25 November 2017

TRÁCH NHIỆM CHÍNH TRONG VIỆC LÀM CHẾT LÂM SÀNG NỀN GIÁO DỤC


                                             GS.TS - Nguyễn Đình Cống

   Gần đây Nguyễn Thượng Long, một nhà giáo, viết loạt bài : “ Nghề cao quý đã chết lâm sàng” trình bày sự ngắc ngoải của nền Giáo dục Việt Nam. Sau khi nêu ra và phân tích nhiều hiện trạng đau lòng, Nguyễn Thượng Long viết : “Có hợp lý không khi quy hết trách nhiệm làm hư hỏng thế hệ trẻ cho ngành GD - ĐT?, câu hỏi này nằm ngoài phạm vi bài viết của tác giả”. Tôi thông cảm với thầy Long, thầy biết trong việc này ngành GD-ĐT vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm, còn trách nhiệm chính ở cao hơn, có thể thầy biết, nhưng chưa có dịp nói ra. 

   Tôi xin tiếp lời.
   
   Trước đây tôi đã có nhiều bài báo và thư gửi Quốc hội cũng như Bộ Giáo dục về các vấn đề giáo dục. Chỉ xin nhắc lại vài ý .
   Trong thư gửi QH vào tháng 3/ 2010 tôi nêu 6 nguyên nhân làm GD xuống cấp và đề nghị 6 biện pháp để chấn hưng. Xin nêu lại 2 nguyên nhân đầu tiên là :

1- Sự quá duy ý chí của lãnh đạo cấp nhà nước trong việc phát triển GD. 

2- Nhà nước và Quốc hội cử nhầm người kém tài năng làm Bộ trưởng GD.

   Trong thư gửi QH vào tháng 6/ 2014, tôi viết “Đổi mới toàn diện GD là việc chưa thể thực hiện” vì không thể tách GD ra khỏi nền tảng xã hội tràn ngập các tệ nạn. Trong một thể chế độc tài toàn trị đầy rẫy tham nhũng, nạn mua quan bán chức là quá phổ biến, nền GD chỉ có thể sửa chữa một số sai lầm, làm một số giải pháp tình thế. Nếu chưa có cải cách về thể chế để dẹp bỏ tham nhũng và kiến lập nền dân chủ thực sự mà cứ cố đổi mới toàn diện GD thì chỉ tiêu tốn thời gian, sức lực và tiền của để thay các sai lầm này bằng các sai lầm khác mà thôi.

   Trong bài Bàn về triết lý GD ( tháng 12/2016), tôi viết rằng nền GD VN đi chệch hướng là vị bị chính trị hóa, bị dùng để phục vụ cho ý thức hệ của Đảng, nhằm đào tạo ra những người chủ yếu chỉ biết thừa hành sự lãnh đạo của đảng. Vậy để cứu nền GD thì trước hết cần thoát ly chính trị, đưa GD trở về với nhân văn và khoa học.
Tôi xin viết tiếp thầy Long và chỉ ra rằng trách nhiệm chính trong việc làm chết lâm sàng nghề cao quý, không ai khác ngoài các lãnh đạo cao cấp của ĐCS VN qua các thời kỳ. Do kiên trì chủ nghĩa Mác Lênin (CNML) họ rơi vào tình trạng kém trí tuệ. Sự kém này bắt đầu từ trong nhận thức rồi thế hiện ra bằng những chủ trương, đường lối sai lầm. Về GD sự kém này thể hiện rõ ở 3 điều sau :

   1-Hiểu sai tương quan giữa GD và Chính trị (CT). Buộc GD quốc dân phải làm công cụ phục vụ CT, đào tạo ra những con người lao động chủ yếu thừa hành, những chiến sĩ của cách mạng vô sản ( còn những người lãnh đạo phải được đào tạo riêng trong các trường chính trị của Đảng, từ sơ đến cao cấp). Tuy có nói đến giáo dục sáng tạo, đào tạo trí thức, nhưng chỉ cho phép những sáng tạo phục vụ cho Đảng, chỉ chấp nhận trí thức trung thành với Đảng. Những trí thức, dù là bình thường hoặc tinh hoa, nếu có điều gì tỏ ra chưa nhất trí, dù có góp ý chân thành cũng bị loại bỏ.

