29 August 2018

IM LẶNG CỦA CƠ QUAN HÀNH CHÍNH VÀ QUYỀN KHIẾU KIỆN CỦA CÔNG DÂN



Ths. NGUYỄN HOÀNG ANH
Khoa Luật ĐHQG Hà Nội
"Im lặng có nghĩa là đồng ý". Câu ngạn ngữ này không phải bao giờ cũng đúng, đặc biệt trong quan hệ giữa người dân với cơ quan công quyền. Khi đó, im lặng của cơ quan hành chính thường đồng nghĩa với việc "làm ngơ", bỏ qua những kiến nghị của người dân. Đối mặt trước mối nguy đó, pháp luật nước ta đã có một số qui định cụ thể nhằm tấn công vào im lặng của cơ quan hành chính. Đó chính là quyền khiếu nại và khởi kiện vụ án hành chính -trong trường hợp sự im lặng -chối từ của cơ quan hành chính gây nên cho công dân. Tuy nhiên, liệu các qui định mới mẻ này có thực sự hữu hiệu trong việc bảo vệ quyền công dân trước cơ quan hành chính, nhất là đặt trong bối cảnh pháp lý và thực tiễn ở nước ta hiện nay.
1. Pháp luật hành chính và những qui định nhằm "tấn công" sự im lặng của cơ quan hành chính
Im lặng của cơ quan hành chính thể hiện ở hai cấp độ: thứ nhất, trong quản lý hành chính hàng ngày, khi công dân yêu cầu cơ quan hành chính thực hiện một quyền của mình nhưng cơ quan này không trả lời; thứ hai: trong khiếu nại hành chính, sau khi công dân đã gửi đơn khiếu nại nhưng cơ quan có thẩm quyền cũng không trả lời.
- Trường hợp thứ nhất: công dân có yêu cầu, kiến nghị thực hiện một quyền của mình, nhưng cơ quan hành chính không trả lời và cũng không thực hiện bất cứ hành vi gì nhằm phản hồi yêu cầu của công dân.
Ví dụ: ông A, gửi đơn và các giấy tờ cần thiết lên Sở Kế hoạch - Đầu tư của tỉnh để xin phép kinh doanh khách sạn, tuy nhiên chờ đến 6 tháng sau mà sở không cấp giấy phép và cũng không có thư trả lời hay giải thích gì.
Sự im lặng của cơ quan hành chính lúc này tương ứng với khái niệm "hành vi hành chính" trong pháp luật. Người dân hoàn toàn có thể phản ứng trước hành vi này bằng việc khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền. Theo qui định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, "cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính" ra Toà án Nhân dân theo qui định (Điều 2 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính 21/5/1996). Và Luật Khiếu nại tố cáo (ban hành lần đầu ngày 2/12/1998 bởi Quốc hội khoá X kỳ họp thứ tư) cũng như qui định quyền khiếu nại của người dân trong trường hợp này tại Điều 1. Hơn nữa trong văn bản này, khái niệm hành vi hành chính được định nghĩa rõ ràng: "Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo qui định của pháp luật" (khoản 11, Điều 2 Luật Khiếu nại tố cáo).
Đi sâu hơn, trong các văn bản hướng dẫn về xét xử hành chính, Tòa án Nhân dân Tối cao đều có giải thích cụ thể về khái niệm "hành vi hành chính". Đơn cử tại Công văn số 39/KHX ngày 6/7/1996 của Toà án Nhân dân về việc hướng dẫn thi hành một số qui định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính có nêu rõ: hành vi hành chính có thể thể hiện dưới dạng thức là hành động hoặc không hành động. Dưới dạng không hành động, ví dụ được nêu ra là: khi công dân gửi đơn xin cấp giấy phép xây dựng đến cơ quan có thẩm quyền, quá thời hạn luật định mà vẫn không trả lời, người dân có quyền khởi kiện hành vi hành chính -dưới dạng không hành động đó, của cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, sự im lặng của cơ quan hành chính trong giải quyết các yêu cầu kiến nghị hàng ngày của người dân - (hành chính quản lý) sẽ bị trừng phạt, thông qua quyền khiếu kiện của công dân chống lại chính sự im lặng đó.
- Trường hợp thứ hai: im lặng của cơ quan hành chính trong giải quyết khiếu nại của công dân.
