NHƯ
LÊ CHIÊU THỐNG DẪN ĐƯỜNG ĐƯA QUÂN MÃN THANH VÀO XÂM LƯỢC VIỆT NAM THẾ KỈ 18, NHỮNG NĂM THÁNG
NÀY Ý THỨC HỆ CỘNG SẢN ĐANG DẪN ĐƯỜNG ĐƯA TÀU CỘNG THAM TÀN VÀO XÂM LƯỢC VIỆT
NAM
PHẠM ĐÌNH TRỌNG
Tàu Cộng đã cướp biển
Đông cuả tổ tiên ta trên công luận thế giới bằng hình vẽ lưỡi bò, lưỡi chó sói
liếm cả biển Đông trên bản đồ Đại Hán.
Tàu Cộng đã cướp biển
Đông của tổ tiên ta bằng ý thức hệ vô sản: Xóa bỏ biên giới quốc gia; Xóa bỏ
dân tộc, chỉ còn đồng nhất một giai cấp vô sản. Quan san muôn dặm một nhà / Bốn
phương vô sản đều là anh em (Hồ Chí Minh). Bên kia biên giới là nhà / Bên nay
biên giới cũng là quê hương. Và: Bên ni biên giới là mình / Bên kia biên giới
cũng tình quê hương (Tố Hữu). Với những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam, không
có dân tộc Việt Nam, chỉ có giai cấp vô sản thế giới. Không có Tổ quốc Việt
Nam, chỉ có đảng cộng sản. Không có Tổ quốc, đảng trở thành tổ quốc của những
người cộng sản và họ ngạo ngược, xấc xược đưa lá cờ tổ quốc của vài triệu đảng
viên, lá cờ của vài triệu đứa con lạc loài, tội lỗi của dân tộc Việt Nam lên
ngang hàng lá cờ nước của chín mươi nhăm triệu người dân Việt Nam.
Dù cùng là người Việt
Nam, cùng cội nguồn bọc trăm trứng của Mẹ Âu Cơ nhưng không cùng ý thức hệ vô sản
thì vẫn là kẻ thù không đội trời chung với những người cộng sản, phải tiêu diệt,
loại bỏ khỏi xã hội cộng sản. Còn Tàu Cộng dù là kẻ thù truyền kiếp của lịch sử
Việt Nam hôm qua và là kẻ đang điên cuồng giết hại người Việt Nam hôm nay, đang
cướp đất, cướp biển, cướp đảo của Việt Nam nhưng có cùng ý thức hệ vô sản thì kẻ
xâm lược, kẻ thù truyền kiếp đó vẫn là bạn vàng giai cấp, bạn bốn tốt của những
người cộng sản Việt Nam. Và những người cộng sản Việt Nam cầm quyền đã nhường đất
biên cương, đã giao biển Đông của tổ tiên người Việt cho Tàu Cộng
Có cán bộ cộng sản còn
chút lòng dân tộc, lo lắng, bất bình trước sự kiện đầu năm 1974 Tàu Cộng đánh
chiếm quần đảo Hoàng Sa của tổ tiên ta do nhà nước Việt Nam Cộng Hòa quản lí thì
ông Lê Đức Thọ, một người trong nhóm lãnh đạo chóp bu của đảng cộng sản Việt
Nam liền trừng mắt: Lập trường chính trị các anh để đâu? Đang có chiến tranh lại
phối hợp hoạt động với địch à? Cuộc chiến tranh gay go của ta rất cần sự ủng hộ
của Trung Quốc mà lại nói quay sang chống bạn. Rồi để làm yên lòng cấp dưới,
ông Thọ thả giọng đường mật: Trung Quốc có giải phóng Hoàng Sa giúp ta thì sau
này cũng trả lại cho ta thôi!
Coi lòng yêu nước trong
sâu thẳm tậm hồn người Việt là địch, coi kẻ cướp Hoàng Sa của cha ông người Việt
là bạn. Đó là bản lĩnh chính trị, là chân tướng và tâm địa của những người lãnh
đạo đảng cộng sản Việt Nam, là cội nguồn mất nước, cội nguồn một thời Bắc thuộc
mới đang diễn ra khi âm thầm, khi lộ liễu công khai, trên mọi mặt đời sống xã hội.
