PHẠM ĐÌNH TRỌNG
Tướng là lá bài có vị trí lớn nhất trong cỗ tam cúc. Nhưng lá
bài tướng chưa kịp vật ra để bắt sĩ, tượng, xe . . . của
đối thủ thì ván bài đã tàn, tướng phải chui, úp bài, phí hoài một lá bài mạnh.
Dân gian gọi lá bài tướng thối đó là tướng đi ỉa.
Chính trường nhà nước cộng sản Việt Nam vừa qua cũng có hai
tướng đi ỉa như vậy.
TƯỚNG BỐN SAO QUÂN ĐỘI
Từ những trận chiến đẫm máu suốt 10 năm, 1979 – 1989, ở biên
giới phía Bắc trong cuộc chiến chống quân Tàu cộng xâm lược trở về vào học các
trường quân sự, từ trường sĩ quan tới các học viện quân sự cấp cao, con đường
binh nghiệp đó đã đưa chàng trai chân quệ Đỗ Bá Tỵ từ anh lính binh nhì lên tới
đại tướng Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nhân dân Việt Nam.
Con đường thành danh, thành tướng cầm quân của người lính Đỗ
Bá Tỵ gắn liền với cuộc chiến 10 năm đằng đẵng của những người lính dùng máu
mình giành đi, giật lại với bọn Tàu Cộng xâm lược từng điểm cao, từng mỏn đá ở
biên cương phía Bắc. Đó là người lính chiến đấu vì Tổ quốc, vì nhân dân, người
lính của Tổ quốc, của nhân dân.
Khác với con đường binh nghiệp của tướng Bộ trưởng bộ Quốc
phòng Phùng Quang Thanh. Con đường thành tướng của người lính Phùng Quang Thanh
gắn liền với sách lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của người Mỹ. Quân Mỹ rút ra
khỏi cuộc chiến, giao lại chiến trường Việt Nam cho người Việt Nam. Con đường
thành tướng của người lính Phùng Quang Thanh cũng gắn liền với cơ mưu của kẻ “tọa
sơn quan hổ đấu”. Kẻ cấp súng đạn cho người Việt Nam đánh Mỹ, lại càng cấp nhiều
súng đạn hơn cho người Việt Nam giết người Việt Nam. Thế giới càng đại loạn, kẻ
lao vào cuộc chiến càng đổ nhiều máu, nội bộ càng xâu xé, chia rẽ, kinh tế càng
kiệt quệ thì kẻ ngồi trên núi nhìn thế giới đại loạn sẽ thừa cơ thâu tóm thế giới.
Chiến dịch lớn Lam Sơn 719 đầu năm 1971 ở đường 9, Nam Lào,
trận đánh lớn đầu tiên của “Việt Nam hóa chiến tranh” chỉ có người Việt bắn giết
người Việt, Những mỏn núi, những dòng suối heo hút chưa có tên ở biên giới Việt
Lào bỗng trở thành núi xác, suối máu người Việt. Trong chiến dịch tương tàn đẫm
máu về mức độ ác liệt và có ý nghĩa to lớn trong lịch sử cuộc chiến đó, thượng
sĩ, trung đội trưởng Phùng Quang Thanh đã trở thành anh hùng, đã viết lên tên
mình bằng máu của những người Việt ở bên kia trận tuyến.
Người Việt giết nhiều người Việt mà trở thành anh hùng thì đó
là thứ anh hùng không tim, thứ người hùng của cái đảng mang hận thù giai cấp vô
lại về li tán dân tộc, tàn phá đất nước, thứ người hùng của nghị quyết 15, nghị
quyết xác định ý chí của đảng hận thù giai cấp, quyết đánh chiếm miền Nam bằng
bạo lực cách mạng. Đó cũng là thứ người hùng của những kẻ “tọa sơn quan hổ đấu”,
những kẻ cấp súng đạn cho người Việt giết người Việt, người Việt tự làm li tán
người Việt, người Việt tự làm suy yếu dân tộc Việt.
Là người anh hùng của những kẻ “tọa sơn quan hổ đấu” nên đại
tướng, Bộ trưởng bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh luôn cao giọng: “Việt Nam mãi
mãi biết ơn sự giúp đỡ quý báu của Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam trong
những năm qua . . . Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đoàn kết, hữu
nghị với Trung Quốc trên cơ sở 16 chữ vàng: láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn
diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Và ông tướng thống lĩnh sức mạnh
quân sự Việt Nam để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam lại luôn lo lắng trước tinh thần
yêu nước chống Tàu Cộng xâm lược của người dân Việt Nam: “Tôi thấy lo lắm,
không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét
Trung Quốc. Ai nói tích cực đến Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng cái đó là nguy
hiểm cho dân tộc”. Chỉ có bán linh hồn cho Tàu Cộng xâm lược mới lo lắng trước
ý chí chống quân xâm lược của người dân Việt Nam. Và kẻ bán linh hồn cho Tàu Cộng
đã được ngồi trên chiếc ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng liền hai nhiệm kì.
