31 January 2020

Tôi đã đến Đồng Tâm.




Lã Minh Luận.

Hôm nay, mồng 4 Tết, tức ngày 28/1/2020, tôi và một người em đã đến được nơi ấy... Cái Thôn Hoành (Đồng Tâm) nhỏ tí xíu mà có cái trụ sở Uỷ ban to đùng, khang trang giữa cái làng có những ngôi nhà rất khiêm tốn ấy... Cái nơi có cơn bão kinh hoàng vừa đi qua...

Chúng tôi không rành đường nên phải cài chỉ dẫn, khi còn cách thôn Hoành khoảng hai km, xe dừng lại hỏi đường, một người phụ nữ tỏ vẻ rất cẩn thận, chị hỏi lại chúng tôi là ai, tôi nói người dưng tìm đến thắp nén nhang cho cụ Kình thôi. Chị dặn: Vẫn còn công an chìm canh trong đó đó, nếu hỏi thì cứ nói người nhà của cụ... Thế rồi đến cái cổng làng... nơi ghi lại bức tranh các chiến sĩ cơ động sau khi được đưa lí thuyết học ở trường vào thực hành tại thôn Hoành... thì họ đã nằm la liệt ở đây vì quá mệt mỏi, qua một đêm chiến đấu với dân...


Nhà cụ Kình chỉ cách cổng làng khoảng 50m. Hai chị em tôi đưa xe đi hết dọc cái làng nhỏ xíu ấy rồi mới quay lại. Làng chìm trong yên ắng, cờ treo thấp thoáng, không nhức mắt như bao nơi khác. Cái cổng làng đã từng chứng kiến bao đau thương của người dân ở đây, nhất là rạng ngày 9/1/2020 vừa qua, nhưng nó vẫn phải mang vác một băng zôn "Mừng đảng, mừng xuân"... Ấy thế mà tờ báo nào nói Đồng Tâm đã vui trở lại, đón Tết rộn ràng, náo nức nhỉ?


Tôi nhìn thấy một bà cụ đang lom khom nhặt nhạnh cái gì đó trước cửa nhà, tôi nhận ra đó chính là bà cụ Thành, vợ của cụ Lê Đình Kình. Tôi bước vào một mình, đập vào mắt tôi là một mái che tuềnh toàng và một bếp lửa ở giữa sân cùng mấy cái ghế nhựa lổng chổng. Bên trong, gian ngoài là ban thờ cụ Kình cũng rất xuềnh xoàng, ám khói, lỗ chỗ những vết đạn... Tôi thắp nén nhang cho cụ, nhìn tấm ảnh thờ mà lòng tôi đau thắt, mắt ứa lệ... nấc lên nghẹn ngào mà không thể nói thành lời...

Bước vào bên trong, là phòng ngủ của cụ bà và cụ ông. Kín mít, nhỏ hẹp, không có cửa sổ thông khí. Cụ Thành kể: "Hôm người ta xộc vào nhà, tôi ngủ bên này, ông cụ nhà tôi ngủ bên kia (nơi có cái tủ sắt bị bắn, phá tung). Họ đứng ngoài cửa xịt hơi cay, khí ngạt gì đó. Tôi ho sặc sụa và ông cụ nhà tôi thì mệt không thở được. Tôi chạy ra lấy khăn mặt dấp nước cho ông ấy bịt mũi, miệng... thì họ phá được cửa, xông vào, khoá tay tôi lôi đi còn ông cụ, tôi không biết người ta đã làm gì ông ấy... Các con tụ về để bảo vệ bố nhưng khi hơi cay, khói bụi mù mịt, không thở được thì chúng nó chạy hết lên sân thượng rồi tôi nghe tiếng súng đạn nổ chí chéo, đùng đoàng trên đó, cả nhà hoảng loạn, hỗn loạn... không còn biết là cái gì xảy ra nữa... khi được họ thả về, thì thấy máu me đầy giường, đầy phòng của ông ấy. Lúc chôn xong, trở về cứ thấy buồng ngủ của ông ấy mùi thối khắm... Tìm mới lôi ra dưới gầm giường một bao tải quần áo đầy máu me của ông ấy... (cụ khóc)... Nhà cửa, tất cả đều bị lục tung, bản đồ đất dán trên tường bị xé bỏ hết. Người ta bê mất đi cái hòm gỗ có để bản đồ, hồ sơ giấy tờ đất đai... đều ở trong ấy hết... Lấy hết rồi bác ạ! (cụ khóc...)" Tôi nói: "Sao biết họ rục rịch tấn công vào làng mà chẳng cất giấu đi nơi khác cho an toàn?" Cụ Thành bảo: "Có ai ngờ được đâu. Ông cụ nhà tôi tin vào ông Trọng chống tham nhũng lắm! Ông ấy tin ông Trọng, ủng hộ ông Trọng, ủng hộ đảng tuyệt đối... Ai ngờ đâu được bác ơi!" Cụ lại khóc... Tôi hỏi tiếp: "Ngoài bê mất hòm tài liệu đất đai, họ còn lấy đi cái gì nữa không?" Cụ trả lời: "Nó lấy mất chiếc ô tô trả góp của vợ thằng Uy, bê mất 2 cái két sắt của nhà Công và nhà Chức."

Tôi hỏi tiếp: "Nghe người ta nói rằng hôm ấy có 20 thằng nghiện được cụ Kình nuôi trong nhà... đã chống người thi hành công vụ ghê lắm cơ mà cụ?" Cụ Thành bảo: "Làm gì có thằng nghiện nào! Nhà tôi ăn còn chả đủ, làm gì có tiền nuôi ai? Ông nhà tôi mua một xuất bánh cuốn ăn sáng còn phải xẻ, nhường cho tôi một nửa, bảo tôi ăn để còn uống thuốc... " Cụ Thành nghẹn lại không nói thêm được gì.

Tôi hỏi tiếp: "Thế hôm ấy, mấy anh công an đã chết như thế nào, cụ và gia đình có biết không? Có phải mấy anh em nhà mình ném bom xăng xuống cái giếng trời làm họ bị chết cháy không?" Cụ Thành lại vật ra kêu giời ơi...! Đúng lúc ấy, mấy người hàng xóm và hai người con gái của cụ Thành bước vào, mọi người đồng thanh đáp: "Cả làng không ai nhìn thấy, không ai biết họ chết thế nào, không ai biết họ chết lúc nào, khi nào, sau này chỉ nghe công an nói... (mấy người quả quyết)... Tôi hỏi tiếp: "Vậy, vì sao mấy anh em, chú cháu lại nhận là ném bom xăng xuống giếng trời đốt cháy họ?" Cụ Thành và mấy người nói: "Cũng chả biết, chắc họ đánh đau quá, bắt phải nhận thôi, chứ thằng Uy vừa ló mặt ra sân thượng đã bị người ta bắn gãy tay, còn thả chó ra đuổi cắn... thì ai có thể chạy sang tận sân nhà bên để ném bom xăng...?"

Tôi hỏi tiếp: "Thế cho tới nay, gia đình đã biết tin anh Chức thế nào không?" Tất cả đều lắc đầu, trả lời "Không". "Sức khoẻ của cụ và cháu bé 3 tháng tuổi giờ ra sao?" Cụ Thành nói: "Tôi cứ bị ho suốt từ hôm đó đến nay, tối đến đóng cửa đi ngủ, cái mùi thuốc súng, hơi cay, khói ám cứ gây gây kinh lắm. Còn cháu bé thì đang bị viêm phổi." Tôi lặng đi... nghĩ "viêm phổi với một cháu bé hơn ba tháng tuổi mà không được đi viện thì vô cùng nguy hiểm". Tôi chợt nhìn mấy chị con gái của cụ Kình, họ đang gục xuống khóc... Trời ơi! Ai cũng hiền lành, chất phác như hạt lúa củ khoai thế này mà sao miệng lưỡi người đời thêu dệt nên nhiều chuyện hoang đường, độc ác thế? Tôi chỉ biết vỗ về, động viên họ mấy câu rồi xin phép ra về...

Thú thật! Lúc xe chạy gần đến xã Đồng Tâm, tim tôi đã đập hồi hộp. Đến làng Hoành... tim tôi như ngưng lại... Bước vào ngôi nhà đầy "huyền thoại", tim tôi như vỡ nát... Thời gian có rất ít bên người thân của cụ Kình nên tôi chỉ hỏi được chừng ấy câu, nhằm giải mã cho những gì mà truyền thông của nhà nước công bố trên toàn quốc về "cuộc trấn áp băng nhóm tội phạm khủng bố ở Đồng Tâm của họ và cả hàng chục ngàn DLV tung tin thất thiệt, hàng triệu người nghe thông tin một chiều mà thương vay, khóc mướn, thoá mạ, chà đạp lên những người dân yếm thế, vô tội nơi đây... Còn cậu em thì phải ở bên ngoài cảnh giới... Hú vía! Hai chị em cùng đi thắp nén nhang cho người quá cố oan uổng mà cũng đâu có được an tâm, người ở ngoài, người vào trong...

