PHẠM ĐÌNH TRỌNG
Những
người lên báo giấy, báo hình cãi chày cãi cối về vụ cấm đoán nhạc phẩm Con Đường
Xưa Em Đi mấy ngày qua cũng chỉ là những dư luận viên đó mà thôi. Những người
được coi là nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ mà biến mình thành dư luận viên thì tự họ
đã hạ thấp tư cách văn hóa, hạ thấp tư cách nghệ sĩ của họ rồi, họ đã tự bác bỏ
tư cách con người trung thực, con người lương thiện của họ rồi.
1. Kiên trì theo đuổi một học thuyết sai trái, phản
dân tộc, phản tiến bộ, nhà nước cộng sản Việt Nam không thu hút, không tập hợp
được người có tài năng và nhân cách. Chốn quan trường ngày càng thưa vắng người
tử tế, nhường chỗ cho những kẻ bất tài, thiếu nhân cách. Đó là những con ông
cháu cha nòi cộng sản và những kẻ vô lại chạy chức chạy quyền mà thành quan.
Con ông cháu cha nòi
khoa bảng, học được chữ thánh hiền, biết giữ đạo làm người, biết bổn phận làm
quan, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, dân còn được nhờ. Con ông cháu cha
nòi cộng sản chỉ biết kiên trì học thuyết sắt máu chuyên chính vô sản, coi lẽ sống
là làm cách mạng và chiến tranh giết dân lành, li tán dân tộc, tàn phá tan
hoang đất nước như lời thơ của ông nhà thơ cộng sản lão làng Tố Hữu: “Giết! Giết
nữa! Bàn tay không ngơi nghỉ / Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong / Cho Đảng
bền lâu / Cùng rập bước chung lòng / Thờ Mao Chủ tịch, thờ Xít-ta-lin bất diệt!”.
Chỉ có giết, giết dân nữa đảng mới bền lâu. Loại con ông cháu cha nòi đảng đó
là di họa nặng căn của dân tộc vốn tồn tại bằng thương yêu, đùm bọc: Nhiễu điều
phủ lấy giá gương / Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Trong kỉ nguyên dân chủ,
ngày nay thể chế dân chủ đã có ở hầu hết các nước trên thế giới. Ở đó, người
dân làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, làm chủ nhà nước. Bằng lá phiếu thực sự tự
do, người dân dựng lên nhà nước và người dân cũng phế truất khi nhà nước có những
việc làm khuất tất, trái ý dân. Người dân phát hiện, người dân tiến cử, người
dân bỏ phiếu đưa người hiền trong dân vào bộ máy nhà nước và người dân sở hữu
nhà nước như sở hữu quyền công dân của mình. Đó là nhà nước của dân, nhà nước
có dân.
Ít ỏi nhà nước độc tài
đảng trị còn sót lại trong kỉ nguyên dân chủ thì ngược lại, người dân không có
bóng dáng trong nhà nước, không có vai trò, không có quyền lực gì với nhà nước.
Nhà nước độc tài đảng trị chiếm đoạt quyền lực của dân, tự tung tự tác chia
nhau quyền lực của dân. Đó là nhà nước của đảng chứ không phải nhà nước của
dân. Nhà nước không dân, mảnh đất màu mỡ cho hạng giá áo túi cơm, những kẻ bất
tài, thiếu nhân cách vinh thân phì gia.
2. Hai biểu hiện của đám quan chức bất tài và
thiếu nhân cách đó là
Một. Có quyền lực trong
tay, họ cố kết với nhau thành những nhóm lợi ích đầy sức mạnh, biến nhà nước
thành những tổ chức mafia hắc ám chuyên đàn áp, ức hiếp, cướp bóc dân lành và
vơ vét, bòn rút của cải, tiền bạc ngân khố quốc gia, tài nguyên đất nước.
Quan chức nắm sức mạnh quyền
lực nhà nước cấu kết với những kẻ có sức mạnh đồng tiền tạo ra những liên minh
ma quỉ rồi liên minh ma quỉ đó hối hả vẽ ra những dự án mang danh đô thị hóa lộng
lẫy nhưng thực chất là mưu đồ bẩn thỉu cướp đất riêng của dân, cướp đất công của
nước kinh doanh kiếm lợi riêng. Những dự án bẩn thỉu, những cuộc thôn tính đất
vàng đất bạc diễn ra ngang nhiên, tràn lan, ngạo ngược, tàn bạo trên khắp đất
nước, suốt mấy chục năm nay, càng ngày càng ồ ạt, trắng trợn.