Còn người lính cả cuộc đời chiến đấu ở mặt trận giữ đất biên
cương chống giặc Tàu cộng xâm lược và khi là Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng bộ
Quốc phòng, vị tướng trên mặt trận giữ nước chống Tàu cộng xâm lược đã chỉ ra
mưu đồ của kẻ thù mà cả cuộc đời binh nghiệp của ông phải đối đầu: “Dù Trung Quốc
đã rút giàn khoan nhưng âm mưu hiện thực hóa đường lưỡi bò, độc chiếm Biển Đông
là không thay đổi. Chỉ có điều cuộc đấu tranh này sẽ chuyển sang giai đoạn
khác, thậm chí quyết liệt hơn, phức tạp hơn”.
Đó là vị tướng mà lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam đương
đại đã thử thách và lựa chọn để trao trọng trách đứng đầu bộ Binh, nắm giữ sức
mạnh quân sự Việt Nam, thống lĩnh ba quân, bảo vệ Tổ quốc. Nhưng cũng vì những
năm tháng bền bỉ, vững vàng chống giặc Tàu cộng xâm lược giữ đất biên cương và cũng
vì thẳng thắn chỉ ra mưu đồ của Tàu cộng “hiện thực hóa đường lưỡi bò, độc chiếm
Biển Đông là không thay đổi” mà vị tướng thao lược được nhân dân và Tổ quốc tin
cậy và trông chờ bỗng phải rời quân ngũ, chuyển ra dân sự, làm ông nghị gật, dù
được mang chức danh là Phó Chủ tịch Quốc hội. Quốc hội đã cam phận chỉ là công
cụ của đảng cộng sản cầm quyền, cam phận thực hiện những màn diễn hao tốn hàng
ngàn tỉ tiền thuế của dân chỉ để hợp thức hóa các quyết định của đảng. Đảng đã
quyết ắt Quốc hội phải gật thì đến Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ là nghị gật, cũng
chỉ là rô bốt, chỉ là con rối dưới bàn tay giật dây của đảng!
Vị tướng mang ý chí của nhân dân quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh
thổ, vị tướng là hiện thân của những nhà cầm quân thao lược trong lịch sử ngàn
năm giữ nước của dân tộc Việt Nam đã bị nhà nước cộng sản Việt Nam biến thành
lá bài thối, thành lá bài tướng đi ỉa.
TƯỚNG MỘT SAO CÔNG AN
Ông là thiếu tướng công an Trương Giang Long, Phó Tổng cục
trưởng Tổng cục Chính trị công an, Giám đốc Học viện Chính trị công an. Ở
phương diện quốc gia đó, ông Long quá hiểu thực chất mối quan hệ giữa hai nhà
nước cộng sản Việt Nam – Trung Quốc, ông quá hiểu chiếc bóng của đảng cộng sản
Trung Quốc trùm lên đảng cộng sản Việt Nam, phủ bóng đen xuống xã hội Việt Nam
từ sau giao kèo kí kết giữa ông Nguyễn Văn Linh và ông Giang Trạch Dân ở Thành
Đô năm 1990 về việc đảng cộng sản Việt Nam bán linh hồn cho đảng cộng sản Trung
Quốc để Trung Quốc bảo kê cho sự độc tôn tồn tại của đảng cộng sản Việt Nam trước
bão táp của nhân dân, trước xu thế của thời đại loại bỏ độc tài cộng sản giành
quyền con người cho người dân, giành dân chủ cho xã hội.
Là tướng công an, ông Long càng biết rõ rằng ngay sau khi trở
thành người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam, ông tiến sĩ bảo vệ đảng Nguyễn Phú
Trọng liền kí kết với người đứng đầu đảng cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cụ thể
hóa sự bảo kê đó: “Đi sâu hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thi hành
pháp luật và an ninh; . . . Tăng cường giao lưu và hợp tác giữa các cơ
quan như tòa án, viện kiểm sát, công an, hành chính tư pháp; . . .
tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong việc giữ gìn ổn định trong nước của
mình.” (Tuyên bố chung 15.10.2011) “Giữ gìn ổn định trong nước của mình” tức là
giữ vững sự độc tôn thống trị xã hội của đảng cộng sản Việt Nam. Với Tuyên bố
chung Nguyễn Phú Trọng – Hồ Cẩm Đào ngày 15.10.2011, giữ vững sự thống trị xã hội
của đảng cộng sản Việt Nam không phải chỉ có sức mạnh bạo lực của công an Việt
Nam mà còn có sức mạnh bạo lực của công an Trung Quốc.
Đảng cộng sản Việt Nam cầm quyền đã giao cả sự sống còn của đảng
cho Trung Quốc thì sự sống còn của đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam cũng nằm
trong tay Trung Quốc là đương nhiên. Cam kết Thành Đô 1990, Tuyên bố chung Nguyễn
Phú Trọng – Hồ Cẩm Đào 2011 đã biến Việt Nam thành chư hầu của Trung Quốc thì
Trung Quốc hành xử với Việt Nam thế nào chả được. Vậy mà cơn cớ gì ông tướng
công an Trương Giang Long lại dám đăng đàn mạnh miệng rằng Trung Quốc không bao
giờ từ bỏ dã tâm chiếm biển Đông của chúng ta. Rằng Trung Quốc có gien tốt thấp,
gien không tốt vượt trội. Rằng có tới hàng trăm đặc tình Trung Quốc cài cắm
vào các cơ quan nhà nước Việt Nam. Rằng Trung Quốc xấu, xấu nữa, thì chúng ta
cũng vẫn tìm cách phải chung sống, chỉ làm sao để họ đừng xấu hơn.