Hi vọng một ngày nào đó, Đồng Tâm phải được làm sáng tỏ, trả lại công bằng cho người đã nằm xuống và cả người còn sống...


24 January 2020

Thảm kịch Lê Đình Kình - Thảm kịch của người dân lương thiện sống trong thể chế tồn tại bằng bạo lực và lừa dối






PHẠM ĐÌNH TRỌNG



1. GIỮA THỜI BÌNH, CÔNG AN MỞ MẶT TRẬN TỔNG LỰC ĐÁNH VÀO DÂN

Theo lời kể của dân Đồng Tâm, đêm ngày 8 rạng sáng 9 tháng một, năm 2020 có tới chín ngàn quân chính phủ gồm công an và quân đội bao vây dân làng Đồng Tâm. Quân bố ráp, tấn công Đồng Tâm rải khắp xã và khắp các ngả đường bao quanh Đồng Tâm. Người dân không thể bao quát hết bề rộng và bề sâu thế trận của công an nên ước lượng không thể chính xác. Nhưng ba điều có thể khẳng định.



Một là số quân tham gia sự kiện Đồng Tâm 8.1.2020 không thể tới chín ngàn. Chín ngàn là quân số xấp xỉ một sư đoàn. Theo nhiều nguồn tin, lực lượng vũ trang hành quân đến Đồng Tâm đêm 8.1.2020 khoảng hơn ba ngàn quân, tương đương hai trung đoàn. Hai trung đoàn mũ sắt, áo giáp, tay khiên tay súng, ầm ầm xe pháo vây ráp một làng quê nhỏ bé, hiền hòa của thủ đô Hà Nội, thành phố hòa bình là sự ngạo ngược chà đạp pháp luật, chà đạp cuộc sống bình yên, chà đạp mạng sống người dân. Như kiêu binh thời vua Lê chúa Trịnh kéo đàn kéo lũ đi cướp của dân, bắt đàn bà con gái hãm hiếp giữa ban ngày, ngay giữa kinh thành Thăng Long



Hai là tên gọi sự kiện. Sự kiện Đồng Tâm kéo dài từ nhiều ngày trước và bùng nổ vào đêm 8.1.2020 không phải chỉ là cuộc tuần tra, lập chốt kiểm soát trên đường làng, bình thường, đơn giản như mấy ông tướng công an uốn lưỡi biện minh trên truyền thông nhằm giành phần chính đáng cho cuộc sử dụng binh đao bất chính với dân của nhà nước công an trị.



Đó thực sự là cuộc động binh lớn, một trận đánh lớn hơn nhiều lần “trận đánh đẹp” do đại tá công an Đỗ Hữu Ca chỉ huy bắn đạn AK vào ngôi nhà gia đình anh nông dân Đoàn Văn Vươn ở Cống Rộc, Tiên Lãng, Hải Phòng 8 năm trước. Lực lượng “trận đánh đẹp” tấn công dân của đại tá Đỗ Hữu Ca chỉ có vài chục công an và quân đội đều thuộc lực lượng vũ trang Hải Phòng và trận đánh diễn ra chớp nhoáng chỉ trong buổi sớm ngày 5.1.2012.



Cuộc động binh Đồng Tâm 8.1.2020 là trận đánh binh chủng hợp thành, có xe bọc thép, có vũ khí điện tử, có chó nghiệp vụ, có cảnh sát cơ động, cảnh sát chữa cháy. Hàng ngàn quân trùng trùng, lớp lớp được trang bị vũ khí hiện đại tới tận răng đã bao vây cô lập hoàn toàn xã Đồng Tâm với thế giới chung quanh, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Sóng điện thoại, mạng internet bị cắt. Người dân không được ra khỏi Đồng Tâm và sóng internet không lọt được vào Đồng Tâm. Trẻ Đồng Tâm cũng không được tới trường nhiều ngày. Không phải chỉ dân Đồng Tâm bị cấm cửa. Những người dân Hà Nội quan tâm đến cuộc đấu tranh giữ mảnh đất sống của người dân Đồng Tâm cũng bị công an đến từng nhà, vòng trong vòng ngoài vây hãm không cho ra khỏi nhà suốt cả tuần.



Cuộc động binh lớn nhằm vào người dân Đồng Tâm đang lo cho con trẻ có tấm áo mới mặc tết, lo cho trên bàn thờ tổ tiên có tấm bánh chưng khi ngày tết Canh Tý đã cận kề. Rải quân kín mọi ngõ ngách. Xe bọc thép như những lô cốt, những pháo đài rải trên đường làng. Những họng súng lăm lăm. Tiếng nổ đùng đoàng trong đêm. Một cuộc chiến tổng lực đã thực sự diễn ra.



Vài chục tay súng công an và lính địa phương Hải Phòng không gây án mạng, chỉ để lại vài vết đạn lỗ chỗ trên tường nhà anh nông dân Đoàn Văn Vươn cũng được đại tá giám đốc công an Hải Phòng gọi là “trận đánh đẹp”. Cuộc động binh của hàng ngàn quân binh chủng hợp thành do bộ Công an chỉ huy đêm 8.1.2020 với bốn mạng người chết, ba chục người dân bị bắt, nhiều người dân bị đòn tra của công an mang thương tích đến nay vẫn đang phải cách li và chạy chữa trong bệnh viện chưa biết sống chết ra sao. Cuộc động binh thảm khốc như vậy không thể không gọi là trận đánh lớn và ác liệt. Đó thực sự là một trận đánh, một cuộc bố ráp, đàn áp dân Đồng Tâm bằng súng đạn với mức độ khốc liệt của chiến tranh và kéo dài chứ không phải chỉ là cuộc tuần tra đơn thuần vốn phải lặng lẽ, âm thầm.



Ba là cấp độ sự kiện. Quân có mặt trong sự kiện Đồng Tâm 8.1.2020 là quân chính qui, tinh nhuệ, hiện đại nhất của bộ Công an chứ không phải quân của sở công an Hà Nội. Sở chỉ huy cuộc động binh cũng đặt ở bộ Công an chứ không đặt ở sở công an Hà Nội. Cáo buộc tội trạng người dân Đồng Tâm lấy cớ cho cuộc động binh, thông báo “chiến sự”, công bố “chiến lợi phẩm” cũng phát ra từ bộ Công an. Phát ngôn về cuộc động binh đều là các tướng Chánh văn phòng, tướng Thứ trưởng bộ Công an. Sự kiện Đồng Tâm 8.1.2020 thực sự là cuộc đối thoại bằng súng đạn của nhà nước công an trị với người nông dân thuần chất và lương thiện làm ăn, là một hành động quân sự cấp nhà nước.



Theo lời cụ bà Dư Thị Thành, lực lượng công an đằng đằng sát khí bủa vây dày đặc quanh nhà cụ, cắt khóa cửa, xông vào phòng ngủ, bắn chết chồng cụ bà Dư Thị Thành là cụ ông Lê Đình Kình ngay trên giường ngủ, ngay trước mặt cụ bà Dư Thị Thành bằng bốn phát đạn gần như dí sát người đều nhằm váo chỗ giết chết tức thì, hạ gục lập tức. Một viên đạn xuyên vào ngực trái. Hai viên đạn khoan vào đầu. Môt viên đạn thổi bay cả một mảng khớp gối chân trái. Phần dưới chân trái chỉ còn dính lắt lẻo với phần trên bới sợi gân và mảnh thịt bèo nhèo. Giết chủ nhà. Bắt tất cả những người còn lại trong nhà dẫn đi. Lùng sục vơ vét của chìm mang đi. Nhân danh nhà nước, nhân danh bảo vệ pháp luật nhưng công an đã hành cử tàn bạo hơn cả băng cướp, giết người cướp của.