   2- Hiểu sai về vai trò của GD. Trước đây cho rằng GD là phúc lợi tập thể, là quyền lợi của người dân, vì vậy phải ưu tiên cho một số đối tượng. Đúng, GD là một trong những quyền lợi, nhưng muốn hưởng nó cần có điều kiện để tiếp nhận chứ không như quyền lợi vật chất do bên ngoài đưa đến. Hồ Chí Minh nói : “ Làm sao để ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” . Tôi hiểu, được học hành chủ yếu là thoát nạn mù chữ, có trình độ tiểu học, chứ không phải ai cũng có bằng tú tài, cử nhân. Tất nhiên đất nước có nhiều người có học vấn cao là tốt, rất tốt, nhưng học vấn đó phải là thực chất chứ không phải phần lớn là đồ dổm, là thuộc loại hữu danh vô thực. Phát triển GD phải dựa trên 2 điều kiện, một là nền kinh tế đất nước, hai là năng lực của người học, người dạy. Tôi cho rằng mở quá rộng nền giáo dục bậc cao so với khả năng nền kinh tế , chủ yếu để tuyên truyền về tính ưu việt của chế độ, về thành tích của Đảng và Chính quyền, để chạy theo chỉ tiếu này nọ…là một sai lầm của duy ý chí. Nhà nghèo, đẻ ra đông con, mà một số còn bị thiểu năng trí tuệ mà cố để các con đều có học vấn cao thì làm sao nổi.

   3-Xem làm GD là công việc quá dễ so với nhiều lĩnh vực khác như Quốc phòng, Kinh tế, Ngoại giao, Công an v.v…Nhận thức này dẫn tới một số hệ lụy tai hại, trong đó có 2 vấn đề liên quan đến lãnh đạo ngành và đội ngũ giáo viên.
Về lãnh đạo : Trước 1975, dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên GD phát triển bình thường, sau đó GD xuống cấp dần, một phần là do yếu kém của lãnh đạo. Ai cử ra Bộ trưởng GD. Thì Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ chứ có ai nữa. Tại sao lại cử ra những Bộ trưởng kém năng lực. Một phần vì người ta xem thường, cho rằng làm GD là dễ.

   Về đội ngũ : Tôi cho rằng để người thầy làm tốt nhiệm vụ phải có 3 điều kiện cấn là năng lực, đạo đức và điều kiện vật chất. Năng lực gồm tri thức và phương pháp sư phạm. Một số lãnh đạo đã hiểu nhầm công việc của thầy giáo, cho rằng nó đơn giản, dẽ dàng, nhẹ nhàng so với công nông binh và công tác cách mạng. Từ đó mà bên ngoài thì đề cao vai trò nghề cao quý, còn bên trong thì coi thường sự lao động của họ, thể hiện ra ở tiền lương, ở sự tuyển chọn. Nhiều nước phát triển tuyển chọn người để đào tạo ngành sư phạm rất khó. Còn ở VN, phải chăng nghề sư phạm là cao quý còn ngành sư phạm là thấp kém. Trong nhiều năm thời bao cấp đội ngũ nhà giáo bị lâm vào cảnh “ Bần cùng hóa”, từ đó nẩy sinh ra nhiều tiêu cực mà đến nay vẫn hoành hành. Gieo hành động gặt thói quen, Gieo thói quen gặt tính cách. Vì bị bần cùng, phải hảnh động kiếm chác. Hành động thành thói quen, bây giờ tuy đã phần nào thoát cảnh bần cùng, nhưng thói quen kiếm chác chưa cách nào bỏ được để giữ phẩm giá .

   Lời kết : Nhân ngày 20 tháng 11 có đôi lời viết tiếp loạt bài của thầy giáo Nguyễn Thượng Long, hy vọng những điều này có thể làm cho các lãnh đạo cao cấp suy nghĩ để có chuyển biến về nhận thức và biến thành tình cảm.


   Đối với thầy Long và nhiều độc giả khác tôi xin nêu một vấn đề để cùng nhau suy nghĩ : Theo thầy Long và nhiều người đều thấy là “ Nghề cao quý đã chết lâm sàng”, nhưng nhờ vào đâu, nhờ cái gì mà nó còn hoạt động, còn vùng vẫy, hàng năm vẫn có nhiều học sinh được các giải thưởng quốc tế, vẫn có rất nhiều thạc sĩ, tiến sĩ được cấp bằng, hàng ngàn nhà giáo được phong tặng Nhà gíáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân. v.v…Phải chăng cách nhìn của thầy Long là quá bi quan.