Quĩ đất dự trữ để mở rộng
sân bay của nhà nước thành sân golf, thành nhà hàng, biệt thự kinh doanh của tập
đoàn kinh tế tư nhân. Đẩy sân bay vào tình cảnh khốn quẫn, bế tắc, không lối
thoát, thường xuyên diễn ra nỗi đau lòng, máy bay đến, không có bãi đáp phải
bay lòng vòng trên trời chờ đợi, gây thiệt hại về kinh tế, gây khiếp đảm kinh
hoàng cho người đi máy bay, xua đuổi các hãng hàng không quốc tế phải rời bỏ Việt
Nam, chặn đứng sự phát triển của ngành hàng không, một ngành kinh tế thời thượng
của thời hội nhập quốc tế.
Thế lực mafia cướp đất
mạnh và xảo trá đến nỗi quyền lực Chính phủ cũng phải lắc đầu chịu thua không
thể đòi lại được hàng trăm hecta đất của chính mình bị cướp. Thế lực mafia cướp
đất mạnh và thâm độc đến nỗi điều được hàng ngàn cảnh sát dã chiến trang bị
công cụ đàn áp hiện đại đến tận răng dàn trận giáp chiến với dân lành đầu trần,
tay không, đánh hộc máu nhà báo đến đưa tin, đánh đuổi dân đòi đất phải tan
tác, giữ được đất cho kẻ cướp đất.
Những nhóm lợi ích
Vinashine của Phạm Thanh Bình, Vinalines của Dương Chí Dũng, PVC, Tổng công ty
xây lắp dầu khí của Trịnh Xuân Thanh đã phù phép biến hàng ngàn tỉ tiền ngân
sách quốc gia nghèo, hàng ngàn tỉ tiền thuế mồ hôi nước mắt của người dân đầu tắt
mặt tối thành tiền riêng trong túi của họ.
Hai. Dùng danh nghĩa,
quyền lực nhà nước để tư lợi, để vơ vét cho riêng họ thì họ thừa mưu mẹo, thừa
ranh ma, láu cá, lưu manh. Nhưng làm việc cho dân cho nước thì họ lòi ngay ra sự
dốt nát, không biết việc, không đủ tầm.
Chỉ điểm hai việc vừa
làm của cơ quan văn hóa nhà nước cộng sản Việt Nam cũng thấy rõ điều đó
Việc thứ nhất. Bộ phim
Kông - Đảo Đầu Lâu, dù là phim được dàn dựng ở Việt Nam, có thiên nhiên kì thú
Việt Nam, dù là phim ăn khách, hốt bạc của Hollywood ở thời điểm hiện nay và chỉ
ở thời điểm hiện nay mà thôi, phải chỉ rõ như vậy vì mỗi thời điểm Hollywood lại
có một bộ phim gây sửng sốt cho cả người thờ ơ nhất với điện ảnh, lôi cả người
thờ ơ đó cũng phài đến rạp cinéma nộp tiền cho Hollywood. Dù vậy Kông vẫn chỉ
là phim giải trí của tư duy Mỹ, của tâm hồn Mỹ.
Chỉ là phim ăn khách nhất
thời của tư duy Mỹ, tâm hồn Mỹ vậy mà lãnh đạo bộ Văn hóa nhà nước cộng sản Việt
Nam lại sốt sắng có ngay công văn đóng dấu quốc huy nhà nước đòi Hà Nội phải dựng
tượng Kông, con đười ươi khổng lồ của tư duy Mỹ, của tâm hồn Mỹ ở nơi linh
thiêng nhất của kinh kỳ Thăng Long – Hà Nội, nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”,
nơi Hồ Gươm lãng đãng sương khói huyền thoại.
Tư duy Mỹ là tư duy lí,
tư duy cụ thể, tư duy vật thể. Tâm hồn Mỹ hình tượng hóa sức mạnh thiên nhiên
hoang dã bằng những con vật khổng lồ, Kinh Kông, Khủng Long. Kông - Đảo Đầu
Lâu, Công Viên Kỉ Jura là sản phẩm của tâm hồn đó.
