi đất to ở góc vườn, đi giải vào đó để pha ra tưới rau).
Có một đồng hương của tôi, sau khi giải ngũ về làng, lúc nào
cũng ngẩn ngẩn ngơ ngơ, xa lánh mọi người, ai nói gì cũng chỉ khe khẽ cười nhạt,
đêm đêm trùm chăn nghe đài BBC, người vợ trẻ đang tuổi khao khát hạnh phúc lứa
đôi cặp bồ với hết người này người khác, ông cũng chỉ khe khẽ cười đau khổ. Hễ
ai bất bình hộ mà bâng quơ nhắc nhở xa gần, thì ông thở dài, Cả làng, cả nước
này bị lừa chứ nói gì một người đàn bà. Kệ người ta.
Bởi thế, tôi trân trọng và thương xót người lính Bắc Việt bằng
một cảm xúc máu thịt chân thành. Đằng sau cái ngô nghê ấu trĩ đó, là sự thật
đói nghèo của miền Bắc lúc bấy giờ. Những tiện nghi quá đỗi bình thường với dân
miền Nam như quẹt gaz, máy casesstte, quạt máy, đồ chơi điện tử…tới những vật dụng
của gia đình trung lưu như máy hát đĩa, ti vi, tủ lạnh, xe máy, ô tô…là một thế
giới trong mơ, không có thực ở miền Bắc. Sự hợm hĩnh dốt nát của họ là để che đậy
mặc cảm tự ti của kẻ chiến thắng biết mình chiến bại, bại vì thua sút đối thủ cả
vật chất lẫn tinh thần. Những người có học hành, hiểu biết thì sớm giật mình,
bàng hoàng nhận ra mình đã nhầm. Thế nên mới có một Dương Thu Hương ngồi sụp xuống
khóc nức nở giữa đường phố Saigon, để bắt đầu giai đoạn nhận thức phản tỉnh triệt
để. Có một người lính trong bài thơ Phan Huy: “Tôi còn nhớ sau cái ngày “thống
nhất”/ Tôi đã vào một xứ sở thần tiên/ Nếp sống văn minh, dân khí dịu hiền/ Cơm
áo no lành con người hạnh phúc…Trước mắt tôi một miền Nam sinh động/ Đất nước
con người dân chủ tự do/ Tôi đã khóc ròng, đứng giữa thủ đô…”.
Câu hỏi đặt ra, Nếu bất kỳ ai trong số dân miền Nam mà sống
trong lòng miền Bắc, được giáo dục như bao thế hệ người miền Bắc từ 1954 trở về
sau này, liệu có khá hơn, hoặc khác hơn họ không? Tôi không dám chắc.
Nói về đói khổ ở miền Bắc những năm tháng đó, thì có lẽ chỉ cần
lấy 2 ví dụ. Người phụ nữ tới kỳ kinh nguyệt, nếu không dùng giẻ rách từ quần
áo cũ để thấm máu, thì sẽ dùng tro bếp gói vào trong miếng vải cũng từ đồ cũ,
đóng làm khố cho qua những ngày khổ sở. Lương thực cũng thiếu đến nỗi, để ghìm
khẩu vị lại, có nơi, người dân phải hấp vào nồi cơm một loại lá đắng, đắng
không thể ăn thêm bát thứ 2. Câu chuyện thứ nhất, bà tôi kể. câu chuyện thứ 2 từ
hồi ức của Lê Minh Hà trong tập Những triền xưa ai đi. Cuộc sống bần hàn như vậy,
dễ hiểu rằng, những tiện nghi tối thiểu mang dấu ấn hiện đại không xuất hiện ở
xã hội miền Bắc, trong hầu hết gia đình. Ai rất giàu mới có chiếc đài Orionton,
mà mấy bác hàng xóm nhà tôi đọc là Ô ri ông tông. Xe đạp thì phải gắn biển số.
Đó gần như là những thứ vật chất giá trị nhất. Huống hồ những thứ “xa xỉ” mang
tính tiểu tư sản như phin pha cà phê hay áo ngực, quần lót cho phụ nữ.