Ví dụ: Không đồng ý với quyết định thu hồi đất của Chủ tịch UBND huyện N, bà C đã làm đơn khiếu nại quyết định này. Tuy nhiên quá thời hạn luật định (30 ngày theo qui định của Luật Khiếu nại tố cáo), Chủ tịch UBND huyện N, không giải quyết và cũng không hồi âm đơn khiếu nại của bà C.
Trong trường hợp này, cơ quan hành chính đã không thực hiện quyền -và cũng là nghĩa vụ giải quyết khiếu nại của mình. Khác với trường hợp im lặng trong hoạt động hành chính quản lý), thứ nhất, ở đây im lặng của cơ quan hành chính diễn ra trong khi thực hiện hoạt động tài phán hành chính. Thứ hai, sự im lặng trong giải quyết khiếu nại của công dân đã không bị phản ứng ngay từ những ngày đầu thành lập Toá án Hành chính. Bằng chứng là Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 đã không hề qui định về khả năng khởi kiện của công dân nếu sau khi khiếu nại, cơ quan hành chính không trả lời. Hai năm sau, Pháp lệnh Sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1998 mới qui định về quyền khởi kiện của công dân khi cơ quan hành chính giữ im lặng trước khiếu nại của mình tại Điều 2:
 "Cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong các trường hợp sau đây:
a. Đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu theo qui định tại các Điều từ Điều 19 đến Điều 25 của Luật Khiếu nại tố cáo, nhưng hết thời hạn giải quyết theo qui định tại Điều 36 của Luật Khiếu nại tố cáo mà khiếu nại không được giải quyết và cũng không tiếp tục khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiếp theo"
Và Điều 30 của Pháp lệnh nói trên cụ thể hơn một bước: "Người khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính phải làm đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu theo qui định của Luật Khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết...".
Tuy có muộn hơn nhưng cuối cùng, pháp luật cũng bảo đảm quyền khiếu kiện của công dân trong trường hợp im lặng của cơ quan hành chính.
Trường hợp thứ ba, khác với trường hợp đầu (im lặng trong hành chính quản lý); ở đây người dân không trực tiếp phán ứng vào im lặng của cơ quan hành chính: họ không khiếu kiện chống lại sự im lặng đó, mà sẽ đợi đủ thời hạn im lặng cần thiết, để tiếp tục khiếu kiện chống lại quyết định, hành vi hành chính ban đầu. Ở đây, im lặng của cơ quan giải quyết khiếu nại chỉ là một điều kiện để thực hiện quyền khởi kiện của công dân.
Tuy khác nhau nhưng trong cả hai trường hợp, những qui định pháp luật đều có ý nghĩa rất tích cực trong việc tấn công vào "thành trì" im lặng của cơ quan hành chính và bảo vệ quyền công dân. Im lặng của cơ quan hành chính từ đã được đánh giá là "yếu tố huỷ hoại tối đa quan hệ giữa công dân với công quyền". Hoặc nói như Brisson, một học giả người Pháp, im lặng của cơ quan hành chính là "một hình thức trốn tránh, chây ỳ một cách lừa lọc và đáng sợ nhất. Lừa lọc bởi với sự im lặng, cơ quan hành chính duy trì được tình thế bất hợp pháp một cách hết sức thuần tuý và giản đơn, bằng cách không đưa ra bất kỳ phán quyết gì về những lý lẽ xác đáng nêu trong đơn kiện. Đáng sợ bởi thái độ này đẩy người đi kiện đến chỗ hoàn toàn bất lực mà không hay biết rằng sự im lặng giấu đằng sau những khiếm khuyết trong quá trình giải quyết vụ việc".
Đây cũng là tình thế ở Việt Nam. Bằng sự im lặng trong hành chính quản lý, các quyền tích cực của công dân bị chối từ. Nếu cơ quan hành chính tiếp tục im lặng trong quá trình giải quyết khiếu nại, công lý hành chính khó đến được với người dân. Tuy nhiên, con đường này nhiều khi cũng bị chặn lại bởi chính thái độ của cơ quan hành chính.