Trong không gian lãnh thổ, cuộc Bắc thuộc mới đang diễn ra quyết liệt, rộng khắp.
Tàu Cộng đang ráo riết xâm lược biển Đông của tổ tiên ta và cuộc xâm lược biển
Đông diễn ra không chỉ ở trên biển Đông.
Với mấy ông bà đang hôn
mê học thuyết cộng sản thì trong tâm hồn, tình cảm của họ chỉ có giai cấp,
không có dân tộc, chỉ có đảng cộng sản, không có Tổ quốc. Ý thức hệ vô sản đã
xóa bỏ trách nhiệm với Tổ quốc và làm tê liệt ý chí bảo vệ Tổ quốc của những
người cộng sản Việt Nam đang cầm quyền. Từ sau khi đánh chiếm được Hoàng Sa của
Việt Nam, tàu đánh cá của Tàu Cộng tràn ngập biển Đông của ta và tàu chiến đấu
của Tàu Cộng mặc sức tự do lùng sục ngang dọc khắp biển Đông, hàng ngày chặn bắt,
đâm chìm tàu đánh cá của dân chài Việt Nam, bắn giết dân Việt Nam làm ăn trên
biển Việt Nam. Những ngày này trên biển Đông của lịch sử Việt Nam, hoàn toàn
không thấy bóng dáng một con tàu giữ biển của quân đội nhà nước cộng sản Việt
Nam. Những ngày này trên biển Đông mang hồn cốt cha ông người Việt, những con
tàu cá của dân chài Việt Nam trở nên bé nhỏ, trần trụi, đơn độc và mong manh giữa
những con tàu chiến hung hãn tua tủa súng lớn súng nhỏ của Tàu Cộng.
Tàu Cộng đang ngạo nghễ
làm chủ biển Việt Nam, đang hàng ngày, hàng giờ bắn giết dân Việt Nam trên biển
Việt Nam nhưng quân đội nhà nước cộng sản Việt Nam cứ bình thản bám bờ và tướng
lĩnh cấp cao cứ chìm đắm, mê mệt trong những mưu mẹo chiếm đất sân bay, cứ say
sưa làm giầu bằng kinh doanh sân golf, khách sạn, cứ cay cú quyết liệt cướp mảnh
đất sống của người nông dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, bỏ mặc biển Đông
cho quân đội cộng sản Trung Hoa làm chủ.
Nhà nước cộng sản Việt
Nam đã bỏ mặc biển Đông còn in đậm dấu ấn mở cõi của tổ tiên người Việt cho Tàu
Cộng chiếm đoạt. Không gặp bất kì sự chống trả nào của quân đội nhà nước cộng sản
Việt Nam, dù chỉ là sự chống trả yếu ớt lấy lệ cũng không có, nhưng thực tế Tàu
Cộng vẫn không thể thực sự làm chủ biển Đông bởi suốt đêm ngày lúc nào cũng có
hàng ngàn tầu thuyền đánh cá của người dân Việt Nam thầm lặng và bình thản thả
câu buông lưới trên khắp biển Đông của ông bà, của lịch sử Việt Nam để lại.
Biển Đông không chỉ là
nguồn sống giầu có và bền vững của người dân ven biển Việt Nam. Biển Đông còn
là lịch sử mở cõi của dân tộc Việt Nam, là khát vọng, là ý chí, là thành quả dựng
nước của tổ tiên người Việt. Biển Đông là hồn thiêng, là mồ hôi, nước mắt, là
máu xương của nhiều thế hệ người Việt nối tiếp nhau. Từ những làng chài trải dọc
dải bờ biển hình chữ S dưới chân dãy Trường Sơn, những tàu thuyền đánh cá bé nhỏ,
thầm lặng nhưng bền bỉ có mặt trên biển Đông từ ngàn năm trước và sẽ còn mãi đến
ngàn năm sau. Hiểu rõ điều đó, kẻ hau háu cướp biển Đông liền tung ra hai đòn
hiểm độc để xóa sạch bóng dáng những tàu thuyền đánh cá của người Việt ở biển
Đông là
Đòn thứ nhất. Đòn độc đánh
vào ngọn. Biến biển Đông thành biển máu người Việt, thành nơi chôn vùi sinh mạng
và tài sản người Việt, thành nỗi khiếp đảm của người Việt đề người Việt nhìn ra
biển Đông mà rùng mình sởn gáy không dám ra biển nữa.
Ngoài những chiến hạm lừng
lững rình rập, săn đuổi, nghiền nát những tàu thuyền đánh cá mỏng manh của người
Việt, nhà nước Tàu Cộng còn hỗ trợ cho dân đánh cá Tàu Cộng chuyển hệ tàu đánh
cá từ tàu nhỏ, vỏ gỗ sang tàu lớn, vỏ sắt dày và huấn luyện quân sự, trang bị
súng đạn cho tất cả tàu đánh cá Tàu Cộng tràn vào biển đông, biến 100% dân đánh
cá Tàu Cộng thành những dân binh thiện chiến, hung hãn và hiếu sát. Tràn vào biển
Đông, đám dân binh ngư phủ Tàu Cộng ngoài công việc đánh cá kiếm sống cho gia
đình còn có bổn phận với tổ quốc Trung Hoa là lùng sục, tìm diệt, đâm chìm tàu
đánh cá của người Việt, cướp tài sản, cướp thiết bị hành nghề biển của người Việt.
Đòn thứ hai. Đòn hiểm
diệt tận gốc. Xóa sổ những làng nghề cá, xóa sổ những miền quê sống bằng nghề
biển. Xóa sổ những bến bãi ngàn đời của những con tàu đánh cá mang hồn Việt,
nơi người Việt mang khát vọng biển cả hăm hở ra khơi xa và nơi những phiên chợ
cá đông vui trên bến dưới thuyền đón họ trở về.
Thực hiện đòn hiểm này,
Tàu Cộng đã âm thầm và ráo riết ném tiền ra mua linh hồn quan chức Việt Nam,
mua không gian bờ biển Việt Nam lập những dự án, những công trình bịt kín bờ biển
Việt Nam, đầu độc biển Việt Nam như khu công nghiệp Hưng Nghiệp Formosa ở Vũng
Áng, Hà Tĩnh. Tàu Cộng đã bỏ tiền ra đuổi dân Việt Nam phải bỏ bến bãi thân thiết
như máu thịt của cơ thể mình, bỏ nguồn sống giàu có của vùng biển quê cha đất tổ,
tức tưởi phiêu bạt đi nơi khác để Tàu Cộng biến những bến bãi neo đậu tàu thuyền,
biến những chợ cá sớm chiều nồng nàn mùi biển cả thành những lãnh địa riêng của
những chủ dự án người Tàu với những bức tường, những hàng rào chặn đứng lối ra
biển của người dân, biến những vị trí chiến lược hiểm yếu thành chốn riêng đi về
của những ông chủ mang dòng máu Hán. Và yếu huyệt quân sự Hải Vân, và những
resort giăng giăng im lìm và bí hiểm dọc bờ biển Đà Nẵng trên đất Việt Nam
nhưng người Việt Nam không được bén mảng đến, chỉ những ông chủ người Tàu mới
biết ở đó đang diễn ra những điều gì.
Nhưng nếu chỉ có những
dự án của người Tàu bịt kín 3 500 kilomet chiều dài bờ biển Việt Nam thì đến đứa
trẻ con cũng nhận ra mục đích thực của những dự án đó. Thô thiển, xoàng xĩnh,
ngờ nghệch vậy đâu phải người Tàu. Chỉ những vị trí chiến lược hiểm yếu như
Vũng Áng, như Hải Vân, người Tàu phải chiếm lĩnh bằng được mới cần đến sự xuất
hiện của người Tàu. Còn việc xóa sạch bóng dáng những tàu thuyền Việt Nam đánh
cá trên biển Đông, triệt đường ra biển kiếm sống của người dân biển Việt Nam, sẽ
phải do chính người Việt Nam thực hiện bằng đồng tiền sai khiến của Tàu Cộng.