                                                                                         Nguyễn Đình Cống
Nguồn : 
https://www.facebook.com/ngdinhcong/posts/1685175288170386?pnref=story

VỀ NHÂN VĂN GIAI PHẨM


                                             GS.TS - Nguyễn Đình Cống

   Nhiều bạn trẻ nghe nói NHÂN VĂN GIAI PHẨM (NVGP), mà chưa có điều kiện hiểu rõ nó là cái gì. NVGP là một nỗi đau của các trí thức và văn nghệ sĩ cách nay đã trên 60 năm, là một vết đen trong việc đàn áp tư tưởng của nền chuyên chính vô sản.

   Tôi xin viết 1 bài ngắn giúp các bạn tìm hiểu qua về nó. NHÂN VĂN là tên một tờ báo tư nhân do một số văn nghệ sĩ, trí thức lập ra vào giữa năm 1956, phát hành được 5 số thì bị cấm. GIAI PHẨM ( GP) là tên tạp chi, có GP mùa xuân, GP mùa Thu, GP mùa Đông, phát hành từ tháng 1 đến tháng 12 năm 1956, mỗi GP có vài số. Trước đây ghép vào Nhân văn, Giai phẩm còn có thêm ĐẤT MỚI, nhưng dần dần Đất Mới bị bỏ qua. Đất Mới là tên một tạp chí của sinh viên vào cuối năm 1956, chỉ ra được 1 số. NVGP là một phong trào của văn nghệ sĩ và trí thức, nói lên nguyện vọng được tự do sáng tác, tự do thể hiện tình cảm con người, tự do tư tưởng và ngôn luận.

   Những người đề xướng và có vai trò hàng đầu như là : Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Trương Tửu, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo,Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Phùng Cung, Hữu Loan, Nguyễn Bính, Quang Dũng, Văn Cao, Xuân Sách, Thụy An….Hai người bị kết án nặng nhất là ông Nguyễn Hữu Đang và bà Thụy An ( xử án tháng 10/ 1960, kết án 15 năm tù ).

   Trước 1956, theo đường lối cách mạng, mọi sáng tác và hoạt động văn hóa văn nghệ đều phải chịu sự lãnh đạo của Đảng. Thực chất sự lãnh đạo này là bắt buộc các văn nghệ sĩ phải nghe theo, làm theo các chỉ thị, chịu sự kiểm soát độc đoán của các đảng viên phụ trách, trên cùng là Trường Chinh và Tố Hữu, dưới là các cán bộ tuyên giáo các cấp. Trong tác phẩm của ai đó, là văn thơ, nhạc họa hay lý luận phê bình nếu bị phát hiện dù chỉ một câu, một ý, một chi tiết nhỏ bị cho là vi phạm lập trường giai cấp vô sản, bị cho là sai với tính đảng thì không những tác phẩm mà tác giả xem như đã bị nhận xuống bùn đen vạn kiếp. Màu tím hoa sim với Hữu Loan, Tây tiến với Quang Dũng là các dẫn chứng. Tình trạng đó làm ngột ngạt một số trí thức và văn nghệ sĩ, nhưng vì còn chiến tranh chống Pháp nên nhiều người tạm chấp nhận, tam chịu đựng.

   Năm 1956, ở Liên xô có việc Khơ rút sốp, Tổng bí thư Đảng CS kêu gọi chung sống hòa bình, mở rộng tự do dân chủ, đặc biệt là chống sùng bái cá nhân lãnh tụ, Trung quốc có phong trào Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng, Việt Nam phát hiện sai lầm cải cách ruộng đất, Đảng Lao động kêu gọi mở rộng dân chủ. Một số trí thức và văn nghệ sĩ tưởng thời cơ đã đến để vận động cho dân chủ hóa và tự do sáng tác nên mới tập hợp nhau để hoạt động. Đầu tiên là một số văn nghệ sĩ trong quân đội viết kiến nghi, xin được tự do sáng tác, được để cho văn nghệ lãnh đạo văn nghệ. Kiến nghị không được chấp nhận. Viết bài thì báo nhà nước không đăng. Đã vậy thì vận động lập tờ báo tư nhân, lấy tên là Nhân Văn. Một số người có tên kể trên đã có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong việc làm báo tư nhân từ trước năm 1945, đặc biệt là Phan Khôi, một trí thức có tinh thần phản biện mạnh mẽ, đã lão luyện trong nghề báo. Hồi đó ở Hà Nội vẫn có một vài tờ báo tư nhân được tiếp tục hoạt động, mạnh nhất là nhật báo Thời Mới ( sau sáp nhập với Báo Hà Nội thành tờ Hà Nội Mới). Trong thời gian ở Hà Nội chuẩn bị thi đại học tôi đã chứng kiến cảnh mọi người chờ đợi, hào hứng tiếp nhận báo Nhân Văn.