Bởi lẽ đó, khi qui định quyền khiếu kiện của công dân trong các trường hợp im lặng của cơ quan hành chính, pháp luật nước ta đã trao cho người dân một vũ khí sắc bén để đương đầu với sức ỳ đáng sợ của cơ quan hành chính. Hơn nữa, qui định này đặt trong bối cảnh nước ta, là rất dũng cảm và có ý nghĩa tiên phong, bởi lý do như sau: với qui định về quyền khiếu kiện chống lại hành vi hành chính dưới dạng "không hành động", pháp luật đã mở rộng phạm vi đối tượng khiếu kiện hành chính của công dân. Người dân có quyền phản đối sự im lặng của cơ quan hành chính kể cả trong lĩnh vực hành chính quản lý cũng như hành chính tài phán. Nếu so sánh trong tương quan với pháp luật nước ngoài, cụ thể là Cộng hoà Pháp, qui định của pháp luật Việt Nam có tính tiên phong và mạnh bạo hơn nhiều. Tại Pháp, quyền khởi kiện chống lại sự im lặng của hành chính thoạt đầu chỉ được thừa nhận trong lĩnh vực tài phán; những qui định đầu tiên cho phép người dân khởi kiện chống lại sự im lặng của cơ quan hành chính bắt đầu từ 1864 (với đạo luật ngày 2/11/1864), và cũng chỉ giới hạn trong những vụ việc thuộc phạm vi giải quyết khiếu nại tiếp theo của Bộ trưởng. Mãi đến năm 1990 (với sự ra đời của đạo luật ngày 17/7/1900) pháp luật mới mở rộng cho phép người dân được khiếu nại chống lại sự im lặng của tất cả các cơ quan hành chính khác. Hơn nữa, cũng phải đến thời điểm này, qui tắc "im lặng = từ chối" và "từ chối = quyền khiếu kiện của công dân" - mới xuất hiện trong các lĩnh vực khác của hành chính quản lý. trong khi đó ở Việt Nam, đồng thời với việc trao cho Toà án Nhân dân thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính, pháp luật nước ta cũng trao quyền khởi kiện chống lại sự im lặng của hành chính cho người dân. Đáng kể hơn là phạm vi quyền này được mở rộng tối đa: người dân không chỉ phản ứng sự im lặng trong hành chính tài phán mà cả trong hành chính quản lý. Sự hiện diện của qui định này cùng có ý nghĩa khi đặt trong bối cảnh nền hành chính nước ta -vốn ra đời trong thời chiến và duy trì trong nền kinh tế tập trung bao cấp, rất nhiều lĩnh vực hành chính hãy còn là bí mật, với tác phong mệnh lệnh -phục tùng là chủ yếu và người dân hầu như không có thói quen đối mặt hay đòi hỏi sự phục vụ của cơ quan công quyền.
Qui định về quyền khiếu kiện chống lại sự im lặng của hành chính, vì vậy có ý nghĩa đặc biệt trong cải cách hoạt động của cơ quan hành chính, bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Bằng cách qui định mở rộng quyền này, pháp luật Việt Nam thể hiện quyết tâm tấn công vào sức ỳ của cơ quan hành chính nhà nước -lực cản cố hữu trong quan hệ hành chính -công dân ở nước ta. Tuy nhiên hiệu quả của qui định này chưa đạt được như mong muốn trong thực tiễn, do nhiều nguyên nhân khác nhau.
2. Tại sao qui định về quyền khiếu kiện chống lại sự im lặng hành chính không đạt được hiệu quả mong muốn?
Trong những năm qua, số vụ kiện hành chính không nhiều, nhất là trong tương quan với số vụ việc khiếu nại lên cơ quan hành chính. Trong số đó, số vụ kiện chống lại sự im lặng -bất hành động của cơ quan hành chính càng ít hơn. Theo báo cáo của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, tính đến năm 2005, hầu như chưa có vụ kiện hành chính chống lại bất hành động của cơ quan hành chính. Hạn chế của vấn đề không nằm ngoài hạn chế của khiếu kiện hành chính nói chung, đó là những bất cập do khung pháp lý, thể chế, các yếu tố văn hoá truyền thống mang lại. Ngoài ra, có những yếu tố đặc thù cản trở việc thực thi qui định này. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ xin nêu ra những yếu tố, theo đánh giá chủ quan của mình, là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự kém hiệu quả của qui định về khiếu kiện chống lại sự im lặng của cơ quan hành chính trong thực tiễn.