Tư duy Việt Nam là tư
duy tình, tư duy trừu tượng, tư duy huyền thoại, tâm linh. Tâm hồn Việt Nam
hình tượng hóa sức mạnh thiên nhiên bằng vị thần Thủy Tinh huyền ảo nhưng cũng
rất bình dị, đời thường. Con người huyền thoại của dân gian Việt Nam chỉ phi
thường ở hành động. Còn vóc dáng, hình hài vô cùng bình dị. Thánh Gióng phi ngựa
sắt phun lửa diệt giặc Ân như đốt cỏ khô cũng chỉ là một đứa trẻ vừa rời nôi mẹ.
Với tư duy huyền thoại,
mỗi dòng sông, mỗi dãy núi, mỗi hồ nước mang trầm tích lịch sử Việt Nam đều có
một vị thần linh thiêng gắn liền với truyền thống văn hóa Việt, gắn liền với lịch
sử dựng lên nước Việt, gắn liền với tâm linh người Việt. Núi Nghĩa Lĩnh ở đỉnh
tam giác châu thổ sông Hồng có vua Hùng của cội nguồn dân tộc. Đỉnh Ba Vì có thần
Tản Viên của hồn thiêng đất nước. Hồ Tây có thần Kim Ngưu của nền văn minh lúa
nước. Hồ Gươm có thần Kim Quy của trang sử hiển hách chống giặc phương Bắc xâm
lược.
Văn hóa của đất nước là
sự thăng hoa của tâm hồn dân tộc, là hồn cốt làm nên bản sắc riêng của một dân
tộc, giúp dân tộc đó tồn tại bền vững với thời gian, với lịch sử đầy biến cố dữ
dội và khắc nghiệt, giúp dân tộc đó không bị đồng hóa bởi những nền văn hóa
khác. Đứng đầu cơ quan văn hóa của đất nước có Vua Hùng, có thần Tản Viên, có
thần Kim Qui mà lăm le muốn đưa đười ươi King Kông khổng lồ, sản phẩm của tâm hồn
Mỹ, văn hóa Mỹ đến đứng sừng sững bên Hồ Gươm bảng lảng sương khói huyền thoại
của thần Kim Qui. Đặt quái vật Kinh Kông lừng lững đổ bóng đè sập xuống bức tượng
nhỏ bé bậc tiên hiền Lý Thái Tổ khai sinh ra kinh thành Thăng Long – Đông Đô –
Hà Nội rạng rỡ. Ôi, nền tảng tri thức văn hóa và tâm hồn Việt trong những ông
quan văn hóa của nhà nước cộng sản Việt Nam đó!
Việc thứ hai. Bài hát
khi đã đến với người hát, người nghe, đến với công chúng thì công chúng là người
quyết định sự tồn tại của bài hát. Bài hát có sức sống lâu dài với thời gian
hay chết yểu đều do công chúng, những người hát và người nghe quyết định. Khi
đó sự tồn tại của bài hát không còn phụ thuộc vào người sáng tạo ra nó, lại
càng không phụ thuộc vào cơ quan quyền lực cho phép hoặc không cho phép nó tồn
tại.
Chất lượng nghệ thuật mới
là cái giấy phép quyền uy nhất cho tác phẩm nghệ thuật đi vào cuộc sống. Tác phẩm
nghệ thuật của một thời và cái thời của nó đã qua, tác phẩm sẽ bị quên lãng,
không cần cấm đoán. Nhưng cái thời của tác phẩm đã qua mà tác phẩm vẫn được những
người thời sau chấp nhận là tác phẩm đã vượt được cái thời hạn hẹp của nó để đến
với mọi thời. Ca khúc Con Đường Xưa Em Đi của hai nghệ sĩ Châu Kỳ và Hồ Đình
Phương là tác phẩm âm nhạc như vậy.
Giai điệu của ca khúc
Con Đường Xưa Em Đi là một giai điệu đẹp, giai điệu dìu dặt của những trái tim
đang thổn thức yêu đương nhưng khắc khoải trong xa cách bởi chiến tranh: Chiến
trường anh bước đi / Có nàng hoen đôi mi, ngóng theo đường vắng hoe... Giai điệu
ngân nga trong trái tim nhiều thế hệ sống ở miền Nam đất nước thời đất nước còn
bị lưỡi gươm ý thức hệ chém đôi ở vