27 May 2020

Hai nhà văn, nhà báo yêu nước Phạm Chí Thành và Nguyễn Tường Thụy không có tội!



Vũ Mạnh Hùng (24/5/2020)

Ông Phạm Chí Thành là cựu chiến binh, cựu thư ký công đoàn, cựu thư ký tòa soạn của đài tiếng nói Việt Nam. Theo nhận xét của tôi và nhiều người quen biết ông thì ông là người tính tình khẳng khái, thẳng thắn, cởi mở, yêu sự thật ghét giả dối. Ông Nguyễn Tường Thụy cũng là cựu chiến binh, nhà văn, nhà báo tính tình cũng như ông Thành nhưng điềm tĩnh hơn. Hiện ông đang là Phó chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập, ông cũng là người rất gần gửi với dân oan và gia đình tù nhân lương tâm, thường giúp đỡ họ trong những lúc khó khăn.

Sáng 21/5 vừa rồi ông Thành bị bắt. Theo thông báo của cơ quan an ninh điều tra TP Hà Nội thì ông bị bắt theo điều 117 BLHS năm 2015 (Đây là nội dung của điều luật 88 BLHS 1999, một trong những điều luật phi lý mà nhiều người dân cũng như quốc tế đã lên tiếng đề nghị nhà nước VN hủy bỏ)


Tiếp đến sáng 23/5 thì ông Thụy bị công an của nhà cầm quyền ập vào nhà và hành xử với ông và gia đình ông như côn đồ rồi bắt ông đi. Hôm nay trên trang điện tử cổng thông tin Bộ Công an cho biết ông Thụy cũng bị bắt theo điều 117 BLHS 2015, thông tin tội danh này nó khác hoàn toàn với tội danh lúc sáng qua khi Côn an ập vào nhà ông khám xét và bắt ông đi theo điều 41, 113, 119, 165 của bộ luật hình sự mà con trai ông nghe ghi chép lại. Những điều luật này không hề liên quan gì đến ông. Rõ ràng ở đây có sự lúng túng về việc bắt người vô cớ của công an.

Trong hình ảnh có thể có: 4 người, bao gồm Đức Hà, văn bản

Điều 117. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;

c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;

c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

Trước hết ta xem xét về mặt luật pháp :

Về hình thức xắp xếp câu chữ, khoản mục có thay đổi, nhưng về nội dung không có gì khác nhau lắm và đặc tính mơ hồ giữa 2 điều luật trên thì vẫn giống nhau. Hay nói cách khác điều 117 BLHS 2015 nó là biến tướng của điều 88BLHS 1999.

Nó mơ hồ ở chỗ không có giải thích từ ngữ của pháp luật, không có khái niệm, quy phạm pháp luật để xác đinh hành vi phạm tội. Như nhà nước XHCN khái niệm của nó thế nào, nó tròn, vuông hay méo không ai biết, không có quy phạm pháp luật để xác định hành vi phạm tội; Thế nào là chính quyền nhân nhân, quy phạm pháp luật như thế nào? Thế nào là phỉ báng chính quyền nhân dân cũng không ai được biết. Phỉ báng khác với chỉ trích thế nào cũng không có sự phân biệt trong luật. Cái điều luật này cũng không hề có bất cứ một văn bản pháp lý nào giải thích và hướng dẫn thi hành, nó chỉ có tính chất quy chụp, cáo buộc..

Một chính quyền mà người dân không có thực quyền để chọn ra người đại biểu, người lãnh đạo của mình, một chính quyền "đảng cử, dân bầu" đó có phải chính quyền nhân dân không? Chắc chắn không phải. Cái chính quyền không phải là của nhân dân thì người ta lên tiếng về sự sai trái, bất minh ... của nó thì có phải là phỉ báng chính quyền nhân dân không? Chắc chắn là không phải. Phỉ báng một kẻ cầm quyền bán nước hại dân vì đặc quyền đặc lợi bất chính thì chắc chắn cũng không phải là phỉ báng chính quyền.

Chưa nói đến một chính quyền nhân dân đúng nghĩa thì người dân vẫn có quyền chỉ trích vạch trần sai trái, khuyết điểm. Nếu ông Thành và ông Thụy nói sai, chỉ trích sai thì nhà nước CS có cả một hội đồng lý luận, có cả một hệ thống báo chí, truyền thông dưới sự lãnh đạo ban tuyên giáo ... phản bác lại, chỉ ra ông Thành, ông Thụy nói sai điều gì.

Về việc ông Thành chỉ trích, phản biện những câu nói hay việc làm của Chủ bí Nguyễn Phú Trọng thì đó là chuyện cá nhân giữa ông Thành và ông Trọng mà luật sư Lê Quốc Quân đã nêu ra và nhận xét là xác đáng :
"Như chúng tôi đã đưa tin, tài liệu mà cơ quan an ninh tập trung vào khai thác chính là cuốn "Thế thiên hành đạo hay Đại Nghịch bất đạo". Bởi nó đánh trực tiếp, mạnh và chính xác vào đảng trưởng - Nguyễn Phú Trọng. Họ đã thu 13 cuốn đó và nhà báo Phạm Thành cũng đã ký xác nhận.

Là một luật sư tôi cho rằng đây là vấn đề cá nhân và lẽ ra ông Trọng nên xác định rõ tư cách của mình rồi đứng ra khởi kiện dân sự Nhà báo Phạm Thành nếu như ông thấy rằng nhà báo đã nói sai sự thật, đã xúc phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của ông."

Việc ông Trọng không có phản biện, không có đối thoại công khai, không khởi kiện mà dùng quyền lực và công cụ cơ bắp để thu sách và bắt giam ông Thành, chứng tỏ ông Thành nói sự thật, nói đúng.

Chuyện này nó cũng có phần giống như chuyện ông Đoàn Duy Thành (phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng) ra cuốn sách "Làm Người Là Khó" nói về ông Đỗ Mười (cố Tông bí thư ĐCS) trước đây. Dư luận cũng lên tiếng đó là chuyện cá nhân giữa hai ông, nếu ông Mười thấy ông Đoàn Duy Thành ra cuốn sách nói sai, ảnh hưởng đến uy tín nhân phẩm của mình thì kiện ông Thành ra tòa chứ không thể dùng quyền lực trong đảng, quyền lực của nhà nước để hành xử với ông Thành được.

Mặt khác, Điều 88 BLHS 1999, cũng như điều 117 BLHS 2015 nó không đúng với nội dung và tinh thần được quy định trong điều 25 hiến pháp 2013, trái với công ước về quyền con người mà nhà nước CSVN cam kết với quốc tế. Ngoài ra chúng ta còn thấy các điều luật có các cụm từ như "Lợi dụng quyền tự do dân chủ, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" trong bộ luật hình sự 2015 còn rất tù mù, mơ hồ, không có khái niệm, không có giải thích từ ngữ pháp luật, không có quy phạm pháp luật. Nhưng đã không ít người vẫn bị công cụ nhà cầm quyền quy chụp bỏ tù.

Những điều luật như thế chỉ tạo ra sự lộng hành của những kẻ có quyền lực làm những chuyện đen tối, để quy chụp, triệt hạ quyền tự do ngôn luận, bỏ tù lương tri. Không chỉ riêng với hai nhà văn, nhà báo Phạm Thành và Nguyễn Tường Thụy mà tất cả những người bị bắt, bỏ tù về những điều luật tù mù, mơ hồ như Điều 117 đều không có tội mà chính những kẻ chỉ đạo bắt, ra lệnh bắt mới là mang tội với nhân dân, đất nước.


No comments:

Post a Comment