Về văn hóa giáo dục thì sao?
“ Nhìn qua phương Tây, bên ấy có xu hướng đặc tả lớp trẻ nhỏ
và thanh thiếu niên là nạn nhân, những khổ đau mà các em phải nhận lãnh trong
chính trị và xung đột quân sự là oan uổng vì trẻ thơ tượng trưng cho những gì
thuần khiết và trong trắng. Thế nhưng những diễn ngôn bên phe xã hội chủ nghĩa
thời Chiến tranh Lạnh thường biến hình ảnh thanh thiếu niên và thiếu nhi, cũng
như nhi đồng “trở thành những chiến binh cách mạng gắn liền với lập trường
chính trị của cuộc đấu tranh giai cấp ” (“Making Two Vietnams” by Olga Dror.
‘Việt Nam Nước Chia Hai Đàng’ trang 15 - Le Tung Chau dịch).
Nhận xét đó là xác đáng, với thiếu nhi của tất cả các nước
XHCN nói chung và thiếu nhi Bắc Việt nói riêng. Ở đây, xin nhắc riêng về thiếu
nhi và người dân Bắc Việt.
Trẻ em từ 6-9 tuổi nằm trong Đội Nhi đồng. Từ 9-15 tuổi trong
Đội thiếu niên. Không phải đứa trẻ nào cũng dễ dàng được vào Đội Thiếu niên. Vì
thế, bọn trẻ bằng mọi cách phải cố gắng hết sức của mình để được đeo khăn quàng
đỏ, dấu hiệu nhận biết những cá nhân có tinh thần phấn đấu triệt để. Là một tổ
chức nằm trong hệ thống chính trị nên Đội được giám sát bởi Đoàn Thanh niên
(Ban đầu là Đoàn Thanh niên Lao Động, sau đổi thành Đoàn Thanh niên Cộng sản
HCM), và Đoàn lại được sự kiểm soát, dẫn dắt sát sao của tổ chức đảng (Ban đầu
cũng là đảng Lao động, sau đổi thành Đảng Cộng sản đúng với bản chất). Một người
từ ấu thơ đến trưởng thành, một mặt bị giám sát bởi tầng tầng lớp lớp tổ chức,
bị chính trị hóa, mặt khác lại phấn đấu trở thành thành viên của nó, coi đó là
tiêu chí chứng minh mình ưu tú hơn thành phần còn lại. Đó là cả một hành trình
gian khổ, khắc kỷ, loại bỏ tối đa những yếu tố cá nhân, để chỉ còn là một sản
phẩm hoàn hảo của định hướng, nghĩ chung một dòng, nói chung một giọng. Cuộc đời
trở thành những cuộc thi đua không có điểm dừng. Thi đua “Làng sạch đồng xanh”,
thi đua làm “Kế hoạch nhỏ”, “Ngàn việc tốt”, thi đua chào mừng sinh nhật bác
"Em yêu bác Hồ Chí Minh", sinh nhật đảng "Ngàn hoa việc tốt dâng
Đảng quang vinh", thể hiện tình đoàn kết với miền Nam: "Em sẽ về thăm
miền Nam Tổ quốc thành đồng yêu dấu", hoặc bày tỏ tình cảm với các lực lượng
vũ trang: "Em yêu anh bộ đội". Bao quát tất cả là phong trào thi đua
‘Thực hiện 5 điều bác Hồ dạy”. Danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ là “chứng chỉ” sát hạch
phẩm chất chính trị của các công dân tí hon. Và như thế, khái niệm ngoan, đồng
nghĩa với sự vâng lời, tuân phục và sùng tín. Ở các lứa tuổi trưởng thành, vẫn
là phong trào thi đua. Thanh niên “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, phụ nữ “Ba đảm
đang”, “Giỏi việc nước đảm việc nhà”, Trí thức “Ba quyết tâm”, Quân đội “Ba Nhất”
“Thi đua Quyết thắng”, Giáo dục “Hai tốt”, Nông nghiệp: “Gió Duyên Hải”, Tiểu
thủ công nghiệp: “Gió Đại Phong”… Thi đua trở thành một thứ tiêu chí để đánh
giá thứ hạng công dân, buộc họ phải vắt kiệt sức phấn đấu để thể hiện lòng
trung thành và nhiệt tình cách mạng.