   Ngày 9 tháng 12 năm 1956 Hồ Chí Minh ký sắc lệnh bãi bỏ quyền tự do báo chí. Ngày 15 tháng 12/ 1956, lệnh đóng cửa báo Nhân Văn ( đang in số 6). Tờ báo bị cấm trong sự tiếc nuối của nhiều độc giả.

   NVGP bị quy kết phạm vào các tội sau : 1- Không tin vào Chủ nghĩa cộng sản. 2-Phản đối chuyên chính vô sản, đòi dân chủ. 3-Chống sùng bái cá nhân. 4-Không tin vào tinh thần quốc tế vô sản, chống rập khuôn theo Liên xô, đề cao dân tộc. 5-Chống sai lầm cải cách ruộng đất. 6- Đòi văn nghệ sĩ được tự do sáng tác.

   Sau khi NVGP bị cấm, bắt đầu một đợt học tập và phê phán trong hàng ngũ văn nghệ sĩ, trí thức và sinh viên. Tháng 2 năm 1957 Trường Chinh kêu gọi đập nát bọn NVGP. Tố Hữu là người trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh. Đây là một dịp tốt để cho một vài trí thức và văn nghệ sĩ tỏ lòng trung thành với Đảng. Họ có 3 loại cơ bản. Loại 1, hăng hái nhất, thường là những người tài năng có hạn, muốn tỏ ra tuyệt đối trung thành để được tiến thân. Loại 2, tuy có tài năng nhưng từ trước đến lúc đó chưa được Đảng tin yêu thật sự nên cố tỏ ra có lập trường giai cấp và tự giác theo Đảng, hy vọng được tin cậy hơn. Loại 3, tuy trong lòng thấy được chính nghĩa của NVGP, nhưng vì sợ uy quyền, vì lo cho miếng cơm manh áo mà phải phụ họa theo.

   Những người của NVGP phẩm bị tù đáy, bị đàn áp, bị tước bỏ nhiều quyền của con người, quyền của công dân, ít nhất họ cũng bị cách chức, bị quản thúc, bị hạn chế về nhiều mặt và phải sống một quãng đời quá cơ cực. Đại đa số họ đều có nhân cách cao thượng, được những người tử tế tôn trọng. Từ sau 1986 một số người được phục hồi một cách lặng lẽ bằng việc được nhắc đến tên, các sáng tác được ghi tên thật. Những Phùng Quán, Hoàng Cầm, Trần Dần, Quang Dũng, Hữu Loan, Văn Cao v.v… lại được quần chúng yêu mến và tôn vinh. Nguyễn Hữu Đang và Thụy An mãn hạn tù. Thế nhưng Đảng và Chính quyền không có một lời chính thức nào minh oan cho họ. Phan Khôi chết trong tủi nhục năm 1959, gần đây được một số nhà nghiên cứu đề cao, tôn vinh là nhà văn hóa lớn. Nguyễn Hữu Đang ốm chết năm 2007 trong vòng tay bè bạn. Thụy An được đón ra khỏi tù như một bà hoàng.

   Vào cuối đời, lúc sắp chết Tố Hữu có tỏ ra ân hận, nhưng cũng không dám công khai nhận lỗi lầm, mà chỉ tâm sự riêng với một vài người thân tín. Phùng Quán, gọi Tố Hữu là cậu ruột, kể chuyện sau : khi cậu đã nghỉ hưu Quán mới dám đến thăm, ra về được nghe tâm sự rằng cháu đã dại mà cậu cũng quá dại. Cậu còn đọc cho Quán nghe bài thơ vừa sáng tác .
Có anh bộ đội mua đồng hồ.
Thật giả không tường anh cứ lo
Mới hỏi cô bán hàng, cô tủm tỉm
Giả mà như thật, khó chi mô

   Tên bài thơ, có thể đặt là “Anh bộ đội bị lừa”. Anh bộ đội và cả tác giả đều đã bị lừa. Một đời làm cách mạng, cuối cùng tỉnh ngộ ra “ Giả mà như thật”. Đó là kết quả của tuyên truyền lừa dối. Đó là bi kịch của cuộc đời.