2. TỪ TỘI ÁC MANG TÊN NGUYỄN THỊ NĂM ĐẾN TỘI ÁC MANG TÊN LÊ ĐÌNH KÌNH

Phát lệnh cuộc động binh lớn quân số lên tới cả ngàn tay súng đánh vào dân, cho phép lính trong đêm phá cửa xông vào nhà dân dí súng vào ngực, vào đầu dân bóp cò gây bàng hoàng người dân cả nước, gây chấn động cả thế giới. Một cái lệnh không biết đến pháp luật, chà đạp lên pháp luật, cho phép đạo quân công an nhà nước hành xử với dân như một băng cướp giết người cướp của thì lãnh đạo cấp thành phố Hà Nội không thể và không dám. Cho lính được tử hình dân tại nhà, không cần bản án, không cần pháp trường thì lãnh đạo cấp thành phố Hà Nội không thể và không dám cho phép.



Cấp trên của ủy viên bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và cấp trên của ủy viên trung ương đảng, chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chính là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Ủy viên bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Theo nguyên tắc tập trung dân chủ của tổ chức cộng sản, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, lệnh tấn công Đồng Tâm, lệnh xử bắn cụ Lê Đình Kình ngay tại giường ngủ phải được bộ Chính trị nhất trí tán thành nhưng trách nhiệm trực tiếp không thể lẩn tránh thuộc về ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng và ông đứng đầu chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.



Một đảng chính trị với những ông đảng trưởng như ông đảng trưởng Hồ Chí Minh xóa bỏ bộ tư pháp trong chính phủ của ông. Ông đảng trưởng Lê Duẩn nói thẳng ra rằng xã hội cộng sản không cần pháp luật: Chúng ta là nhà nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta không cần pháp luật. Chúng ta chỉ cần phê bình và tự phê bình là đủ. (Lời ông Duẩn). Ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng thì khinh khỉnh đưa cương lĩnh đảng của ông lên trên hiến pháp của nước: Hiến pháp là văn bản pháp lí quan trọng sau cương lĩnh của đảng (Lời ông Trọng). Đảng cầm quyền đứng ngoài và đứng trên hiến pháp, pháp luật như đảng cộng sản Việt Nam thì họ chà đạp lên pháp luật là lẽ đương nhiên, là sự kiêu ngạo cộng sản của họ. Nhưng chà đạp pháp luật tới mức trong thời bình mở trận đánh lớn với trang bị vũ khí hiện đại đánh vào một làng quê bình yên, đột kích vào nhà người dân tay không, xử bắn người dân ngay tại giường ngủ thì chưa từng có trong lịch sử xã hội loài người, kể cả ở những xã hội độc tài, phát xít ghê tởm nhất.



Trước khi bị xử bắn trên pháp trường cải cách ruộng đất năm 1953, bà Nguyễn Thị Năm đang là ân nhân, là cứu tinh của đảng cộng sản Việt Nam. Thuở ban đầu dựng lên nhà nước, dựng lên quân đội, đảng cộng sản không một cắc bạc nuôi chính phủ, không một hạt thóc nuôi quân đội. Bà chủ hãng buôn Nguyễn Thị Năm cùng vài ông chủ, bà chủ tư sản dân tộc khác, mỗi người đã đổ hàng ngàn lạng vàng ra cho chính quyền cộng sản trang trải công việc. Bà chủ trang trại Nguyễn Thị Năm dã dốc cả cơ nghiệp ra nuôi cơ quan đầu não kháng chiến và cơ quan bộ Tổng tư lệnh khi chính phủ kháng chiến phải rời thủ đô Hà Nội rút lên chiến khu Việt Bắc. Trước khi bị công an cộng sản bắn chết tại giường ngủ, cụ Lê Đình Kình vẫn đang là đảng viên cộng sản, chưa hề bị đảng kỉ luật, chưa bị tòa án tuyên một bản án nào, dù là bản án nhẹ nhất.



Cải cách ruộng đất xử bắn bà Nguyễn Thị Năm là một tội ác lịch sử, là nỗi ô nhục muôn đời của đảng cộng sản Việt Nam. Ban đêm công an cộng sản xông vào nhà đảng viên cộng sản Lê Đình Kình, bắn chết đảng viên Kình ngay tại giường ngủ còn là tội ác và nỗi ô nhục lớn hơn nhiều lần tội ác và nỗi ô nhục mang tên Nguyễn Thị Năm.



Nhắc đến hai nỗi ô nhục mang tên Nguyễn Thị Năm và Lê Đình Kình của đảng cộng sản Việt Nam để thấy rằng hơn nửa thế kỉ bão táp cách mạng đã qua, loài người đã bước những bước dài từ nô lệ sang tự do, từ độc tài sang dân chủ, từ sự thống trị của sức mạnh bạo lực sang sự thống trị của sức mạnh văn hóa, sức mạnh nhân văn nhưng ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam, thành phần nòng cốt, ưu tú nhất của đảng vẫn chìm đắm trong tăm tối bạo lực, vẫn nghiền xài bạo lực với dân, vẫn ảo tưởng dựa vào sức mạnh bạo lực để giữ chính quyền. Trượt dài trong bạo lực, đảng cộng sản đã đi từ tội ác mang tên Nguyễn Thị Năm đến tội ác mang tên Lê Đình Kình. Tội ác sau lớn hơn, man rợ hơn nhiều lần tội ác trước. 



Trong khi loài người đang gấp gáp đi tới dân chủ, văn minh thì đảng cộng sản Việt Nam vẫn mải miết đi giật lùi vào bạo lực. độc tài hoang dã. Đảng cộng sản có chính quyền bằng “cướp chính quyền” và giữ chính quyền bằng bạo lực. Cầm quyền trái pháp luật, đảng cộng sản luôn lo sợ và thù ghét pháp luật. Cầm quyền không chính danh, không do lá phiếu người dân bầu chọn, trong sâu thẳm tiềm thức, đảng cộng sản còn nỗi lo sợ và thù ghét nhân dân thâm căn cố đế.



Đảng cộng sản cầm quyền lo sợ, thù ghét pháp luật, lo sợ thù ghét nhân dân, đó là thảm họa lớn nhất của lịch sử Việt Nam. Thảm họa đó là tội ác cải cách ruộng đất. Là cuộc chiến tranh Nam Bắc núi xương sông máu. Là lênh láng máu dân đổ ra trong tết Mậu Thân 1968. Là nỗi đau Văn Giang, nỗi đau Dương Nội, nỗi đau Thủ Thiêm, nỗi đau Lộc Hưng, nỗi đau Đồng Tâm. Lo sợ và thù ghét pháp luật, lo sợ và thù ghét nhân dân, nhà nước cộng sản công an trị sẽ còn gây nhiều tội ác, nhiều nỗi đau, nhiều máu đổ cho người dân Việt Nam khốn khổ.



3.  SỰ THẬT CUỘC THẢM SÁT ĐỒNG TÂM RẠNG SÁNG 9.1.2020

Vụ việc tranh chấp 59 ha đất cánh Đồng Sênh giữa người dân Đồng Tâm và chính quyền Hà Nội là vụ việc dân sự quá đơn giản, thường tình. Vụ việc của luật pháp, chỉ một phán quyết công tâm của tòa án, vụ việc sẽ kết thúc thỏa đáng, thấu đáo và êm thấm. Chỉ có pháp luật mới giải quyết công bằng và hài hòa mọi tranh chấp quyền lợi trong xã hội dân sự.



Từ ngàn đời nay dân Đồng Tâm đã đổ mồ hôi làm ra hạt lúa, hạt ngô trên hơn 100 ha đất đồng Sênh. Trong bản đồ dự án sân bay Miếu Môn rộng 280 ha được Chính phủ hoạch định trong quyết định số 113/TTg ngày 14.4.1980 có 47,36 ha đất phía đông cánh đồng Sênh của dân Đồng Tâm. Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Sơn Bình lúc đó bằng văn bản 386 QĐ/UB ngày 10.11.1981 đã thu hồi có đền bù 47,36 ha đất phía đông cánh đồng Sênh của hợp tác xã nông nghiệp Đồng Tâm giao cho dự án sân bay Miếu Môn. Đơn vị quân đội được giao quản lí đất dự án sân bay đã đóng cọc bê tông phân định mốc giới 280 ha đất qui hoạch sân bay Miếu Môn.



59 ha đất còn lại phía tây cánh đồng Sênh ngoài mốc giới dự án sân bay, người dân Đồng Tâm vẫn một nắng hai sương với đất cho đến nay, một năm hai vụ làm ra của cải vật chất cho xã hội. Còn dự án sân bay Miếu Môn mãi mãi chỉ là dự án, sân bay chỉ có trên giấy và 280 ha đất của lúa, của ngô chuyển thành đất dự án sân bay thì bỏ hoang. Một số dân Đồng Tâm quí đất, thương đất lại phải xin đơn vị quân đội cho thuê lại chính mảnh đất của mình để lại được thức khuya dậy sớm với đất, để đất khỏi mồ côi, hoang hóa .