Đứng trên bục cao, mắt gườm gườm nhìn người nghe, giọng bộc bạch
như để thổ lộ những điều mới mẻ, cơ mật nhưng thật ra những điều ông tướng công
an Trương Giang Long nói cũng chẳng có gì mới mẻ ghê gớm. Những điều tướng Long
nói, người dân nặng lòng với nước đều đã biết từ lâu và còn biết nhiều hơn thế
nữa. Nhưng dù sao những điều ông tướng công an Trương Giang Long nói ra cũng tỏ
ra dù là con người công cụ “còn đảng còn mình” ông tướng Long cũng đã thấy được
phần nào cái họa Bắc thuộc mà đảng của ông đã rước về cho dân tộc Việt Nam, ông
cũng đã có được nỗi lo gần với nỗi lo của dân về vận mệnh đất nước.
Cái clip ông tướng công an đăng đàn mạnh miệng động chạm đến
thiên triều cộng sản Trung Hoa nếu chỉ là tài liệu học tập ngoại khóa trong nội
bộ công an thì mọi chuyện rồi cũng bình lặng qua đi. Nhưng cái clip ông tướng
công an nói về cái gien xấu của Trung Quốc, nói về dã tâm Trung Quốc cướp biển
Đông của Việt Nam lại tràn lan trên mạng xã hội lề dân, gây xôn xao dân chúng
thì sự việc không dừng lại ở đó.
Ngay sau khi mạng xã hội lề dân tràn ngập clip tướng công an
Trương Giang Long đăng đàn liền đến sự việc cả hệ thống báo chí lề đảng đăng
tin và ảnh ông thượng tướng Thứ trưởng bộ Công an trao quyết định nghỉ hưu cho
ông thiếu tướng đã đăng đàn nói về gien xấu cuả Trung Quốc.
Sinh năm 1955, ở tuổi 62, với học vị tiến sĩ, học hàm giáo
sư, theo qui định của nhà nước, ông thiếu tướng Trương Giang Long cứ yên tâm
làm việc ở cơ quan nhà nước với tư cách nhà khoa học ít nhất ba năm nữa. Vì sau
thời gian dài nạp trí tuệ của loài người, trèo lên vai những người khổng lồ, từ
tuổi sáu mươi mới đến độ chín của những nhân cách khoa học, mới là thời gian của
những trí tuệ riêng tỏa sáng, đứng thẳng lên thành những cá nhân khoa học. Nhận
quyết định phong hàm thiếu tướng từ ba năm trước, năm 2014. Thời hạn để ông thiếu
tướng công an Trương Giang Long đón nhận hàm trung tướng cũng đã cận kề. Nhưng
giữa đường đứt gánh. Tất cả đã chấm dứt.
Từ bao lâu nay, tướng lĩnh quân đội, công an đến tuổi nghỉ
hưu cứ lặng lẽ nhận quyết định mà về. Dù là đại tướng Bộ trưởng về vườn, báo
chí cũng không đưa tin. Báo chí lề đảng của nhà nước cộng sản Việt Nam đồng loạt
đưa tin ông thiếu tướng công an Trương Giang Long nhận quyết định về hưu là để
bằng con đường truyền thông nhà nước, Việt Nam bẩm báo với thiên triều Bắc Kinh
rằng chiếu chỉ của thiên triều đã được chư hầu Việt Nam chấp hành nghiêm chỉnh.
Ông tướng công an Việt Nam làm phiền lòng thiên triều Bắc Kinh thì con đường
công danh, sự nghiệp chính trị đã chấm dứt.
VẾT NHƠ CỦA TRANG SỬ VÀNG
Chính trường cộng sản Việt Nam không phải chỉ có hai ông tướng
như hai lá bài tam cúc tướng đi ỉa. So với hàng chục tướng tá quân đội, hàng chục
công thần của đảng cấp Bộ trưởng, hàng chục trí thức lớn trí tuê uyên bác của
dân bị vu cho tội xét lại chống đảng, bị tù đầy, hãm hại cho đến chết để làm đẹp
lòng thiên triều Bắc Kinh thì ông đại tướng quân đội bị gạt ra khỏi quân ngũ ra
dân sự làm nghị ông gật, ông thiếu tướng công an phải về hưu đột ngột, tức tưởi
chỉ là chuyện nhỏ. Nhưng đó là nỗi cay đắng lớn cho nền độc lập của nhà nước Việt
Nam xã hội chủ nghĩa, là nỗi đau lớn cho dân tộc Việt Nam và là vết nhơ lớn cho
trang sử vàng oai hùng Việt Nam.
Vùng tệp đính kèm
No comments:
Post a Comment