   Vào cuối đời, nhiều người trước đây tích cực trong việc đánh NVGP cũng tỏ ra hối hận ( như Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu chẳng hạn ). Cũng có một vài người không có sự hối hận thật sự, những sai sót trong các sách và bài viết của họ bị một số hậu thế vạch ra và phê bình nghiêm túc ( như Nguyễn Lân, Phạm huy Thông chẳng hạn).

   Nhân Văn Giai Phẩm nên được viết vào lịch sử để nhắc nhở hậu thế.


Ghi chú : Hiện tôi có tài liệu của Thụy Khuê viết khá chi tiết về NVGP. Bạn nào muốn xem xin gửi tin vào Email : ndcong37@gmail.com, tôi sẽ chuyển cho .Không ghi vào comment của bài này vì tôi không thể xem hết rất nhiều comment của các bạn để lọc ra yêu cầu.

                                                                                                 Nguyễn Đình Cống

Nguồn : https://www.facebook.com/ngdinhcong/posts/1687317694622812?pnref=story

18 November 2017

TRÍ TRÁ GIỮA NGHỊ TRƯỜNG LỪA DỐI CẢ QUỐC HỘI



PHẠM ĐÌNH TRỌNG

   Từ hơn nửa năm nay, người Việt trên cả nước và người Việt trên khắp thế giới đều biết sự thật vụ việc ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội sáng ngày 15.4.2017. Hai sĩ quan quân đội và viên trung tá phó trưởng công an huyện Mỹ Đức nhờ cụ Lê Đình Kình, 82 tuổi, dẫn ra cánh đồng Sênh chỉ mốc giới đất của dân Mỹ Đức. Ra đến cánh đồng, theo yêu cầu của viên sĩ quan quân đội, cụ Kình quay lại bảo mấy người dân đi theo quay về.  

   Chỉ còn đám võ biền và mấy cụ già đều ở tuổi ngoài 70 đi đến chỗ chiếc ô tô nhà binh đỗ đợi. Lập tức kịch bản triệt hạ thủ lĩnh, triệt hạ ý chí, linh hồn dân Đồng Tâm được triển khai. Một tên mặc đồ dân sự ôm súng từ trong ô tô nhảy ra xả loạt đạn chát chúa thị uy. Mấy ông già nông dân giật mình, sững sờ, còn đang ngơ ngác chưa biết chuyện gì xảy ra thì viên trung tá công an lao đến cụ Kình, tung cú đá làm cụ già mình hạc bay như chiếc lá khô. Thân già da cóc bị ném lên ô tô, tống giẻ vào mồm. Ô tô rồ máy lao hơn 50 cây số từ Cánh đồng Mỹ Đức đến thẳng cơ quan cảnh sát điều tra phố Thiền Quang, Hà Nội, mặc cho sự đau đớn của cụ già 82 tuổi lãnh trọn cú đá trời giáng của kẻ đã dày công luyện võ thuật trong trường công an. Cú đá làm cho hình hài còm cõi vỡ xương hông, gãy xương đùi.

   Vậy mà giữa hội trường Diên Hồng của Quốc hội nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, ông nghị Đào Thanh Hải, hàm cao đại tá, chức lớn phó giám đốc công an kinh kì lại ráo hoảnh đổi trắng thay đen rằng Cụ Kình bị gãy xương là do người nhà giằng co, lôi kéo!

   Người dân muốn đi theo bảo vệ cụ Kình đã bị viên sĩ quan quân đội yêu cầu cụ Kình đuổi họ về. Dù họ có mặt ở đó để giằng kéo giữ lại cụ Kình vì thương yêu, bảo vệ cụ thì cũng không thể giằng kéo thô bạo gây tổn thương cho cụ được. Vỡ xương hông, gãy xương đùi phải do lực lớn giáng vào chứ không thể do lực kéo ra. Lực kéo ra chỉ có thể làm trật khớp xương. Lực kéo mà làm vỡ xương hông, gãy xương đùi thì phải xé rách cả da thịt. Nói rằng cụ Kình bị vỡ xương hông, gãy xương đùi là do người nhà giằng kéo cụ khỏi tay những kẻ bắt giữ là nói lấy được của một nhân cách, đê tiện, vô liêm sỉ. Thật mỉa mai, thật hài hước, nhân cách vô liêm sỉ đó lại là một đại biểu Quốc hội của nhà nước cộng sản Việt Nam!

