16 December 2017

BÀN VỀ NGU DÂN

   GS. Nguyễn Đình Cống


   Tôi vừa đọc bài “CHÍNH SÁCH NGU DÂN TRONG LỊCH SỬ TRUNG QUỐC”, thấy có vài ý hay hay, xin giới thiệu để các bạn tham khảo. Bài khá dài nên tôi mạn phép tóm lược các ý chính. Tác giả người Tàu, tên là Lý Trung Tân ( Li Zhongqin), người dịch : Lâm Duyên. Bài đăng trên trang Nghiên cứu lịch sử ngày 8/12/2017, trang Bauxitvn ngày 10/12.

   Từng có tổng kết rằng Lịch sử Trung quốc có một số định luật lớn, trong đó có định luật TRÊN DƯỜI CÙNG NGU. Chỉ cần thể chế toàn trị còn tồn tại, trên dưới cùng ngu là không thể tránh khỏi. Cái gọi là “Định luật trên dưới cùng ngu”, là chỉ trong xã hội chuyên chế, kẻ thống trị thực hành chính sách ngu dân. Có “chính sách ngu dân” tất sẽ xuất hiện “đối sách ngu quân” trong triều đình và dân chúng. Đây gọi là “trên dưới cùng ngu”. Hệ quả của “trên dưới cùng ngu” là trên có hôn quân, dưới có ngu dân, xấu thắng tốt thua, luân lý hao mất, xã hội đen tối, giả dối lên ngôi, hủ bại lạc hậu, hèn hạ bạc nhược.

   1-“Chính sách ngu dân” của kẻ thống trị tự cho mình thông minh

   Bọn cầm quyền muốn giữ độc tài toàn trị thì thích dùng chính sách ngu dân. Chính sách này được một số bọn trí thức tay sai phụ họa và đem ra dạy nhân dân thực hiện. Kết quả là dân chỉ lo làm ăn, tự biến thành đàn cừu, đàn vịt, mọi thứ đều nghe theo sai bảo của vua quan. Bọn chúng cho rằng khi dân có trí tuệ thì khó cai trị. Làm cho dân ngu thì xã hội dễ giữ được ổn định, dễ cai trị.

   2-“Đối sách ngu quân” làm kẻ độc tài thành đần độn

   Tục ngữ có câu: “Trên có chính sách, dưới có đối sách.” Ở trên thực hiện “chính sách ngu dân”, ở dưới tự nhiên có “đối sách ngu quân”. Đối sách khác chính sách ở chỗ đối sách là việc bắt buộc phải làm, tạo ra 2 kết quả khác nhau, kết quả trước mắt, được mong muốn là làm vừa lòng người nghe, kết quả lâu dài, tích lũy, tự sinh ra là làm ngu muội người nghe, mà chủ yếu là vua quan, Việc làm cụ thể là phụ họa, tâng bốc, nịnh hót, ca ngợi, tôn xưng. Vua quan thích được ca ngợi là anh minh, là liêm chính, là một lòng vì dân vì nước v.v… thì cấp dưới và người dân phải ca ngợi thật lực vào, che dấu đi sự thật, phơi bày ra dối trá. Ai nói ra sự thật trái tai thì bị trừ khử làm cho người ta sợ. Thế rồi vua quan tự huyễn hoặc, cứ nhầm tưởng mình thật sự sáng suốt, thật sự thông minh. Kết quả làm cho lũ độc tài trở nên đần độn. Cấp dưới làm cho vua quan ngu đi là như vậy. Trong lịch sử có thể dẫn ra rất nhiều dẫn chứng minh họa.

   3- Trên dưới làm nhau cùng ngu

   Sự xuất hiện của vô số dân ngu, ở mức độ nhất định giúp gia cố quyền lực của kẻ thống trị độc tài, nhưng đồng thời lại làm cho toàn xã hội bao phủ trong không khí giả dối, bạo ngược, ngu muội, bạo lực, dễ tạo thành thảm họa mang tính toàn quốc.
Kết quả là duy trì được nền độc tài rong một thời gian, nhưng rồi tích lũy cái ngu sẽ làm cho đất nước hèn yếu, lòng dân ly tán và mất niềm tin. Bọn đểu giả lộng hành, đạo đức bị hủy hoại. Lúc này sự sụp đổ của thể chế độc tài ngu dốt, tham lam là tất yếu.

   4- Câu kết : Chỉ có xây dựng được cơ chế ràng buộc quyền lực hiệu quả, nhân dân có đủ tự do ngôn luận, mới có thể hy vọng đánh bật gốc quy luật “trên dưới cùng ngu”.
________________________________________
THÊM VÀO. Bài Chính sách ngu dân… kết thúc ở mục 4. Tôi xin thêm ý kiến về sự cáo chung của xã hội “ trên dười cùng ngu”. Không có xã hội trên dưới cùng ngu kéo dài mãi. Trong lịch sử đã từng xẩy ra sự sụp đổ của bọn thống trị độc tài theo một số kịch bản sau : đảo chính, cách mạng bạo lực, bị ngoại xâm, cách mạng ôn hòa.

a-Đảo chính. 
   Đó là khi một số lực lượng vũ trang nổi dậy làm đảo chính thay đổi triều đại. Đảo chính ( chính biến), dù thành công hay thất bại, thường chỉ xẩy ra trong thời gian ngắn, trong không gian hạn chế ở vùng Kinh đô ( hoặc Thủ đô),

b-Cách mạng bạo lực
   - Tiến hành chủ yếu bằng lực lượng vũ trang, do một thế lực lãnh đạo, thường diễn ra trên diện rộng .

c-Bị ngoại xâm. 
   Khi bên ngoài có bọn ngoại xâm dòm ngó. Chúng sẽ mua chuộc và uy hiếp bọn thống trị độc tài, biến bọn này thành tay sai, dâng nộp đất nước cho chúng. Sau khi chiếm được đất nước đa số bọn ngoại xâm quay lại trừ khử bọn độc tài cũ, ngu và tham

d-Cách mạng ôn hòa.
   Do áp lực của quần chúng được tổ chức, buộc bọn độc tài phải giao nộp quyền lực trong hòa bình. Đây là phương án đáng mong ước nhất, nhưng phải có điều kiện là dân bớt ngu, bớt sợ, được giác ngộ, được tập hợp thành lực lượng và có tổ chức.

No comments:

Post a Comment