- Thứ nhất, do những "lỗ hổng" nằm ngay trong hệ thống pháp luật. Để có thể "cáo buộc" được sự  im lặng của cơ quan hành chính, người ta cần đợi đủ một thời hạn xác định. Ví dụ: khi người dân xin cấp giấy phép, nếu quá thời hạn cấp giấy phép theo luật định mà cơ quan hành chính không trả lời, lúc này mới có thể coi đây là "hành vi hành chính" theo kiểu bất hành động, và người dân có thể khiếu kiện tiếp lên. Như vậy, để quy kết được sự im lặng của hành chính, thời hạn giải quyết công việc của cơ quan hành chính nhất thiết phải được qui định trong luật, và hơn nữa cần qui định một cách nhất quán. Trong trường hợp ngược lại, sẽ là không thể xác định im lặng của cơ quan hành chính, từ đó để thực hiện quyền khiếu kiện của công dân. Tuy nhiên khả năng này không phải là không tồn tại trong pháp luật nước ta. Thoát thai từ nền hành chính non trẻ, với những qui định mệnh lệnh và bí mật của thời chiến, pháp luật hành chính ít chú trọng tới quy định về thủ tục và thời hiệu. Đơn cử một ví dụ, trong đó sự im lặng của cơ quan hành chính được phiên dịch thiếu nhất quán, khi là đồng ý khi lại là phủ nhận: lĩnh vực cấp phép kinh doanh ngành nghề nhạy cảm tại Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh. Trên thực tế, thành phố đã giao cho các quận, huyện quy hoạch khu vực được phép kinh doanh. Và do vậy trước khi cấp phép kinh doanh những ngành nghề này, Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ vào quy hoạch của quận. Tuy nhiên, "do nhiều nơi không báo nên sở cũng không biết. Mà cho dù quận có báo thì sở vẫn phải hỏi. Bởi hiện thành phố có đến hai văn bản hoàn toàn "chọi" nhau: một công văn nói: nếu hỏi quận mà sau năm ngày không trả lời thi sở vẫn có quyền cấp giấy chứng nhạn đăng ký kinh doanh; một lại bảo: nếu hỏi quận mà sau năm ngày không được trả lời thì không được cấp. Vì vậy, sở cũng không biết nghe ai, đành phải chờ quận trả lời rồi mới quyết định cấp hay không. Do đó dẫn đến nhiều trường hợp bị trễ hạn không đúng như quy định.
- Thứ hai, khó khăn đến từ thực tiễn. Từ văn bản đã không rõ ràng, đến thực tiễn lại càng khó xác định. Tác phong làm việc luộm thuộm, không khoa học và đôi khi là tắc trách ở nhiều cơ quan hành chính khiến việc tính thời gian để xác định sự im lặng của cơ quan hành chính trở nên khó khăn, ngay cả khi thời hạn giải quyết vụ việc đã được quy định trong văn bản. Ví dụ: khi tiếp nhận đơn thư hay yêu cầu trực tiếp của người dân, cơ quan hành chính không biên nhận ngày nhận đơn, quên vào sổ hay để thất lạc, nhất là trong quá trình trung chuyển... hoặc có khi nhân viên từ chối giải quyết vụ việc ngay lập tức nhưng không ra văn bản mà chỉ nói miệng trước người dân. Trong trường hợp này, thật khó cho người dân khi tính thời hạn để khiếu kiện sự im lặng của cơ quan hành chính, bởi lẽ mốc thời gian đánh dấu thời điểm yêu cầu, kiến nghị của họ gửi đến công quyền không xác định được. Đứng trước cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện, họ hoàn toàn bị tước vũ khí bởi không chứng minh được thời điểm xác lập yêu cầu của mình. Xin dẫn lời một thẩm phán hành chính: "nguyên nhân khác tưởng nhỏ nhưng cũng làm "lọt" các vụ án hành chính: nhiều cơ quan nhận đơn kkhông ghi biên nhận hoặc từ chối nhận đơn khiếu nại lần đầu mà không ra văn bản. Điều này đã tước mất hoặc hạn chế quyền khởi kiện ra Tòa Hành chính của đương sự. Bởi khi đến Tòa, họ không có giấy tờ gì chứng minh mình đã khiếu nại trước khi khởi kiện như luật định".
Khắc phục khó khăn này, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại tố cáo năm 2006 có quy định "trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình... người giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý để giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại biết; trường hợp không thụ lý để giải quyết thì phải nêu lý do" (Điều 34 Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại tố cáo năm 2006). Quy định trên, dẫu khá tiến bộ về mặt lý thuyết, nhưng cũng chỉ áp dụng trong trường hợp im lặng của cơ quan hành chính trong quá trình giải quyết khiếu nại chứ không phải trong việc giải quyết các yêu cầu, xin phép khác của người dân. Điều đó có nghĩa là trong hành chính quản lý, những khó khăn của việc tính thời hạn trong trường hợp im lặng của cơ quan hành chính vẫn còn.