   Quốc hội của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã có người đàn bà sảo quyệt kinh doanh lòng tin, bỏ ra 30 tỉ đồng mua danh nghị sĩ Quốc hội để tạo lòng tin cho khách hàng. Nay lại lòi thêm ra ông nghị Đào Thanh Hải đổi trắng thay đen, lừa dối Quốc hội giữa hội trường mang tên Diên Hồng lịch sử! Đó là thời đen tối nhất, nhem nhuốc nhất của chính trường Việt Nam và cũng là thời đen tối nhât, nhem nhuốc nhất của lịch sử Việt Nam.

   Bạo lực với dân, nhục hình với người dân nằm trong tay công an và lừa dối dư luận đã trở thành ngón nghề nghiệp vụ mà công an nhà nước cộng sản Việt Nam thường xuyên thi thố đã gây bao oan khuất cho người dân, đã dẫn đến hàng trăm cái chết thảm thương trong đồn công an như những cái chết của những dân lành Nguyễn Công Nhựt ở Bến Cát, Bình Dương, Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên, Nguyễn Mậu Thuận ở Đông Anh, Hà Nội, Nguyễn Hồng Đê ở Phan Rang, Phạm Ngọc Nhung ở Sài Gòn .  .  . , đã dẫn đến nhiều bản án tử hình oan khiên cho người dân lương thiên, như bản án tử hình cho những công dân vô tội Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn.  .  . Bạo lực và nhục hình của công an nhà nước cộng sản Việt Nam mặc sức lộng hành làm cho mạng sống của người dân Việt Nam những ngày này mong manh như thân phận con giun, cái kiến.

   Người đàn ông đang trẻ khỏe, là trưởng phòng quản lí sản phẩm của một doanh nghiệp nước ngoài ở khu công nghiệp Bến Cát, Bình Dương, bị công an Bến Cát đưa về trụ sở làm việc rồi chết trong đồn công an với những thương tích bầm dập khắp cơ thể. Cổ tay, lòng bàn tay và ngón tay bầm đen, từ bụng trở xuống nhiều chỗ bầm tím. Hai bên háng bị bầm xanh. Dương vật và hai tinh hoàn đều bị dập nát và chảy máu.

   Cái chết mang dấu tích của những trận đòn thù gây đau đớn tột cùng đó được công an Bình Dương giải thích là do người đàn ông tự tử bằng cách lấy sợi dây sạc pin điện thoại di động treo cổ lên cửa sổ trụ sở công an! Nói rằng người đàn ông có công việc ổn định, lương khá, có vợ trẻ và gia đình hạnh phúc lại mau lẹ từ bỏ cuộc sống đầy đủ đáng mơ ước tìm đến cái chết treo cổ bằng sợi dây không chịu nổi sức căng mười kilogam lực là lời trí trá của kẻ vô liêm sỉ.

   Mạng xã hội tràn ngập clip một nhóm người cao to, cơ bắp chắc nịch hung hãn dồn đánh một thanh niên mảnh mai ngay giữa đường cái quan. Người thanh niên dáng nhỏ nhắn tay khư khư ôm chiếc túi đeo bên sườn trở thành hình nộm trong phòng tập võ hứng chịu những cú đá, những nắm đấm từ những thân hình cao to uốn cong như cánh cung trong thế võ tấn công đầy uy lực phóng tới. Hình nộm sống phải nhận những cú đá, những nắm đấm thôi sơn kể: “Họ chỉ tay, chửi thề quát tháo tôi và hai đồng nghiệp khác rồi đấm đá túi bụi vào mặt và người khiến tôi không kịp đỡ, bị chảy máu miệng, bị thương vùng đầu. Họ tiếp tục dồn tôi ra giữa đường hành hung trong khi xung quanh có rất nhiều ô tô lưu thông tốc độ cao. Ngoài đồng nghiệp và người dân, còn có nhiều công an viên chứng kiến"

   Cảnh hành hung man rợ của nhóm người cao to quây đánh anh thanh niên mảnh mai được nhiều nhà báo ghi hình và xác nhận là nhóm công an Đông Anh, Hà Nội đánh phóng viên của báo Tuổi Trẻ. Vậy mà công an Hà Nội vẫn trí trá giải thích với công luận rằng nhóm công an kia chỉ vung tay khi nói chuyện nhưng không may trúng má nhà báo mà thôi!