Trong
tay sẵn có đồng tiền / Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì.
(Nguyễn Du. Truyện Kiều) Tàu Cộng có cả một ngân hàng quốc doanh lớn, ngân hàng
Công Thương Trung Hoa chuyên cung cấp tiền bạc cho nỗi thèm khát lãnh thổ của
nhà nước Tàu Cộng. Tàu Cộng đã mua được linh hồn cả những Tổng thống độc tài tỉ
phú đô la của châu Phi, đã biến cả châu Phi rộng lớn thành công trường khai
thác khoáng sản, tài nguyên giầu có của châu Phi đưa về Tàu Cộng thì mua linh hồn
mấy ông bà chủ doanh nghiêp Việt Nam vừa chập chững bước vào thương trường đang
khát vốn như sa mạc khát nước và mua dải bờ biển xác xơ sỏi đá của Việt Nam chỉ
là chuyện nhỏ. Như con rắn độc lặng lẽ trườn nhẹ êm trong cỏ cây rậm rạp, đồng
tiền của ngân hàng Công thương Trung Hoa âm thầm, bí mật len lỏi theo đường tiểu
ngạch xuống phía Nam, bất ngờ tạo lên những đại gia đất đai tuổi trẻ mà tiền
nhiều như thác lũ, đầy sức mạnh và cũng đầy bí ần, mờ ám.
Những năm gần đây trong
giới đại gia thâu tóm đất đai ở Việt Nam bỗng xuất hiện một gã trai tuổi còn trẻ có vóc hạc nhỏ nhắn, dáng người mềm
mại của loài chồn cáo chuyên chui luồn, rình, phục, có nước da trắng nhợt nhạt thư
lại và khuôn mặt bóp nhỏ, vuốt dài và nhọn hoắt ở cằm như mặt chuột.
Chàng trẻ tuổi mặt trắng
thư lại đi đến đâu cũng được quan đầu tỉnh ở đó chiều như chiều vong. Tỉnh
nghèo. Dân cày ruộng làm không đủ ăn thì chỉ có chiếc khố rách. Bòn dân khố
rách chẳng sơ múi gì. Chỉ có mảnh đất dưới ngôi nhà của họ, mảnh đất họ đang
cày cấy thì càng ngày càng có giá. Mà đất đai là sở hữu toàn dân, là công thổ
quốc gia. Dù mảnh đất hương hỏa của tổ tiên ông bà họ để lại, ngày nay cũng là
công thổ quốc gia do quan hàng tỉnh quản lí. Và quan hàng tỉnh nào cũng mong chờ
dự án của đại gia như bầy ruồi mong chờ giọt mật. Có dự án thì những chủ dự án
bộn tiền phải lẹ chân lui tới công đường tỉnh, phải thậm thụt tìm đến cửa trước,
cửa sau nhà riêng quan hàng tỉnh. Có dự án là có thu hồi đất, là có chênh lệch một
trời, một vực giữa giá đất thị trường và giá đất bồi thường cho dân. Sự chênh lệch
quá lớn, quá bất công như sự ăn cướp hợp pháp đó chính là động lực to lớn, mạnh
mẽ của nhà đầu tư, là nỗi thèm khát của quan hàng tỉnh, là nỗi thống khổ, oan
khiên ngút trời của người dân.
Để mau sinh lời, các đại
gia thâu tóm đất đai đều chạy đua tìm đến các đô thị, các vùng dân cư đông đúc,
các vùng đất đang cựa quậy thức dậy. Thời gian là tiền bạc. Các dự án ở đó đều
phải chạy đua với thời gian, hối hả xây cất, mau lẹ đưa vào khai thác, thu lợi
nhuận. Riêng nhà đầu tư mặt trắng thư lại không mặn mà với đất đai đô thị, dù
có một, hai dự án đầu tư ở Hà Nội, Sài Gòn cũng chỉ để có mặt, chỉ giữ chỗ ,
đóng băng để đấy, chưa biết đến ngày nào mới cần cho tan băng. Nơi thu hút tâm
trí của chàng là những làng chài, những bãi biển dập dìu đi về của những đoàn
tàu thuyền khai thác vựa cá biển Đông.