Chương trình giáo dục các môn xã hội gần như trùng khớp với
quan điểm xuất bản văn hóa. Các ấn phẩm thơ ca nhạc họa dành cho thiếu nhi nói
riêng và các tầng lớp nhân dân nói chung, cùng nhằm tới những mục tiêu: Giáo dục
lòng yêu chế độ đồng nghĩa lòng yêu nước, lòng căm thù giặc Mỹ và tay sai, tinh
thần đấu tranh giai cấp và cách mạng triệt để, lòng sùng bái lãnh tụ… Để đạt mục
tiêu giáo dục, thậm chí, người ta không ngần ngại ngụy tạo những nhân vật anh
hùng như Lê Văn Tám, Nguyễn Văn Bé, cô du kích Nguyễn Thị Kim Lai… Mọi công dân
không có khái niệm bi quan nản lòng và mơ hồ dao động, hoặc ít nhất, không được
tỏ ra như vậy, nếu không muốn gặp rắc rối, bị bêu riếu, xa lánh, kỳ thị, bị triệt
đường học hành, làm ăn, sinh sống, bị dồn vào đường cùng. Trên thực tế, số người
bi quan, dao động rất ít, thuộc về những người có học hành, hiểu biết hơn số
đông còn lại.
Để đến với người đọc, tất cả sách báo đều được kiểm duyệt qua
rất nhiều khâu từ bản thảo tới in ấn, xuất bản. Đường lối và phương châm giáo dục
này hằn sâu trong trí não từ trẻ thơ tới khi trưởng thành, định hình nếp tư duy
một chiều, định hướng, triệt tiêu phản biện, tin tưởng tuyệt đối vào những gì
đã được giáo dục, dạy dỗ, tin vào số đông, bất kỳ ai sống khác, nghĩ khác là bị
liệt vào thành phần bất hảo, cần phải giáo dục lại.
Từ đời sống thường nhật tới thông tin, văn hóa đều bị bưng
bít. Đồng nghĩa với việc người miền Bắc nói chung và người lính Bắc Việt nói
riêng, trở nên tức cười trong mắt những người anh em bên kia vĩ tuyến, những
người nếu không phải đều được thụ hưởng cuộc sống văn minh Tây phương, cả về vật
chất lẫn tinh thần, thì cũng không tới nỗi xa lạ với nó.
Người miền Bắc thành thực tin rằng đồng bào miền Nam đói khổ
ngày đêm bị rên xiết dưới gót giày Mỹ ngụy, thành thực tin rằng, bằng máu xương
của mình, sẽ giải phóng đồng bào, những người cùng dòng máu Lạc Hồng khỏi kẻ
ngoại bang, sẽ xây dựng một đất nước Việt Nam thống nhất, độc lập tự do.
Vì thế, bao nhiêu lá đơn tình nguyện nhập ngũ viết bằng máu.
Bao nhiêu chàng trai còi cọc chưa trổ ria mép đã thủ trong túi quần mấy kg gạch
đá vào túi quần để đủ cân nặng ra chiến trường.
Vì thế, bao nhiêu cô gái buộc gọn mái tóc dài, xung phong tới
nơi bom đạn, để lại những Rừng Cười con gái đầy ám ảnh, để ngày trở về, trễ muộn,
nhan sắc tàn phai, chỉ tuổi tác là dày thêm mãi, tuổi già cô độc không chồng,
không con, trên mình mang đủ loại tật bệnh. Bao nhiêu máu xương trải dọc Trường
Sơn? Bao nhiêu trai gái độ tuổi yêu đương nằm xuống khi chưa từng có một nụ
hôn, chưa từng cầm tay người khác giới?
