Vũ Mạnh Hùng.
Năm 2004, một lão thành cách mạng đưa cho tôi 3 tờ phiếu xuất
nhập kho bằng giấy pơlya mặt sau được nhà đại trí thức Nguyễn Khắc Viện tận dụng
đánh máy nội dung thư gửi ông Nguyễn Hữu Thọ ( Nguyên chủ tịch Quốc Hội ). Do
thư để lâu ngày nên chữ mờ, các cụ nhờ tôi đánh máy lại. Tôi tin bức thư này
chưa được đăng ở bất cứ sách báo cũng như trang web nào. Nội dung bức thư là sản
phẩm trí tuệ của một nhà đại trí thức tâm huyết với dân, với nước. Tôi xin đăng
trên FB để tất cả những ai quan tâm thấy được tấm lòng và sự trăn trở của nhà đại
trí thức này trong những năm cuối đời :
Nguyễn Khắc Viện
22 Phan Đăng Lưu
Ngày 6/1/1991
Bình Thạnh
Kính gửi : Anh Nguyễn
Hữu Thọ Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
Trước hết xin lỗi với
anh là hôm trước không đến họp mặt trận được.
Chắc anh cũng có ý muốn
biết ý kiến của tôi nên xin trình bày như sau : Tôi không muốn bàn về cương
lĩnh chiến lược vì chưa phải lúc bàn đến. Nay có những việc cần hơn, gấp hơn.
Vấn đề chính của đại Ðại hội VII không phải là cương lĩnh mà
là giải quyết vấn đề tổ chức. Ðại hội VI đã đưa ra đường lối đúng, nhưng không
dựng nên tổ chức mới, đó là mâu thuẫn chủ yếu trong mấy năm qua, không giải quyết
được thì không những không tiến lên được, còn sa vào khủng khoảng trầm trọng
hơn nữa.
Bộ máy nhà nước hiện nay hoàn toàn bất lực, làm cho toàn xã hội
rối loạn, không thể nào phát triển được. Bất lực vì các cấp Ủy Ðảng từ Trung
ương đến địa phương nắm hết quyền hành. Bộ chính trị, ban bí thư, ban tổ chức
trung ương, ban văn hóa tư tưởng quyết định mọi việc cụ thể Hội đồng bộ trưởng,
Quốc hội, các Bộ, các ngành chỉ là thừa hành. Ở tỉnh thì một Bí thư là một lãnh
chúa quyết định tất cả kinh tế, tổ chức, văn hóa. Cấp huyện xã cũng vậy. Hai cấp
chồng chéo, chằng chịt, quyết định chậm chạp, không ai chịu trách nhiệm. Rút cục
lãnh đạo không ra lãnh đạo, quản lý chẳng ra quẩn lý. Bộ máy nhà nước thì bất lực.
Ðảng thì thái hóa.
Thái hóa vì nắm trực tiếp quyền lực. Trước kia vào Ðảng là
vào tù ra tội, xung phong ở chiến trường, nay vào Ðảng là để lên chức. Bọn cơ hội
ùa vào Ðảng, chung quanh một vị lãnh đạo là một nhóm nịnh thần, người ngay thẳng
bị đẩy ra, chán nản. Còn nắm quyền lực còn thái hóa, không có học tập nào phê tự
phê nào gỡ ra được. Với danh nghĩa Ðảng mà tham nhũng, trù dập ai tố cáo là tệ
nhất. Nhìn lên trên, nhân dân, cán bộ, đảng viên cơ sở mất hết niềm tin. Bộ
chính trị , ban bí thư, ban tổ chức trung ương, ban văn hóa tư tưởng toàn gồm
những đồng chí hoặc đã già nua, không đủ sức khỏe nữa ( trên 70 là không nên tiếp
tục ), hoặc cách suy nghĩ và làm việc quá cũ, không theo kịp tiến triển của thời
đại, không đồng cảm được với thế hệ mới, không tiếp cận được với những vấn đề mới.
Ước mơ của tôi là đại hội VII tập trung và dứt khoát giải quyết hai vấn đề :
+ Cương quyết tuyên bố Ðảng trả lại mọi quyền hành cho các cơ
quan dân cử và Nhà nước. Và cụ thể hóa là giải quyết một loạt bộ phận trực thuộc
Trung ương cũng như cấp ủy các địa phương, trả lại Nhà nước một loạt nhà cửa,
chuyển sang khoảng 2/3 cán bộ, giảm biên chế bắt đầu từ tổ chức Ðảng.
+ Các đồng chí lãnh đạo tối cao ở các ban Trung ương hiện nay
tự nguyện rút lui, nhường chỗ cho những người mới. Ðó sẽ là một hành động cao
quý, nói lên lòng yêu nước vì dân, sẽ làm nức lòng nhân dân và cán bộ, tạo lại
niềm tin đã suy sụp nghiêm trọng. Nếu các đồng chí tiếp tục cố giữ lấy vị trí
cũ thì cả quá khứ vinh quang của các đồng chí sẽ bị xóa mờ và sẽ chịu trách nhiệm
về sự sụp đổ nay mai. Nếu đại hội không rõ ràng dứt khoát về hai điểm trên (
tôi chỉ mong là tôi đoán sai ) đất nước sẽ bước vào những năm đen tối. Ðại hội VII
đã là cơ may cuối cùng để Ðảng có thể tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo. Bằng không
là một sự suy thoái không thể gì ngăn được.