   Bao che cho thói côn đồ của nhóm công an Đông Anh, lãnh đạo công an Hà Nội vừa dung dưỡng sự lộng hành bạo lực, dung dưỡng lối hành xử với dân bằng bạo lực ở thủ đô văn hiến, vừa bộc lộ nhân cách thấp kém, gian dối, trí trá của những người đứng đầu lực lượng công an thủ đô.

   Đã quen trí trá đến vô liêm sỉ như vậy thì vụ việc viên trung tá công an Mỹ Đức, Hà Nội đá gãy xương đùi cụ Kình, làm cụ tàn phế suốt đời được viên phó giám độc công an Hà Nội trí trá biến báo thành xương đùi cụ Kình gãy là do người người nhà cụ Kình giằng co cũng là điều bình thường. Nhưng không thể bình thường khi sự trí trá đó diễn ra giữa nghị trường Quốc hội. Không thể bình thường khi một nghị sĩ, đại biểu của nhân dân Thủ đô đã trí trá lừa dối cả Quốc hội.

   Cũng không còn là Quốc hội bình thường khi Quốc hội chấp nhận sự trí trá, lừa dối đó. Không còn xứng đáng là đại diện cho ý chí nguyện vọng của người dân khi Quốc hội dung nạp kẻ trí trá, lừa dối đó, khi kẻ trí trá lừa dối đó vẫn ung dung, ngạo mạn là nghị sĩ Quốc hội, là đại biểu của nhân dân thủ đô.





15 November 2017

XE ÔM HÀ NỘI ..........


   Để có thu nhập ở lại Hà Nội đòi tài sản bị cướp . Từ hôm nay Bùi tôi bắt đầu khai trương XE ÔM . Mời bà con anh chị em ủng hộ
Xin cảm ơn và liên hệ số điện thoại : 01636569956 gặp Quyền yêu cầu đọc số điện thoại chị Hằng ( vì người này đang giữ máy của tôi )
.......................................
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
_________________________
                                                   Hà Nội, ngày 7 tháng 11 năm 2017.


ĐƠN TỐ GIÁC TỘI PHẠM
          (Về việc: Tội bắt, giữ người trái pháp luật và tội cướp tài sản)

Kính gửi:
- Thiếu tướng, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Đoàn Duy Khương;
- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội.

I. Người tố cáo:

Tôi, Bùi Thị Minh Hằng, sinh năm1964.
Địa chỉ: Số 106 Lê Hồng Phong, phường 4, Tp.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

II. Người bị tố cáo:

Trưởng Công an thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội.
Địa chỉ: Số 7 Phó Đức Chính, phường Lê Lợi, thị Xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội.