Trong 3 500 kilomet bờ
biển Việt Nam từ Móng Cái đến Hà Tiên thì dải bờ biển miền Trung là nơi dân làm
nghề biển đông đúc nhất, có ý chí bám biển mạnh mẽ nhất, có tổ chức chặt chẽ nhất
và có kĩ thuật đánh bắt hiện đại và hiệu quả nhất. Dải đất miền Trung khô cằn,
khắc nghiệt. Những mảnh ruộng nhỏ hẹp trập trùng cát trắng kẹp giữa một bên là
núi cao hiểm trở, rừng thiêng nước độc, một bên là biển cả mênh mông. Đất rừng
không nuôi nổi người dân. Đất ruộng quanh năm thiếu nước. Chỉ còn con đường ra
biển và biền Đông đã cho người dân miền Trung một nguồn sống dồi dào, bền vững,
cho họ cả ý chí sống mạnh mẽ, không lùi bước trước mọi thử thách dữ dội của động
biển và cướp biển. Những làng nghề biển ngày càng giầu có, đông vui san sát dọc
bờ biển. Cuộc sống tươi thắm đó tràn ra cả những cù lao ngoài biển, nhuộm xanh
cả những cù lao chơ vơ cát trắng.
Dải đất tập trung người
dân đánh cá trên biển Đông nhiều nhất, dải đất mang khát vọng lớn nhất với biển
Đông, dải đất có số tàu thuyền ra biển Đông đông đảo nhất, rầm rộ nhất cũng là
dải đất chàng mặt trắng thư lại dồn tiền bạc nhiều nhất thâu tóm nhiều nhất đất
của những làng nghề cá, biến những làng cá đông vui thành những khu du lịch
sang trọng nhưng đìu hiu, thành những resort, những sân golf vắng ngắt, thành
những vườn cảnh sum xuê cây và rực rỡ hoa nhưng chỉ có những ngọn gió biển lang
thang đi về. Một sự đầu tư khác người. Đầu tư không cần hiệu quả kinh tế, không
cần lợi nhuận. Chỉ cần hiệu quả xã hội. Chỉ nhằm xua đuổi không còn bóng một
người dân đánh cá trên bờ biển và không còn bóng một con thuyền câu, một con
thuyền lưới đi về trên biển.
Xin liệt kê sơ lược
chưa đầy đủ thành tích giết chết những làng nghề cá dọc bờ biển miền Trung Việt
Nam, xóa sổ những con tàu cá Việt Nam trên biển Đông của chàng mặt trắng thư lại
mang dòng máu Việt, mang họ tên người Việt nhưng linh hồn đã bị những kẻ cướp
biển Đông làm chủ như chúng đã làm chủ linh hồn nhiều quan chức nhà nước cộng sản
Việt Nam.
Biến 200 hecta đất bãi
biển Sầm Sơn của làng cá Quảng Trường huyện Quảng Xương, Thanh Hóa thành nhà
nghỉ, vườn cành, sân golf cho những ông chủ sẵn tiền lui tới. Làng cá Sầm Sơn bị
xóa sổ. Dân đánh cá Sầm Sơn phải bỏ quê phiêu bạt khắp phương trời. Người ra Hà
Nội chạy xe ôm. Người dắt díu vợ con vào Bình Dương dựng túp lều cạnh bãi rác
thải làm nghề thu gom ve chai. Người lên Tây Nguyên chăm sóc vườn cà phê cho chủ
trang trại. Người đi làm thuê trên tàu đánh cá Hàn Quốc.
Thảm họa của người dân
đánh cá Sầm Sơn, Thanh Hóa đang lặp lại ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình khi
chàng mặt trắng thư lại đã là chủ của 460 hecta đất ven biển của làng cá Nghi
Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An, là chủ 10 kilomet bờ biển Thiên Cầm, Hà Tĩnh, là chủ 1900
hecta bãi biển xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình.
Thảm họa của người dân
đánh cá Sầm Sơn Thanh Hóa sắp rầm rộ diễn ra với người dân ven biển Quảng Trị,
Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa khi quan đứng đầu những tỉnh này đã rải thảm
đón chàng mặt trắng thư lại về tỉnh và dành cho chàng những dải đất ven biển mà
chàng đang thèm khát.
Dải đất hẹp khô cằn miền
Trung là dải đất của nghề cá, dải đất mang khát vọng biển Đông của dân tộc Việt
Nam. Và Quảng Ngãi chính là phủ thủ của dải đất nghề cá, là trái tim của khát vọng
biển Đông. Theo con sóng biển đưa đẩy, theo luồng cá lênh đênh, dân biển Quảng
Ngãi có mặt khắp bờ biển phía Nam đất nước. Dân đánh cá trên đảo Phú Quốc ngày
nay hầu hết đều là dân biển Quảng Ngãi dạt đến từ trong xa thẳm lịch sử. Những
năm chiến tranh ác liệt ở dải đất miền Trung vừa qua lại có thêm một đợt dân biển
Quảng Ngãi tìm đến bình yên Phú Quốc. Dù ở đâu, người dân biển Quảng Ngãi cũng
hướng ra biển Đông, hướng ra Trường Sa, Hoàng Sa. Khát vọng bám biển và tinh
thông nghề biển của dân biển Quảng Ngãi đã được lịch sử Việt Nam mở cõi ghi nhận.
Các triều vua Nguyễn đều chọn dân đảo Lý Sơn và dân huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi tổ
chức thành những đội binh cảm tử ra trấn giữ quần đảo Hoàng Sa.
Ra sống dài ngày giữa
tâm bão biển Đông, đối mặt với muôn vàn bất trắc của biển cả, mỗi người lính cảm
tử ra Hoàng Sa đều mang theo đôi chiếu cói mới, bảy nẹp tre, bảy sợi mây dài và
chiếc thẻ bài khắc chìm họ tên, năm sinh, quê quán. Chuẩn bị sẵn những vật dụng
đơn sơ đó chính là sự bình thản đón nhận cái chết có thể đến bất cứ lúc nào với
người lính Hoàng Sa. Những vật dụng để đồng đội bó xác khi không may bỏ mạng
trong cơn biển động, sóng dữ bất thường của biển Đông. Trước khi đội quân Hoàng
Sa lên đường, chính quyền địa phương và dân đảo Lý Sơn tổ chức lể khao lề tế sống
những người ra đi giữ biển quê hương. Hoàng
Sa trời nước mênh mông / Người đi thì có mà không thấy về / Hoàng Sa mây nước bốn
bề / Tháng hai khao lề tế lính Hoàng Sa. Câu hát ru con về một thời lịch sử
ông cha nối chí nhau đi mở biển Đông vẫn còn khắc ghi trong hồn người dân Lý
Sơn hôm nay. Đó là ý chí quyết bám biển Đông, quyết giữ biển Đông của người dân
Quảng Ngải, của người dân miền Trung. Ngày nay những ngôi mộ gió của những người
lính Hoàng Sa không về, những am thờ những cai đội, những lãnh binh chết ngoài
Hoàng Sa còn rải rác khá nhiều trên đảo Lý Sơn.
Thôn tính được dải đất
nghề cá ở Quảng Ngãi như đội quân xâm lược chiếm được thủ đô của đất nước bị
xâm lược. Dùng quân sự đánh vào thủ đô nước bị xâm lược phải có sức mạnh quyết
định của con người và vũ khí. Đội quân của xâm lược kinh tế là đồng tiền. Dù là
cuộc xâm lược bằng quân sự hay bằng kinh tế thì mục đích cũng là chiếm lĩnh đất
đai, lãnh thổ. Hãy nhìn cuộc xâm lược bằng kinh tế thôn tính lãnh thổ ở Quảng
Ngãi của chàng mặt trắng thư lại để thấy sức mạnh đồng tiền của chàng và nhận
rõ thêm tâm địa của chàng.