Can qua nổi lên từ 2015 khi 59 ha đất nông nghiệp của dân Đồng Tâm phía tây cánh đồng Sênh liền kề đất dự án sân bay Miếu Môn lọt vào những cặp mắt thèm khát bành trướng thanh thế, thèm khát lợi nhuận của mấy ông tướng tá doanh nghiệp Viettel nửa dơi nửa chuột, nửa kinh doanh thương trường kiếm lợi nhuận tư bản, nửa an ninh quốc phòng kiếm lưng vốn chính trị. Và mấy ông tướng tá với sức mạnh đồng tiền của doanh nghiệp đại gia trên thương trường và sức mạnh chính trị của an ninh quốc phòng đã khiến chính quyền Hà Nội phải quyết liệt phù phép biến 59 ha đất nông nghiệp của dân Đồng Tâm thành đất quốc phòng mà không trưng ra được quyết định của cấp có đủ thẩm quyền thu hồi 59 ha đất phía tây cánh đồng Sênh giao cho quốc phòng, cũng không trưng ra được bản đồ thu hồi đất theo quyết định đó.



Chính quyền Hà Nội không có văn bản pháp luật chuyển đổi 59 ha đất phía tây cánh đồng Sênh từ đất nông nghiệp thành đất quốc phòng. Không đủ lẽ phải để đối thoại lí lẽ với dân. Không có căn cứ pháp luật để lôi dân ra tòa án phân xử. Nhưng họ có thừa sức mạnh bạo lực nhà nước và với lòng tham, với bảo bối “đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lí”, mà nhà nước chính là lòng tham của họ, 59 ha đất phía tây cánh đồng Sênh liền được họ thậm thụt ngã giá và kí giao kèo với Viettel. Giờ họ phải dùng sức mạnh bạo lực nhà nước giành bằng được 59 ha đất phía tây cánh đồng Sênh, thực hiện nghĩa vụ của bên kí giao kèo với Viettel.



Ngày 15.4.2017, trận đầu tiên sức mạnh bạo lực nhà nước gồm bạo lực công an Hà Nội và bạo lực quân đội mang danh Viettel đánh lén nhưng vô cùng hiểm độc và hèn hạ nhằm thủ tiêu thủ lĩnh giữ đất của người dân Đồng Tâm.



Một lực lượng gồm đám lính trẻ cùng ô tô phục sẵn trên con đường vắng chạy qua cánh đồng Sênh. Một lực lượng vào làng Hoành gồm đám sĩ quan công an huyện Mỹ Đức đã từng luyện võ trong trường công an và sĩ quan quân đội Viettel quân phục, quân hàm nghiêm chỉnh gây lòng tin cho thủ lĩnh giữ đất Lê Đình Kình. Họ mời cụ Kình và chỉ một cụ Kình, không cho người dân nào cùng đi ra cánh đồng Sênh vắng vẻ, lừa nhờ cụ Kình chỉ mốc giới phân định đất dự án sân bay và đất còn lại của Đồng Tâm. Ra đến chỗ lực lượng bạo lực đã bày thế trận, viên trung tá phó công an huyện Mỹ Đức liền tung thế võ hiểm hạ gục cụ Kình. Lãnh trọn cú đòn độc, cụ già 82 tuổi còm cõi bay lên rồi vật xuống đường nhựa nơi chiếc ô tô trực chờ chở xác cụ đi phi tang. Đầu đập xuống đường nhựa, xương hông bị vỡ, xương đùi bị gãy, Chỉ nhờ may mắn cụ Kình thoát chết nhưng trở thành tật nguyền, tàn phế suốt đời.



Thủ lĩnh nông dân giữ đất Lê Đình Kình không chết bởi bạo lực cơ bắp ngày 15.4.2017 thì người thủ lĩnh khí khái, lẫm liệt đó phải chết bởi bạo lực súng đạn đêm 8 rạng sáng ngày 9.1.2020. Đó là sự thật Đồng Tâm, sự thật cuộc thảm sát Đồng Tâm rạng sáng 9.1.2020



 4.  DỐI TRÁ

Mở trận đánh lớn bất chính, bất minh và tàn bạo đánh vào dân, bộ Công an phong tỏa mọi thông tin sự thật về trận đánh Đồng Tâm 8.1.2020. Ngay cả đội ngũ báo chí đông đúc của đảng, của công an cũng không được tiếp cận sự thật Đồng Tâm. Độc quyền thông tin về trận đánh nhưng những ông tướng công an ở sở chỉ huy, những người thảo kịch bản và vạch phương án tác chiến Đồng Tâm 8.1.2020, những người biết trước những cái chết Đồng Tâm cũng thông tin bất nhất về cái chết của ba sĩ quan công an.



Sáng 9.1.2020, trong thông báo đầu tiên về tin chiến sự Đồng Tâm, bộ Công an đưa tin ba sĩ quan công an chết ở cánh đồng Sênh do “một số đối tượng chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… tấn công lực lượng xây dựng hàng rào bảo vệ sân bay Miếu Môn khiến ba cán bộ chiến sĩ công an hy sinh”. Hôm sau ông tướng chánh văn phòng bộ Công an lại lôi tên ba ông sĩ quan xấu số chết ngoài đồng Sênh phải về chết giữa làng Hoành mới buộc được tội cho dân Đồng Tâm gây ra cái chết của ba sĩ quan công an. Hôm sau nữa ông tướng thứ trưởng bộ Công an lại điều ba sĩ quan công an về chết ngay trong khe tường giữa nhà cụ Kình và nhà bên canh mà họ gọi là “hố kĩ thuật”: “Ba cán bộ, chiến sĩ công an không phải thiệt mạng do “hầm chông, lựu đạn, bom xăng, dao phóng”, mà cả ba bị chết do cùng té xuống “hố kỹ thuật” sâu bốn mét” (Lời ông tướng Thứ trưởng bộ Công an). Phải chết ngay trong khe tường cạnh nhà cụ Kình để có tang chứng buộc tội gia đình cụ Kình giết công an, do đó công an mới phản ứng bắn chết cụ Kình.



Vì sao các ông tướng công an ở sở chỉ huy trận đánh Đồng Tâm lại lúng túng, ấp úng, mơ màng, nói năng huyên thuyên về cái chết của ba công an, ba đồng đội của họ như vậy. Hai khả năng đặt ra.



Một. Cái chết của ba công an không có trong thực tế, chỉ có trong kịch bản của những người lên phương án tác chiến ở sở chỉ huy trận đánh. Trong trận đánh phải có cái chết của ít nhất ba công an để biên minh cho hành xử tàn bạo của công an, trong đêm xông vào nhà dân, bắn chết dân như bắn một kẻ có nợ máu. Nhưng tác giả kịch bản quá kém cỏi, kịch bản quá sơ hở. Ba cái chết cứ phải thay đổi để bịt những sơ hở đó mà bịt không nổi.



Ba cái chết được truy tặng huân chương chiến công cao nhất nhưng ngoài tên người, tên đơn vị thì thân nhân và gia đình người chết sơ sài không bình thường. Ba gia đình mang nỗi đau của ba cái chết phải là chủ thể trong đám tang. Nhưng trong đám tang, gia đình vô cùng mờ nhạt, không thấy nỗi đau chỉ thấy hình thức thủ tục của một đám tang. Cả việc tặng huân chương, thăng quân hàm đầy báng bổ pháp luật, báng bổ giá trị cao quí của những tấm huân chương cũng được làm nhanh bất thường đến kinh ngạc.



Bình thường bộ hồ sơ tưởng thưởng, vinh thăng phải hành trình vòng vèo qua nhiều cửa, nhiều cấp, nhiều cuộc họp xét duyệt, nhiều dấu son của một nền hành chính nhiêu khê, trì trệ. Đơn vị cơ sở là trung đoàn cảnh sát cơ động phải tập hợp tư liệu, xây dựng báo cáo thành tích khen thưởng, họp hội đồng, họp đảng ủy xem xét và làm văn bản đề nghị lên cấp trên là BTL CSCĐ (bộ tư lệnh cảnh sát cơ động). BTL CSCĐ lại trình lên BCA (Bộ Công an). BCA trình lên Chính phủ. Từ tờ trình của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước mới kí quyết định tặng thưởng huân chương. Từ đề nghị của trung đoàn đến Chủ tịch nước kí quyết định phải qua ít nhất năm cấp. Mỗi cấp đều phải theo trình tự: Thủ trưởng xét duyệt, văn phòng thảo đề nghị, xin chữ kí rồi trình lên cấp trên. Thần tốc nhất mỗi cấp cũng phải mất một ngày. Nhưng ba công an chết ở Đồng Tâm ngày 9.1 thì ngay hôm sau đã có chữ kí của Chủ tịch nước quyết định truy tặng huân chương. Kì lạ là ngày 9.1 công bố ba cái chết, trong cùng một ngày hôm sau, 10.1, có ngay chữ kí của cả Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước. Mau lẹ phi thường như việc tôn vinh đã có sẵn trong kịch bản, đã được hoàn tất từ trước, chỉ chờ công bố cái chết là công bố tặng huân hương.