- Thứ ba, riêng trong tài phán hành chính, khả năng khởi kiện tiếp sau khi có sự im lặng của cơ quan giải quyết khiếu nại vẫn còn bị hạn chế bởi ngay chính một số quy định của pháp luật tố tụng hành chính.
Như trên đã nêu, kể từ 1998, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính mở thêm khả năng cho người dân khởi kiện vụ án hành chính trong trường hợp im lặng của cơ quan giải quyết khiếu nại. Pháp lệnh sửa đổi bổ sung năm 2006 giữ nguyên quy định này. Tuy nhiên vẫn còn một số lĩnh vực, trong đó theo văn bản này, quyền khởi kiện của người dân trong trường hợp im lặng của cơ quan giải quyết khiếu nại, bị hạn chế. Đó là các trường hợp người dân khiếu kiện chống lại các quyết định trong các lĩnh vực sau:
Thứ nhất, quyết định kỷ luật buộc thôi việc cán bộ, công chức;
Thứ hai, các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý đất đai;
Thứ ba, về việc lập danh sách cử tri;
Thứ tư, quyết định khen thưởng, kỷ luật luật sư;
Thứ năm, quyết định xử lý các vụ việc cạnh tranh.
(Điều 30 khoản 2 mục c, d, đ, e và g Pháp lệnh Sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, ngày 18/4/2006).
Sự hạn chế quyền khởi kiện của người dân thể hiện ở chỗ: để có thể khởi kiện các vụ việc trên ra Tòa, pháp luật quy định bắt buộc phải có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu! Nếu thiếu quyết định của cơ quan giải quyết khiếu nại lần đầu, Tòa án sẽ từ chối thụ lý vụ án! Nói cách khác, với 5 loại việc này, Tòa không thể xử một khi cơ quan hành chính cố tình trây ỳ không lên tiếng. Im lặng của cơ quan hành chính, đến lúc này trở thành vật cản cho quyền khiếu kiện của người dân.
Đặc biệt như một tác giả đã lưu ý, hoàn toàn có thể xảy ra khả năng trong đó cơ quan hành chính lợi dụng quy định này để trốn tránh bị kiện ra Tòa: "Trên thực tế không có sự ràng buộc nào để các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm phải trả lời cho người khiếu nại. Các cơ quan, cá nhân này liệu có tích cực trong việc trả lời khiếu nại của công dân không khi đã biết rằng văn bản trả lời của mình là điều kiện sống còn để công dân khởi kiện được trước Tòa án".
Đáng chú ý là Pháp lệnh 2006 đã tăng thêm số vụ việc đòi hỏi phải có quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính. (Pháp lệnh sửa đổi năm 1998 chỉ quy định trường hợp duy nhất để kiện ra Tòa mà cần có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu là đối với vụ việc liên quan đến quyết định kỷ luật buộc thôi việc của cán bộ, công chức). Quy định của Pháp lệnh 2006 vì vậy cũng mâu thuẫn với Luật Khiếu nại tố cáo, bởi Luật Khiếu nại tố cáo hiện hành cũng chỉ quy định trường hợp duy nhất nói trên đòi hỏi có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu! Hơn nữa nếu xét trong tổng thể các loại việc khác mà người dân có thể kiện ra Tòa, chúng ta thấy một sự mất đồng bộ nghiêm trọng: khi mà đối với các vụ việc còn lại, người dân có thể kiện ra Tòa ngay cả khi cơ quan hành chính giữ im lặng thì 5 vụ việc trên lại là không thể.