Thời của những con sóng
dân du lịch. Ở dải đất ven biển miền Trung, tìm đất chỉ để kinh doanh khu du lịch,
làm khách sạn, nhà hàng, resort đón khách du lịch thu lời lớn và lẹ thì phải chọn
Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận. Danh nghĩa là làm quần thể du lịch nghỉ dưỡng
và đô thị nhưng chàng mặt trắng thư lại lại chọn Quảng Ngãi, đất của nghề cá.
Chọn Quảng Ngãi tung cú đòn quyết định triệt bến bãi, triệt làng xóm của những
tàu thuyền đánh cá ngoài biển Đông là đã đánh trúng mục tiêu, đã bắn trúng vòng
8 điểm, 9 điểm của tấm bia ngắm. Cú đòn quyết định đó lại giáng vào Bình Sơn,
Lý Sơn là đã đánh trúng yếu huyệt, đã bắn trúng điểm 10. Chàng mặt trắng thư lại
đã chi ra khoản tiền lớn để chiếm đất và sai khiến cả bộ máy quan lại hàng tỉnh
Quảng Ngãi hối hả vận hành làm mọi việc giúp chàng nhanh chóng làm chủ lãnh thổ
4 000 hecta đất ven biển Bình Sơn. 4 000 hecta đất đó vươn cả ra biển, trùm xuống
chiếm cả đất hòn đảo của lịch sử mở cõi ra biển của ông cha ta, đảo Lý Sơn.
Hãy nhìn đám quan lại
hàng tỉnh Quảng Ngãi, từ quan đầu tỉnh đến quan đầu sở với dáng xum xoe, xăng
xái, với vẻ mặt chăm chú đón ý chủ đang xúm xít vây quanh chàng mặt trắng thư lại
mặt đầy thỏa mãn, tay chỉ chỏ như ông chủ cuộc săn chỉ con mồi. Hình ảnh một
ông chủ giữa đám tay chân sai bảo.
Hãy nhìn quan đầu tỉnh
trở thành tư lệnh của đạo quân xâm lược bằng kinh tế, tư lệnh thống lĩnh cả hệ
thống chính trị của tỉnh, xốc cả hệ thống chính trị hùng mạnh của tỉnh vào cuộc
thôn tính đất đai cho cuộc xâm lược bằng kinh tế đó. Thời bình mà những công
văn hoả tốc! hỏa tốc! từ tỉnh đường tới tấp, gấp gáp bay tít mù trong bộ máy
nhà nước hàng tỉnh như trong một trận đánh quyết định. Công văn hỏa tốc đuổi đồn
biên phòng rời đi nơi khác lấy đất đẹp ven biển dâng cho kẻ xâm lược kinh tế. Công
văn hỏa tốc ra lệnh dừng ngay việc xin UNESCO công nhận Lý Sơn là công viên địa
chất toàn cầu. Công văn hỏa tốc lệnh cho quan huyện, quan xã phải có đất sạch
dâng cho kẻ xâm lược trước ngày 19 tháng năm, 2018.
Hãy nhìn sức mạnh của
chàng mặt trắng thư lại, sức mạnh đồng tiền của kẻ xâm lược bằng kinh tế khi sức
mạnh đó sai khiến cả hệ thống quyền lực của tỉnh và hệ thống quyền lực đó phải
quyết định dốc 500 tỉ tiền thuế của dân đánh cá ra bồi thường giải phóng mặt bẳng,
đuổi dân đánh cá đi, giao đất bến bãi, đất làng xóm của đân đánh cá cho dự án
xâm lược.