Chỉ vài chục người dân họp mặt tưởng niệm ngày đau thương ngày 19.1, ngày 17.2, ngày 14.3 .  .  . lập tức có hàng trăm công an chìm nổi khống chế dân, giải tán cuộc họp mặt chính đáng của dân và hàng chục mật vụ cầm máy quay video dí sát vào mặt từng người dân ghi hình. Trong trận đánh lớn vào Đồng Tâm của hàng ngàn cảnh sát cơ động phải có hàng trăm ống kính video nghiệp vụ của công an có mặt ở mọi chỗ, với máy ghi hình cao cấp, ghi được hình trong mọi điều kiện ánh sáng, nhất là những điểm có xung đột, là đỉnh điểm bùng nổ như nhà cụ Kình.



Sở chỉ huy trận đánh rất cần hình ảnh, bằng chứng xác thực về cái chết của công an để biện minh cho trận tấn công vào dân tàn bạo của công an. Có tới ba cái chết quí giá đó thì đội ngũ ghi hình đông đảo của công an phải xô đến bấm máy ở mọi góc độ. Nhưng các tướng công an ở sở chỉ huy trận đánh đưa thông tin về ba cái chết mà không có nổi một tấm hình đủ sức thuyết phục, đủ sức chứng minh xác thực về cái chết của công an ở Đồng Tâm rạng sáng 9.1.2020. Có cái chết thực thì nơi ba công an ngã xuống không thể tùy tiện di chuyển hết nơi này đến nơi khác. Cái chết đau lòng có thực đó cũng đã được ghi lại bằng nhiều tấm ảnh xúc động và đầy sức thuyết phục, không mơ sồ và giả tạo như hai, ba tấm ảnh nghèo nàn do dư luận viên tung lên mạng.



Hai. Cái chết của ba công an chỉ là tai nạn xảy ra ngoài kịch bản. Quân đội và công an đua nhau làm kinh tế, hăm hở làm kinh tế, say mê làm kinh tế. Đua nhau làm kinh tế, sĩ quan quân đội và công an đều kiếm tiền rất giỏi và rất giầu như tướng Lê Mã Lương đã chỉ ra. Giỏi kiếm tiền, giỏi làm giầu, chỉ biết mê mải đếm tiền thì phẩm chất người lính, khả năng tác chiến của quân đội phải thấp kém và kĩ năng nghiệp vụ của công an phải tồi tệ.



Kéo đại quân bất ngờ đánh vào một làng quê nhỏ bé, quyền chủ động hoàn toàn thuộc về công an khai chiến. Trong trận đánh, người dân bị khống chế, giam trong nhà, người dân chỉ tự vệ cũng bất lực. Công an hoàn toàn làm chủ tình thế, làm chủ diễn biến trận đánh mà có tới ba sĩ quan công an cấp tá, cấp úy nối nhau lao xuống “hố kĩ thuật” chết thảm thì kĩ năng, nghiệp vụ của những sĩ quan công an đó quá tồi dẫn đến cái chết quá lãng nhách, không đáng.



Cơm ăn, áo mặc từ tiền thuế của dân, nhận đồng lương ưu đãi từ tiền thuế của dân mà nỡ cầm khẩu súng có được cũng từ tiền thuế của dân bắn vào dân rồi nhận cái chết do tự té xuống “hố kĩ thuật”. Dù đau lòng, thương tâm nhưng đó là những cái chết tầm thường của những con người công cụ phản bội nhân dân, chống lại nhân dân.



Nhưng nhà nước công an trị cần biện minh cho chiến dịch bất minh, bất chính, tàn bạo đánh vào dân Đồng Tâm nên phải vội vã tôn vinh cái chết của ba con người công cụ cầm súng bắn vào dân trở thành “xả thân bảo vệ đất nước, bảo vệ tổ quốc”.



Ông tiến sĩ văn chương Nguyễn Phú Trọng có biết tổ quốc là gì không? Tổ quốc là đất nước núi sộng ruộng đồng tổ tiên để lại. Tổ quốc là nhân dân bền bỉ lam lũ làm nên sức sống của đất nước, là người dân âm thầm hi sinh, đổ máu giữ gìn cương vực lãnh thổ làm nên sự trường tồn của tổ quốc. Nổ súng bắn vào nhân dân, bắn vào những người làm nên sự trường tồn của tổ quốc mà là bảo vệ tổ quốc ư? Trao huân chương cho những cái chết tầm thường của những người cầm súng bắn nhân dân, phản bội nhân dân. Đó là những tấm huân chương lừa dối nhân dân.



Bắn vỡ tim, nát óc cụ Kình ngay tại nhà cụ, ngay trên gường ngủ của cụ rồi mang xác cụ đi, tự tiện mổ phanh thây cụ ra. Tưởng đã là tột cùng tàn ác man rợ. Nhưng không. Khi gọi vợ con cụ Kình nhận xác cụ về chôn cất, những người bắn cụ còn bắt vợ con cụ kí giấy xác nhận cụ Kình chết ở đồng Sênh, cách nơi cụ bị giết chết bốn cây số. Không phải chỉ tột cùng man rợ mà còn tột cùng của sự trắng trợn lừa dối. Sự việc người dân biết rõ, họ còn lừa dối như vậy thì cái chết của ba công an, chỉ họ biết với nhau, họ lừa dối thế nào mà chẳng được. Với sự tàn bạo nam rợ và lừa dối trắng trợn của nhà nước công an trị thì mọi người dân Việt Nam đều là Lê Đình Kình.



Thảm kịch Lê Đình Kình chính là thảm kịch của người dân lương thiện sống trong thể chế tồn tại bằng bạo lực và lừa dối. Thảm kịch đó hôm nay đã xảy ra với cụ Lê Đình Kình ở Đồng Tâm. Ngày mai thảm kịch đó sẽ xảy ra với bất cứ ai, ở bất cứ đâu trên đất nước Việt Nam đau thương dưới thể chế cộng sản công an trị.

22 January 2020

Điều họ THÀNH CÔNG NHẤT là NGU DÂN



(20/01/2020)
Sao Mai

* * *

Tôi, người đàn bà lẻ loi đau những ngày năm cũ…

Chưa bao giờ sắp Tết lại buồn đến thế. Cuộc sống với đủ mọi phận người vẫn miệt mài lam lũ ngoài kia. Người hối hả khuân những chậu lan vài chục triệu đồng, kẻ phong phanh, lầm lụi với vài chục ngàn những cuốc xe ôm ngày cuối.

Vào Facebook, đâu đâu cũng thấy di ảnh người nông dân 84 tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng bị hành quyết đêm 9/1 ngay tại mảnh đất 84 năm chôn rau cắt rốn. Mảnh đất mang bao ân nghĩa của đồng bào Đồng Tâm với miền nam ruột thịt trong những ngày chiến tranh gian khổ.

Ánh mắt hiền lành, gương mặt đôn hậu của người lãnh tụ nông dân ấy đã ám ảnh tất thảy mọi người VN có lương tri và nhận thức. Rất nhiều lần, nghẹn ngào, tôi lại giở clip khâm liệm cụ ra xem mà chưa một lần dám xem cho hết. Lần nào cũng vậy, một nỗi đau đớn, kinh hoàng nhức buốt dội lên óc và sự tê tái lan khắp châu thân. Trời lạnh, nên những giọt nước mắt càng bỏng rát vị của muối và đắng cay của niềm uất hận và bất lực.

Có bao nhiêu người VN biết đến Dương Nội, Đồng Tâm, Lộc Hưng, Thủ Thiêm…?

Có bao nhiêu người Việt Nam biết đến Boxit Tây Nguyên, Formosa, đường sắt Cát Linh – Hà Đông, đến Đặc Khu, bãi Tư Chính?