Vì thế, giấy báo tử bay đầy mái rạ, mẹ vẫn tiễn chồng rồi tới
con đi. Có ai mong làm Mẹ Việt Nam anh hùng.
Ngược lại, ở miền Nam, với không khí học thuật cởi mở, đề cao
dân tộc tính, đề cao tinh thần dân tộc, giáo dục lòng tự hào về dòng dõi con Lạc
cháu Hồng, tình yêu quê hương bản quán, thông qua những bài dạy luân lý nhẹ
nhàng, kết hợp hài hòa các nội dung văn hóa dân tộc, văn minh Tây phương và
luân lý Khổng Nho, không giáo dục lòng căm thù, không có thần tượng chính trị,
được gia đình, nhà trường và xã hội bảo bọc, che chắn “dựng một chốn trú ngụ an
toàn giữa hai lằn đạn” để sống hồn nhiên, phát huy tối đa những phẩm chất ưu
tú, cống hiến cho Quốc gia và thành nhân, thành danh ở vào khi tuổi đời còn rất
trẻ. Họ thành nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, thành sĩ quan, thành lính trận, thành
những nhà quản trị quốc gia, đồng thời họ có thể lặn ngụp trong phong trào
hippie với triết học hiện sinh thời thượng từ nước Mỹ xâm nhập để đi tìm bản
ngã. Đó là nền văn hóa giáo dục Dân tộc- Nhân bản- Khai phóng. Bên cạnh khơi gợi
lòng tự hào về bản thân, quê hương, dân tộc, họ còn được thực hành đức tính
khiêm nhu, lễ độ. Điều đó càng khiến cho miền Nam nhìn người bộ đội từ rừng
tràn xuống như những kẻ đói khổ, quê mùa, dốt nát và hợm hĩnh, và hố sâu ý thức
hệ càng lúc càng sâu rộng mãi thêm ra khi “cách mạng” tiếp quản miền Nam, và
giam cầm quân dân cán chính VNCH trong những trại cải tạo...
So sánh về văn hóa- giáo dục giữa hai miền như thế, để lý giải
phần nào nguyên nhân sự hồn nhiên, ngô nghê và cả tâm thế phức hợp, đan xen giữa
thái độ ngạo mạn của bên thắng cuộc lẫn mặc cảm thua kém về văn hóa và vật chất
trước kẻ chiến bại.
Tôi không dám hi vọng thế hệ từng đổ máu trong chiến tranh,
những người bị ly tán gia đình, mất thân nhân sau 1975, những người phải rời bỏ
quê hương xứ sở để tìm đường sống có thể quên đi thù hận. Tôi không dám hi vọng
lớp người đi trước có cái nhìn thay đổi về đối phương, cho dù, tôi chứng kiến một
số tình bạn đẹp khác chiến tuyến. Nhưng, tôi ao ước rằng, thế hệ tôi, thế hệ
con cháu tôi hãy hiểu và nhìn nhau bằng cái nhìn nhân ái. Cả từ hai phía. Dù là
con em bên này hay bên kia, thì cùng sống trên dải đất này, từ khi thống nhất,
chúng ta đều cùng chung một nền giáo dục, chung một vòm trời. Chúng ta, vô tình
hay hữu ý, vẫn được giáo dục để nuôi nấng lòng căm thù. Nhưng lòng căm thù có
giúp quốc thái dân an không? Không. Có thay đổi được xã hội không? Không. Lịch
sử không thể nào thay đổi, nhưng tương lai có thể thay đổi. Chỉ có thể viết một
chương mới bằng tấm lòng nhân văn, nhân ái, nếu không, sẽ mãi là “Một nỗi buồn
mênh mông sâu thẳm cho phận dân mệnh nước mình”, như lời một người bạn tôi.
(Bài viết có tham khảo tư liệu trong cuốn “Making Two
Vietnams” by Olga Dror. Việt Nam Nước Chia Hai Đàng - Le Tung Chau dịch).
No comments:
Post a Comment