Mua mảnh đất sống của
dân làm dự án kinh doanh, đó là một giao dịch dân sự bình đẳng và bình thường
giữa nhà đầu tư và dân có đất. Nhà đầu tư phải bỏ tiền ra bồi thường cho dân
theo giá thỏa đáng, thuận mua vừa bán. Nhưng cả hệ thống chính trị hàng tỉnh của
nhà nước cộng sản vào cuộc đứng về phía kẻ có tiền, mang sức mạnh quyền lực nhà
nước cộng sản kết hợp với sức mạnh đồng tiền tư bản trấn lột đất sống của người
dân, dùng quyền lực nhà nước ép dân phải nhận giá đền bù rẻ mạt, bất công, oan
nghiệt, dùng sức mạnh bạo lực nhà nước cưỡng chế, đàn áp buộc dân phải bỏ nhà cửa,
bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ biển, bỏ cuộc sống ấm no, ổn dịnh, bền vững, bỏ nghề biển
từ ngàn đời của tổ tiên ra đi, bước chân vào cuộc sống mờ mịt không nhà cửa,
không nghề nghiệp, bấp bênh, vô dịnh, bất trắc. Sức mạnh đồng tiền cùng quyền lực
nhà nước cộng sản Việt Nam buộc người dân đánh cá Việt Nam phải bỏ thuyền, bỏ bến
ra đi để dải đất ven biển Việt Nam không còn dân Việt Nam làm nghề biển. Để biển
Đông không còn một con thuyền Việt Nam làm nghề cá!
Dõi theo bước chân và
việc làm của nhà đầu tư mặt trắng thư lại chắc không ai không nhận ra đó chính
là ông chủ trẻ Trịnh Văn Quyết của doanh nghiệp FLC.
Doanh nghiệp trẻ, ông
chủ trẻ nhưng ngón nghề sai khiến bộ máy quan lại, ngón nghề thâu tóm đất đai
lãnh thổ thì quá già dặn, tinh quái, hành động thôn tính đất đai, phá cuộc sống
bình yên của dân lành quá lạnh lùng, độc ác và tiền bạc để làm những việc phản
nước hại dân của Trịnh Văn Quyết như vô tận. Nhưng dù quỉ quyệt, tinh quái đến
đâu, dù tiền bạc nhiều đến đâu mà bộ máy quan chức nhà nước quản lí đất đai
lãnh thổ có chút lòng yêu nước, có chút ý thức dân tộc và có lương tâm con người
thì việc cướp bến bãi, cướp mái ấm của những người dân đánh cá trên suốt dải bờ
biển Việt Nam không thể diễn ra mau lẹ, ồ ạt và tàn ác như nó đang diễn ra.
Cả bộ máy nhà nước cấp
Chính phủ đứng ra bảo vệ cho Tàu Cộng khai thác bô xít Tây Nguyên, tàn phá môi
trường, tàn phá màu xanh Tây Nguyên, tàn phá nền kinh tế Việt Nam. Cả bộ máy
nhà nước cấp Chính phủ đứng ra bảo vệ cho sự tồn tại của Formosa để Formosa cứ
âm thầm đầu độc biển Việt Nam, làm hoang hóa cả một dải biển bốn tỉnh miền
Trung. Cả bộ máy nhà nước hàng tỉnh tiếp tay cho doanh nghiệp cướp bến bãi, cướp
làng mạc của người dân đánh cá Việt Nam để bờ biển Việt Nam không còn một xóm
chài, để biển Đông không còn bóng một tàu cá Việt Nam. Bộ máy quan chức nhà nước
đó đâu còn biết đến dân tộc Việt Nam, đâu còn biết đến Tổ quốc Việt Nam. Hạng
người đó chỉ biết có ý thức hệ cộng sản, chỉ biết có đảng cộng sản của họ mà
thôi.
Như Lê Chiêu Thống dẫn
đường đưa quân Mãn Thanh vào xâm lược Việt Nam thế kỉ 18, những năm tháng này ý
thức hệ cộng sản đang dẫn đường đưa Tàu Cộng tham tàn vào xâm lược Việt Nam. Biển
Đông đang bị đạo quân lớn, đông và mạnh của Tàu Cộng xâm lược và những người
dân đánh cá Việt Nam lẻ loi, đơn độc, trong tay chỉ có vầng lưới cá đang bền bỉ
chống trả kẻ xâm lược, đang âm thầm và quả cảm giữ biển Đông bằng máu của họ.
Nhưng họ đang bị truy đuổi ở ngay chính làng quê họ, ở ngay trong lòng đất nước
Việt Nam.
No comments:
Post a Comment