Có bao nhiêu người Việt Nam biết hôm nay là 46 năm ngày tưởng niệm các chiến sỹ đã hy sinh vì bảo vệ Tổ Quốc nhưng một phần cơ thể của Việt Nam – đảo Hoàng Sa vẫn mất bởi một thằng kẻ cướp mà Đảng vẫn gọi bằng NGƯỜI BẠN với cái tên trìu mến “4 tốt, 16 chữ vàng”?

Hôm qua, tôi hỏi đứa con trai (là kiến trúc sư chứ không phải là thành phần thất học) đã đi làm vài năm: Con có biết vụ thảm sát Đồng Tâm không và con nghĩ sao về cụ Kình?

Nó trả lời thản nhiên: chính quyền giết vài người để trấn áp phản loạn là điều nên làm mà mẹ.

Tôi đứng dậy, trước mặt nó, trân trối nhìn, nước mắt bắt đầu chảy… run rẩy và muốn quỵ ngã.

Con tôi, từ khi lên 2, biết đi, biết nói, biết chơi cùng chúng bạn đến nay, hiền lành, đạo đức và chưa bao giờ dám giết dù chỉ là một con gián, đã thản nhiên và vô cảm đến thế này sao? Nó ngạc nhiên, rồi ân hận vì thấy mẹ thế kia. Nó cụp mắt, đi làm nhưng vẫn không hiểu vì sao mẹ lại thế?

Trong một nỗi xót xa muôn thuở về thế thời. Ngẫm, có lẽ, điều họ thành công nhất là ngu dân. Bởi thế, họ lớn lên được bằng bạo lực, tồn tại bởi bạo lực, khuất phục và đê hèn cũng bởi một bạo lực lớn hơn. Và vì tham ác, tất nhiên, họ đã chà đạp lên mọi ân nghĩa cao cả từ phía Nhân dân.

Hà Nội những ngày giáp tết, lạnh hơn bao giờ. Tôi, chị bạn 65 tuổi, cô bạn 72 tuổi… thi thoảng lại gọi cho nhau và nghe nhau khóc.

TG : Sao Mai 
Nguồn :  https://baotiengdan.com/2020/01/20/dieu-ho-thanh-cong-nhat-la-ngu-dan/?fbclid=IwAR0_z1_qS2kh2pYAOVdgmukTnGK_w2OGR7zeUGPx0x02K9jH1rRLqbRdQe8

13 January 2020

Đồng Tâm những ngày buồn nhất lịch sử!



18 phút •
Tôi thấy có bài viết này, được nhiều cư dân fb chia sẻ, nhưng không có tên tác giả, chỉ thấy cuối bài ghi từ nguồn #Hienphap .
Theo nội dung bài viết, ta có thể đoán bài viết của một người dân ở Đồng Tâm,viết vế biến cố đau thương xảy ra trên quê hương của mình.
Theo tác giả bài viết, thì cuộc tấn công vào Đồng Tâm không phải bắt đầu lúc 4 giờ sáng như nhiều nguồn tin đã biết, mà nó sớm hơn rất nhiều, từ lúc nửa đêm...
_____

ĐỒNG TÂM NHỮNG NGÀY BUỒN NHẤT LỊCH SỬ!

Rằm tháng Chạp là lúc mà người người nhà nhà lo toan chuẩn bị cho năm mới. Đón một thập kỷ mới với niềm vui mừng và rộn dã. Thế nhưng xã Đồng Tâm chúng tôi lại là một nơi buồn nhất trên quê hương Việt nam.

2h30 sáng .: tiếng kẻng, tiếng mâm, tiếng phẫn xoong đập vào nhau vang khắp Mọi con ngõ nhỏ . Nghe sao mà chát chúa. Mọi người nghe lạ lắm phải không, thời buổi 4.0 rồi mà còn gõ kẻng gõ mâm lạ thật. Thời này thì chỉ cần 1 cú điện thoại là song phải không. Thế nhưng các bạn ạ sóng điện thoại và Internet đã bị vô hiệu hoá bởi quân đội.

2h 45: Tiếng pháo nổ rộn vang đang nằm trong nhà cứ ngờ như mình đang được nghe bắn pháo hoa đêm giao thừa ở hồ gươm vậy. Tự hỏi lòng nhà ai có gì vui mà lại đốt pháo vào giờ này, mở cửa chạy ra sân ngó thì không thấy pháo bay lên trên cao như thường lệ

Mà chỉ có nghe thấy tiếng nổ như nhà ai đốt pháo thửa . Rồi lại nghe tiếng la hét kêu cứu của ai đó chạy khắp xóm" LÀNG NƯỚC ƠI CHÚNG NÓ ĐÁNH RỒI,

Hoảng hốt cả xóm chạy ra khỏi nhà thì mới hay nhà ông Kình đang bị quân đội và cảnh sát tấn công. Cả xóm định chạy ra xem sao thì.. vừa ra khỏi ngõ gặp mấy chục anh cscđ xứng sẵn đó rồi . Các a ấy nhìn thấy dân là lăm le cầm dùi cui tay còn lại là khiên đỡ. Các anh rất chỉnh tề xếp thành hàng ngang chắn ngang đường. Và hô lớn qua loa phóng thanh “TẤT CẢ VÀO NHÀ NGAY”. Chưa hiểu chuyện gì sảy ra thì các anh đã tặng ngay cho một nổ vào ngõ chỗ đông người. Làm tất cả chạy toán loạn. Một anh đứng đó vô tình bị nổ vào chân do đông người a không né kịp kết quả là về nhà luôn vì chân bị tê liệt. Thấy vậy bà con tiếp tục đi chuyển xuống nơi mà gần với nhà ông Kình . Nghĩ là đi trong làng nhiều ngõ ngách sẽ ra đó và tiếp cận được nhưng không ngờ lại gặp một đội cscđ khác đã phục sẵn . Thế là bà con lại ăn pháo nổ lần này còn có cả bom khói và mìn cay.

3h30: sau một thời gian bà con tranh luận làm thế nào để tới được chỗ ông kình thì tất cả quyết định tấn công lại bằng đá ném . Bác con cùng lúc tấn công nhưng kết quả thì không như gđ muốn. Cscđ luôn giữ khoảng cách an toàn và còn được trang bị tận răng như
Áo chống đạn khiên chịu lực , áo chống đâm chém, và dùi cui điện , súng .....vv. Bà còn chỉ còn biết chôn trân hay chạy lăng săng trong ngõ xóm. Trong khi bất lực không làm sao tiếp cận nhà ông được thì có một phụ nữ vừa khóc to vừa nói. Các ông các bác ơi các anh chị em ơi. Cứu mọi người đi chúng nó bắn pháo vào nhà bắn hơi cay vào nhà mọi người trong đó sắp chết ngạt rồi. Đấu tranh thì chia đều cho toàn dân chứ có ai được hơn đâu. Nghe mà trong lòng như đứt từng khúc ruột. Nhưng mọi người biết đấy đến ra khỏi ngõ còn không làm được thì làm sao cứu người. Nỗi uất hận hiện rõ qua đôi mắt của từng người.

4:30 thời gian thì cứ thế trôi đi. Tiếng súng đạn thay cho tiếng kêu của kim dây đồng hồ.

05:00; mọi tiếng súng đã hết. Những chú cscđ cũng đã thấm mệt vì không được ngủ như mọi ngày cùng với đó là mặc bộ quần áo giáp và trang bị cũng phải đến cả 15 kg trên người. Mỗi đứa kiếm một chỗ tựa để nghỉ ngơi. Nhưng vẫn có một số phải canh gác để thay nhau nghỉ.
07:00 một số người đã thấm mệt sau một đêm không ngủ và ngửi khói cay. Họ đã giải tán dần chỉ ít người có sức khỏe còn lảng vảng ngồi nói chuyện với nhau. Đó cũng là lúc mà các lính đặc nhiệm mặc trang phục như quần áo rản di , khoảng 20 mươi người tay ai cũng cầm súng mình là dân thường nên cũng không biết tên các loại súng. Họ kéo nhau về khu vực uỷ ban xã.

Tưởng như mọi chuyện đã xong. Trời sáng cũng là lúc mà nhiều người về lo cho con em đi học. Nhưng tất cả đều phải quay về và không được tới trường.

Các ngõ chính đường ra nhà ông Kình đều bị bao vây thế nên mọi người không thể có Thông tin gì từ gia đình ông.

Đến trưa ngày 9/1 thì mọi người mới có một chút Thông tin từ đài truyền hình của nhà nước . Đài đưa tin '' vụ trống người thi hành công vụ ở Đồng Tâm'' theo đó nói ''khi quốc phòng đang xây dựng tường bao sân bay miếu môn, đã có một số đối tượng dùng bom săng lựu đạn dao phóng chống trả . Làm 3 cán bộ chiến sĩ bị thiệt mạng. Lưc lượng đã tiêu diệt một người và một người khác bị thương. :

Ngay sau đó họ đã khôi phục mạng Internet nhưng chỉ có wife mới dùng được . Còn sóng di động vẫn bị vô hiệu hoá .

Khi mà thông tin không được đưa ra ngoài người dân chỉ còn biết nghe tin qua truyền hình. Mà tin đó không phải là của một tờ báo hay phóng viên tự do . Mà là do chính bộ công an nơi mà chỉ huy ra lệnh cho những

Người cầm súng sáng nay hành động.

Sau khi đưa tin đã có một ních Facebook đăng tải dòng trạng thái" "chồng ơi 3000 quân sao lại là anh"

Kèm theo đó là một số hình ảnh người đàn ông mặc trang phục công an chưa rõ ranh tính.

Vậy là cư dân mạng thi nhau chia sẻ bài viết đó. Nhưng ngay sau đó ních Facebook đó đã không còn.

Dư luận thì cứ vậy mà ném đá người dân Đồng Tâm. " là bọn khủng bố" . Mà họ chảng cần biết người đó là ai chết vì lý do gì.

Các bản tin thời sự thì vẫn đưa tin mà chẳng có hình ảnh.

Ngày 10/1. Buổi sáng chợ không họp. Cấm đường. Loa truyền thanh Ngày 10/1. Buổi sáng chợ không họp. Cấm đường. Loa truyền thanh Thông báo học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở nghỉ . Vì lý do"

"Sơ KẾT HỌC KỲ 1"

Không khí ảm đạm bao chùm cả xã. Ra đường chẳng có mấy người đi lại. Chỉ thấy mấy chú cscđ đi mua đồ ăn sáng và dựng lều bạt ngủ nghỉ tại chỗ. Mấy chú vì mệt mà ăn ngon lành. Còn người dân thì chẳng ai nuốt nổi hột cơm vì họ đã nghe tin một số người nhà ông Kình chết.

NHƯNG CHƯA AI DÁM KHẲNG ĐỊNH.

Đến khoảng trưa thì thấy tin các con cháu dâu và vợ ông Kình được thả về. Ngay sau thì họ lại được tin của chính quyền gọi người nhà ông lên làm thủ tục nhận xác ông Kình.

KỂ ĐẾN ĐÂY MÀ TRONG LÒNG CÒN THỔN THỨC.

Vậy là mọi người đã biết rõ ai chết.

Dân trong làng ngoài xã ai ai cũng xót thương cho một người dám hy sinh đấu tranh cho quê hương.

Cùng với đó là sự quan tâm tới những người còn chưa rõ tung tích
Họ sống chết ra sao .

Ai cũng đều mong đón linh cữu của ông.
Đến 19h mọi người đã tập trung tại cổng làng nơi gần nhà ông để đón đón linh cữu của ông về ăn táng. Xe chở linh cữu đã về và đậu kẻ cổng làng nhưng không hiểu sao cscđ vẫn canh gác không cho ai tiếp cận kể cả người nhà.

Mãi đến khoảng 22h thì ông mới đc gia đình đưa vào nhà tắm rửa và thay quần áo cho ông.
Các bạn không thể tưởng tượng được một đám tang nào mà nhiều người khóc đến thế.
Vào nhà thay quần áo cho ông thì mới thấy được nhà nước nhân đạo thế nào.

ĐẦU TIÊN THÌ NHÌN THẤY MỘT VẾT KHÂU TỪ CỔ XUỐNG DƯỚI BỤNG. SAU ĐÓ LÀ MỘT LỖ TRÒN XOE Ở TIM ,Ở DƯỚI BỤNG CŨNG CÓ MỘT LỖ. XUỐNG TÝ NỮA THÌ THẤY MỘT CẢNH MÀ BAO NHIÊU CON NGƯỜI PHẢI NGẤT. CHÂN TRÁI ÔNG BỊ MẤT HẲN CÁI ĐẦU GỐI CHỈ CÒN DÍNH ÍT DA Ở PHÍA SAU. CÁC CON GÁI ÔNG ĐÃ NGẤT VÀ BẤT TỈNH. NGƯỜI DÂN THÌ LA HÉT XÓT XA. PHẦN CÒN LẠI LÀ ĐẦU CÓ MỘT LỖ Ở NGAY THÁI DƯƠNG. PHÍA SAU ĐẦU THÌ NŨNG NỊU VÀ CŨNG LÀ VẾT MỔ XẺ ĐÃ ĐƯỢC KHÂU VÁ. Đấy các bạn ạ nhà nước các anh ấy nhân đạo quá phải không. Con gái ông Kình khóc"

ÔNG TRỌNG ƠI, ÔNG MANG CON BỎ CHỢ, ÔNG HÔ HÀO TOÀN DÂN CHỐNG THAM NHŨNG, BỐ TÔI VÀ AE TÔI NGHE LỜI ÔNG CHỐNG THAM NHŨNG, MÀ ÔNG ĐỂ GIA ĐÌNH TÔI CHẾT OAN UỔNG THẾ NÀY ĐÂY, MỘT NGÀY GIẾT 5 NGƯỜI NHÀ TÔI.

Nghe có đau xót không hả người dân cả nước. Vậy là chẳng nhẽ bố con , ông cháu anh em. Cũng một gia đình phải hy sinh cùng ngày. một cách vô ích sao. Xã hội những người có ăn có học. Có địa vị để làm gì. Khi mà U23 chiến thắng các vị thi nhau ra đường hò reo khắp cả nước. Sao các vị không thi nhau ra đường vì dân oan cả nước đi. Các vị chỉ biết hưởng thụ cho bản thân mình

Còn những người dân oan cần được sự đồng cảm của các vị đấy. LÊN TIẾNG ĐI VÌ YÊU NƯỚC, VÌ DÂN OAN. NẾU CÁC VỊ CÒN TIẾP TỤC IM LẶNG THÌ RẤT SỚM THÔI CÁC VỊ MỚI CHÍNH LÀ NGƯỜI PHẢI RA ĐI Trong oan ức
Nguồn: #Hiếnpháp
                                                                       

07 January 2020

Những tín hiệu qua đám tang Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh



TS. Đinh Hoàng Thắng

Một nhà ngoại giao xuất sắc có quan điểm cứng rắn về Trung Quốc, một lão thành cách mạng từng khuyên Đảng, Nhà nước nên từ bỏ Cương lĩnh, từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lê nin, ấy thế mà việc đưa tiễn Cụ về trời sáng 2/1/2020 vẫn diễn ra suôn sẻ. Chính quyền đã dành cho Cụ “nghi thức lễ tang cấp cao”. Hàng trăm các tổ chức, cá nhân, từ đại diện cơ quan đoàn thể đến các tổ chức dân sự, từ NO-U đến bà con Dương Nội, không chỉ có mặt ở Nhà tang lễ mà còn đưa Cụ về tận Đài hoá thân hoàn vũ.

Một đảng viên 80 năm tuổi đảng, sinh thời Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh từng có hàng trăm bài phân tích và cảnh báo về các âm mưu và thủ đoạn trước mắt cũng như lâu dài của Trung Quốc làm suy yếu Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực, trên mọi khía cạnh và ở mọi cấp độ… Đó là lược qua một số điểm nhấn từ Hồi ký “Kể lại cuộc đời” của Cụ; còn để thấu hiểu tấm lòng của một lão tướng bình dân cho đến cuối đời vẫn đau đáu đối với vận nước, hãy đọc cuốn Hồi kỳ ấy! Từng làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc 13 năm có lẻ, Cụ Vĩnh đã xuống đường cùng với người dân Thủ đô biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lấn biển đảo Việt Nam, thể hiện bản lĩnh của một chính khách, một nhà hoạt động xã hội siêu đặc biệt. Đáng kính nể và đáng khâm phục! Sự về cõi của Cụ giống như một ngôi sao băng vừa vụt qua trên bầu trời ảm đạm. Có thể chia sẻ với suy tưởng của GS. Tương Lai: Ngôi sao băng ấy tuy đã tắt nhưng ánh sáng của nó sẽ còn soi rọi mãi tới nhiều thế hệ mai sau!

Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh dường như là Uỷ viên Trung ương cuối cùng của Đại hội ĐCSVN lần thứ 3, từ năm 1960 còn sót lại. Chỉ còn mấy ngày nữa là Cụ bước vào năm thứ 105 trên dương thế – nghĩa là sống và hoạt động vắt ngang hai thế kỷ. Đám tang của Cụ phải chăng là hình ảnh hoà đồng hiếm hoi giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức dân sự trong việc đưa tiễn một nhà ngoài giao, một lão tướng đầy bản lĩnh về trời? Đám tang Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh dường như đã gửi đi một số tín hiệu nào đó để chúng ta cùng suy nghiệm? Suy nghiệm với tư cách là cá nhân hoặc cả cộng đồng? Từ rất lâu Cụ đã kiến nghị với ĐCSVN, hãy tự giác và chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng CNXH, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa. Xem thế để thấy thật là một sự lạ lẫm, khi vòng hoa của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được đưa vào Nhà tang lễ (hẳn nhiên không cùng một lúc) cùng với vòng hoa của Câu lạc bộ Hiếu Đằng, của NO-U, của bà con Dương Nội… và của nhiều tổ chức xã hội dân sự khác. Truyền hình CHTV cũng được phép livestream từ đầu đến cuối đám tang. Nếu không có sự cố một vài vòng hoa bị “chuyển ngang” hoặc “quên” trên sân Nhà tang lễ thì các câu hỏi vừa nêu trở thành điều khẳng định!

Trong điếu văn của Bộ Ngoại giao nhớ đoạn: Đồng chí Nguyễn Trọng Vĩnh là một nhà ngoại giao tài giỏi, bản lĩnh, sâu sắc, người đồng chí, đồng đội gần gũi, chân thành, công tâm, bao dung và độ lượng. Điếu văn này đánh giá cao đóng góp của Cụ vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Là một người lính mặc áo ngoại giao và cũng là một nhà ngoại giao khoác áo lính, Cụ Vĩnh chắc chắn là vị đại sứ đặc mệnh toàn quyền duy nhất của Việt Nam cho đến nay có nhiệm kỳ dài nhất ở sở tại. Và Cụ cũng là vị đại sứ duy nhất dám có thái độ cứng rắn đối với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc khi vị thứ trưởng ấy đại diện chính sách bành trướng đã có những phát ngôn “không được chấp nhận” (not acceptable) vào thời điểm hai nước có chiến tranh. Theo lệ thường, những lúc gay cấn như thế Bộ Ngoại giao sở tại đã áp dụng ngay quy tắc “persona non grata” (nhân vật không được hoan nghênh) với một đại sứ như Cụ. Nhưng dạo ấy, do quan hệ Trung – Việt có nhiều thông điệp không thể chuyển qua bên thứ ba được nên Trung Quốc đã không “cắt cầu” mà vẫn phải giữ quy chế ngoại giao của Cụ.

Tình huống nói trên của Cụ Vĩnh liên tưởng tới một câu chuyện bi tráng khác trong lịch sử, khi sứ thần Giang Văn Minh chỉ vì “bất nhục quân mệnh” (không để nhục mệnh vua), đã đối đáp một cách cương trực trước triều đình Trung Quốc và đã bị vua Minh Tư Tông hành hình vào năm 1638, lúc 65 tuổi. Tuy nhiên, đối với Cụ Vĩnh, Cụ đã phải vận hết “nội công” kiềm chế để không bị cuốn vào các trò phi ngoại giao vô lối, luôn luôn dùng lời lẽ, ngôn từ thích hợp và đích đáng để đập lại đối phương, buộc họ phải “rút dù”. Và rường hợp nhà ngoại giao Nguyễn Trọng Vĩnh còn đặc biệt ở chỗ Cụ phục vụ được qua 3 đời Tổng Bí thư: Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh; Đảng và Nhà nước Việt Nam những năm tháng ấy không chỉ đứng về phía Cụ, mà còn vinh danh vị đại sứ vô tiền khoáng hậu ấy bằng nhiều huân huy chương các loại.

Không chỉ là một nhà ngoại giao thâm thuý, Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh còn là một lão tướng đầy bản lĩnh. Khi đi quanh linh sàng Cụ, chúng ta không thể không liên tưởng tới hình ảnh người lính già trong thơ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông: “Xã tắc đôi phen chồn ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng”. Cụ không chống Trung Quốc với tư cách cá nhân, cụ chống chính sách bành trướng và bá quyền của Bắc Kinh trên tư cách là một nhà ngoại giao từng có 13 năm kinh nghiệm trực tiếp trên thực địa. Từ những trải nghiệm của một người lính về chiến tranh và hoà bình, Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh đã ý thức sâu sắc về sự trường tồn của dân tộc, qua những kiến nghị gửi lên lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Nhưng thật đáng tiếc, cho đến nay, các đề nghị xây dựng của Cụ rất ít được hồi âm và càng ít được lắng nghe. Dường như tất cả đều cùng chung số phận với mọi kiến nghị của các cá nhân cũng như các tổ chức xã hội dân sự khác nhau gửi lên lãnh đạo các cấp… Nói cho công bằng, một lần duy nhất đến thăm Cụ tại tư gia, đại diện của Thành uỷ Hà Nội có trao đổi về các đề nghị ấy, nhưng lại thuyết phục Cụ rút khỏi Thư ngỏ 61 và đã bị Cụ bác bỏ, có lý có tình.

Tuy nhiên, trong đám tang sáng nay, vẫn diễn ra “màn” an ninh lặng lẽ thay giải băng rôn trên các vòng hoa của Boxite Vietnam và một vài vòng hoa khác. Nhưng đã không có cảnh dằng co thô bạo hay cố ý ngăn không cho mang các bức trướng vào Nhà tang lễ. Trên tất cả, các bên dường như đều có sự hiểu ngầm. Phía Nhà nước, an ninh ít gây khó dễ hơn mọi khi, còn từ xã hội dân sự, cũng không thấy xướng danh các tổ chức khiến Chính quyền khó chịu. Tất cả đều trang nghiêm, trật tự, làm đúng thủ tục theo hướng dẫn của Ban Tổ chức. Đối với một trưởng thượng như Cụ Vĩnh, có vẻ như cả hai phía đều kiềm chế để giữ được hình ảnh “đẹp đạo” từ tất cả bên. Biết đâu, qua đám tang này, mọi người rút ra được một số kinh nghiệm nhất định để hoá giải bớt phần nào những căng thẳng không cần thiết giữa chính quyền và các tổ chức dân sự. Nếu đạt được một đồng thuận xã hội nào đấy, hình ảnh của đất nước và của chính quyền đối với người dân, cũng như đối với cộng đồng quốc tế sẽ tốt đẹp và dễ chịu hơn!

Người xưa khuyên “Lão giả an chi” (Đã già thì ngơi nghỉ). Ở vào tuổi siêu xưa nay hiếm, Cụ Vĩnh không nghỉ, vẫn theo dõi tình hình đất nước, nội tình của Đảng. Những góp ý và phản biện của Cụ nóng bỏng thời sự, chứa chan lòng yêu nước, thương dân, đầy trí tuệ sắc bén. Những bài viết ấy chứa đựng một nhân cách sống giản dị và thanh cao, sống động và lan tỏa trong xã hội hôm nay, đồng thời truyền cảm hứng cho các thế hệ nối tiếp, dấn thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì dân chủ, hạnh phúc cho nhân dân (FB. Mạc Văn Trang). Hai giai đoạn nổi bật trong hoạt động ngoại giao: làm cố vấn cho Lào và làm đại sứ cho ta ở Trung Quốc, Cụ Vĩnh thật xứng đáng với câu đối của con gái yêu, Trung tá Quân đội Nguyễn Nguyên Bình đề tặng: Làm cố vấn miền Tây, ghi lời Bác không làm “lão Toàn quyền”, luôn nhớ chữ “Chủ quyền của Bạn”/ Đi Đại sứ nước Tàu, thuận lòng Dân chẳng ngại “người Đại quốc”, giữ trọn điều “Quốc thể về ta”. Hôm nay… Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội đã không tới viếng Cụ Vĩnh, chỉ cho người mang vòng hoa đến Nhà tang lễ! Vậy mà chỉ còn mấy ngày nữa là kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung – Việt. Hôm nay… Ngày đưa Cụ Vĩnh về Trời, dặn người ở lại tiếp đời đấu tranh! Không rõ sinh thời Cụ có quan niệm “hạnh phúc là đấu tranh”, hay do hoàn cảnh đưa đẩy? Nhưng cũng có thể đấy là điều duy nhất còn sót lại từ Các Mác, sau khi Cụ đề xuất với lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đã đến lúc nên giã từ Chủ nghĩa Mác – Lên nin!