X
X X
VỀ TÌNH HÌNH XIN CÓ MẤY Ý NHƯ SAU :
Khi kinh tế tư nhân
sẽ phát triển, các hãng quốc tế sẽ đầu tư. Ðó là tình thế không thể cưỡng, làm
cho khoa học kĩ thuật tiến lên, một số người có thể phát huy khả năng. Tư bản
trong và ngoài nước sẽ nắm tay nhau khai thác tài nguyên sử dụng lao động.
Ðể phục vụ cơ cấu kinh tế ấy sẽ có một bộ máy với ba bộ phận
:
- Một bộ máy quản lý kinh tế.
- Một bộ máy Nhà nước cai trị ( hành chính, công an ).
- Một bộ máy văn hóa tư tưởng ( nắm các phương tiện thông tin
međia ).
Ðã là kinh tế thị trường,
lấy lãi làm gốc thì không nói đến chuyện
nhân nghĩa. Ðã là bộ máy quan chức cũng không thể lấy nhân
nghĩa làm phương châm.
Ðứng trước bộ máy
kinh tế, cai trị, văn hóa, vừa mang tính quốc gia vừa liên kết với quốc tế ( một
cán bộ cao cấp trong bộ máy trên tự xem mình vừa là Việt Nam, vừa là người của
Mitsubishi hay Toyota, Philips .. ), nhân dân phải dựng cho được một Mặt trận
dân chủ nhân dân làm đối trọng để bảo vệ :
- Quyền tự do dân chủ.
- Công bằng xã hội - Người lao động được thù lao thích đáng,
không để phân hóa giàu nghèo quá mức, giáo dục, y tế bảo đảm,
văn hóa được bảo vệ.
- Bảo vệ môi trường.
- Bảo vệ hòa bình.
Mặt trận này không chủ trương đấu tranh vũ trang nhưng phải vận
động mọi hình thức đấu tranh dân chủ và nhất là đòi cho kỳ được :
- Tự do báo chí, tự do tư tưởng.
- Tự do lập hội để tổ chức cuộc sống ngoài vòng ràng buộc của
bộ
máy nói trên.
Nhân dân các nước tư bản phát triển, trong 200 năm đã qua đã
liên tục đấu tranh để hình thành được chế độ hiện nay mà ta thường gọi sai là
dân chủ tư sản.
Những quyền tự do, những phúc lợi xã hội có được không phải
là do tư sản ban cho mà do nhân dân đấu tranh đoạt được, phải gọi là dân chủ
nhân dân mới đúng và mới thấy hướng tiến lên.
Nếu mặt trận tư bản
thế giới đang hình thành thì đối trọng là mặt trận dân chủ nhân dân thế giới
cũng đang được xây dựng. Nhân dân ta không thể đứng tách rời. Khắp nơi chứ không
riêng gì trong các nước gọi là xã hộ chủ nghĩa, ta mới có bạn.. Ðến một lúc nào
đó bộ máy tư bản bị hạn chế, bị trói tay đến một mức nào đó thì tên gọi là chủ
nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội không quan trọng nữa. Mặt trận dân chủ nhân
dân đã đổi tính chất.
Tự do báo chí, lập hội, kiến nghị, biểu tình, đình công, bỏ
phiếu tất cả những hình thức đấu tranh ấy ở thời đại chúng ta có khả năng dẫn đến
những cải tổ sâu sắc. Sự hình thành mặt trận ấy tùy nước sẽ tiến nhanh hay chậm.
Sẽ êm ả xuôi chiều hay đầy sóng gió.
Mong rằng Ðảng ta biết tự cải tổ để làm nòng cốt cho Mặt trận
ấy, hiện nay lãnh đạo đảng ta đang đi ngược lại. Thiếu dân chủ trong Ðảng trong
xã hội đã dẫn đến đẩy những người tâm huyết ( như: Bùi tìn, Dương Thu Hương,
nhưng kiều bào ký tâm thư và trước đây những đồng chí Lê Liêm , Ung Văn Khiêm,
Ðặng Kim Giang … ). Ngoài ra, biến thành đối lập, và làm nản lòng một bộ phận lớn,
có thể nói là hầu hết thanh niên trí thức nhiệt tình. Trên đây là vài ý kiến và
ước mong chứ riêng tôi tuổi cao sức yếu cũng không có tham vọng nào khác ; Còn
sống vài năm sẽ tập trung sức lực góp phần xây dựng bộ môn tâm lý trẻ em trong
khuôn khổ tổ chức N – T ( N- T gọi tắt Nghiên cứu tâm lý ) mà một số anh em
chúng tôi đang hợp sức lại dựng lên hai năm nay.
Kính
chúc anh mạnh khỏe.
Nguyễn Khắc Viện
https://www.youtube.com/watch?v=Kp9KCBoNbp4
https://www.youtube.com/watch?v=Kp9KCBoNbp4
No comments:
Post a Comment