Cũng có thể suy luận rằng năm loại việc nói trên là những lĩnh vực đặc thù, nơi mà sự can thiệp của Tòa án cần lùi bước để cơ quan hành chính thực hiện quyền tự chủ của mình! Tuy nhiên theo chúng tôi, đặc quyền hành chính có thể là cần thiết cho những mục tiêu hay những thời điểm nhất định, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc cắt giảm quyền chính đáng của người dân: được yêu cầu cơ quan tư pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
- Cuối cùng, im lặng của cơ quan hành chính trong quá trình xét xử vụ án hành chính vẫn chưa được "tấn công" đến cùng trong pháp luật nước ta. Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, nhiều khi cơ quan hành chính - với tư cách là người bị kiện, tiếp tục giữ thái độ im lặng - bất hợp tác, ví dụ: không chịu trình diện trước Tòa, không gửi cho Tòa ý kiến bằng văn bản về đơn kiện và các tài liệu khác có liên quan đến việc giải quyết vụ án mặc dù đây là nghĩa vụ bắt buộc theo quy định của pháp luật. Sự bất hợp tác này gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc giải quyết vụ án; bởi lẽ xử án hành chính không đơn thuần dựa trên tình tiết thực tề mà phần nhiều phải dựa trên các văn bản pháp quy - căn cứ ban hành này rất dồi dào, hay biến động, nhiều khi rất khó nắm bắt hết. Nếu Tòa án phải tự mình điều tra và nghiên cứu các tư liệu đó sẽ mất rất nhiều thời gian. Quy định trách nhiệm của cơ quan hành chính cung cấp tư liệu và ý kiến nhằm mục đích để việc giải quyết án hành chính nhanh gọn và hiệu quả. Vậy mà trong pháp luật không có chế tài để trừng phạt sự im lặng của cơ quan hành chính trong trường hợp này.
Có thể học tập kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp: nếu cơ quan hành chính không chịu cho ý kiến hay xuất trình tài liệu liên quan đến giải quyết vụ án, sự im lặng này sẽ đồng nghĩa với việc chấp nhận tất cả những lý lẽ chống đối mà người đi kiện nêu ra trong đơn. "Im lặng của cơ quan hành chính lúc này không đương nhiên đồng nghĩa với việc người đi kiện dành phần thắng. Tuy nhiên tòa hoàn toàn có thể đòi hỏi các ý kiến và tư liệu từ phía cơ quan hành chính và cũng hoàn toàn có thể rút ra kết luận cho mình về thái đô bất hợp tác của cơ quan hành chính trong trường hợp này".
Tóm lại, quy định quyền khiếu kiện của người dân trong các trường hợp im lặng của cơ quan hành chính có ý nghĩa tích cực trong việc cải thiện mối quan hệ giữa công dân với công quyền. Tuy vậy, để quy định này thực sự trở thành vũ khí hữu hiệu để tấn công vào "sức ỳ" của hành chính và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, cần phải có những cải cách cả trên bình diện pháp luật và thực tiễn. Về mặt pháp luật, trước tiên cần quy định chặt chẽ và thống nhất về thời hạn giải quyết công việc trong tất cả các lĩnh vực hành chính, để có căn cứ xác định im lặng của cơ quan hành chính - sự im lặng mà người dân có thể tấn công. Bên cạnh đó có thể xây dựng một quy định mang tính dự phòng trong Luật về thủ tục hành chính: nếu trong các văn bản pháp luật ở các lĩnh vực cụ thể không có quy định thời hạn thì quá một thời hạn nhất định, theo quy định chung, sự im lặng của cơ quan hành chính sau khi nhận được yêu cầu của người dân, sẽ bị coi là từ chối và bị khiếu kiện ra Tòa hay ra cơ quan hành chính có thẩm quyền. Như vậy, sẽ tăng cường khả năng "bắt lỗi" cơ quan hành chính trong trường hợp trây ỳ, và vì vậy, nâng cao trách nhiệm của cơ quan này trong giải quyết công việc của người dân. Cuối cùng, như trên đã bàn, cần bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan hành chính nếu im lặng, bất hợp tác với Tòa trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.
Để tránh trường hợp tranh cãi về thời điểm cơ quan hành chính tiếp nhận đơn từ của dân, trong Luật về thủ tục hành chính cũng cần có quy định về thủ tục bắt buộc khi tiếp nhận đơn từ của người dân: trừ trường hợp đơn từ gửi bằng đường bưu điện (khi có thời điểm nhận được xác định rõ ràng), còn lại công chức khi nhận đơn hoặc nghe yêu cầu của dân, phải lập thành giấy biên nhận và giao cho người dân giữ một bản. Làm như vậy sẽ tránh đi những vướng mắc không đáng có trong việc tính thời hạn khiếu nại, khởi kiện của người dân. Và cuối cùng, để quy định về khiếu kiện trong trường hợp im lặng của cơ quan hành chính có hiệu quả, cũng cần cải cách về ý thức và thái độ phục vụ của cơ quan hành chính - một vấn đề tưởng chừng như muôn thuở. Đó và việc nâng cao trách nhiệm phục vụ của mỗi cán bộ, công chức trong hành chính hành chính, đặc biệt là trong giao tiếp với người dân./.


No comments:

Post a Comment