III. Nội dung vụ việc:

   Khoảng hơn 14 giờ ngày 01/11/2017, tôi đang ở nhà Cau Mợ tôi (Bà Tô thị Ban và ông Phạm Văn Sử ) tại số nhà 92 Hoàng Diệu, phường Quang Trung, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội, chờ Mợ tôi để cùng ra ngoài đi mua sắm thì thấy Cảnh sát Khu vực cùng một người đàn ông mặc thường phục đi vào nhà. Họ nói với gia đình là họ đi kiểm tra hộ khẩu định kỳ. Tôi thấy có điều gì đó khác thường nên đã xuống hỏi. Đầu tiên tôi hỏi người mặc thường phục: Anh là ai? Anh đi theo chơi hay làm gì? Anh ta trả lời: “Tôi đến đây để làm việc”. Tôi nói: “Anh làm việc thì cần phải mặc quân phục, đeo bảng tên cho dân biết chứ”. Trong lúc hỏi , tôi lấy điện thoại ra ghi hình. Tôi đang nói tới, nói lui thì bất ngờ từ ngoài cổng gần chục người mặc thường phục xông vào. Họ không chào hỏi, hay nói lý do vào nhà với chủ nhà. Họ xông đến giật điện thoại trên tay tôi và túm lấy người tôi lôi kéo. Tôi hét lên: “Các người là ai? Tại sao lại xông vào tận nhà người ta mà khủng bố thế này”. Không một lời giải thích, đám người này lôi tôi sềnh sệch từ trong nhà ra ngoài cổng (khoảng chừng chục mét), rồi họ xô đẩy, ấn, nhét tôi lên chiếc xe ô tô 07 chỗ đậu sẵn trước cổng nhà. Bọn họ hành động hết sức manh động và bất chấp pháp luật. Sự việc diễn ran gay giữa ban ngày tại khu dân cư đông đúc, trước sự chứng kiến của nhiều người dân. Những người dân hôm đó đã không hiểu chuyện gì xảy ra. Khi ấn tôi lên xe, bọn họ cũng cập rập chen nhau lên để khống chế tôi. Hàng ghế trên 02 An ninh nữ mặc thường phục (sau này tôi biết là An ninh) ngồi cả lên đùi nhau; còn hàng ghế dưới 02 người đàn ông thường phục kẹp chặt 02 bên nách tôi. Họ bẻ quặt tay tôi và ra sức ghì chặt tôi xuống để móc chiếc điện thoại tôi cất trong túi áo mà tôi gồng tay để giữ. Họ cho xe chạy lòng vòng quanh bờ hào. Tôi luôn quát 02 người mặc thường phục rằng: “hãy buông tao ra, chúng mày muốn gì thì hãy hành xử cho lịch sự”. Nhưng họ không hề có ý buông hay nới lỏng tay tôi. Phần tôi cũng cương quyết chống trả hành động sai trái của họ, nhưng không chống nổi vì họ rất hung hãn. Sau đó , họ cho xe vào sân trụ sở Công an thị xã Sơn Tây và lôi tôi ra giữa sân. Ngay tại sân, người đàn ông mặc áo thun xanh ở trên xe nhẩy xuống chỉ huy số người trên ôm chặt lấy tôi, 4-5 người đàn ông và 1 nữ an ninh ( tôi đã có hình ảnh ) xông vào và lột sạch tài sản có trong túi quần, túi áo của tôi. Trong khi Họ bẻ và giữ chặt tay tôi , rồi họ lấy đi của tôi: 01 điện thoại iPhone 6s, 2.800.000 đồng. Sau đó họ đẩy tôi vào một căn phòng của Điều tra dùng để lấy cung, nằm bên phía dãy nhà sát với đường K65 (cũ). Tại đây họ đã dùng nhiều người để tra vấn tôi . Nhưng tôi không hợp tác . Họ đã giữ tôi tại đây đến gần 21 giờ cùng ngày cho đến khi tôi mệt lả người phải nằm lên chiếc bàn trong phòng làm việc thiếp đi thì họ mới gọi tôi dậy . Yêu cầu tôi ký 02 biên bản với nội dung vu khống - bịa đặt trắng trợn khiến tôi vô cùng phẫn nộ buộc phải xé bỏ và cực lực lên án thì họ mới cho tôi về lại nhà cậu tôi là nơi họ khủng bố bắt tôi đi .

IIII- YÊU CẦU VÀ ĐỀ NGHỊ :

   Hành vi của những người trên có sự tham gia của Cảnh sát Khu vực phường Quang Trung, thị xã Sơn Tây tên Long và sau đó diễn ra tại trụ sở Công an thị xã Sơn Tây. Như vậy, Trưởng Công an thị xã Sơn Tây chính là người phải chịu trách nhiệm về hành vi của những người tham gia hôm đó.
- Căn cứ Điều 133, Bộ luật hình sự 1999, quy định:
“Điều 133. Tội cướp tài sản

1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.”
- Căn cứ Điều 123, Bộ luật hình sự 1999, quy định:
“Điều 123. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người thi hành công vụ;
d) Phạm tội nhiều lần;
đ) Đối với nhiều người.

3. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.”
​Tôi yêu cầu Giám đốc Công an thành phố Hà Nội:

1- Khởi tố vụ án “Cướp tài sản và bắt, giữ người trái pháp luật” xảy ra ngày 01/11/2017 tại thị xã Sơn Tây, trong đó tôi, Bùi Thị Minh Hằng là người bị hại.

2- Buộc Trưởng Công an thị xã Sơn Tây phải trả tôi số tài sản bị cướp đoạt là: 01 điện thoại iPhone 6s, 2.800.000 đồng.
Tôi trân trọng cám ơn.
Nơi nhận: Người làm đơn :
Cựu Tù nhân lương tâm Bùi Thị Minh Hằng
Nơi gửi : Như trên
Cùng toàn thể
- Các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế ( để theo dõi )

- Lưu, 03 bản.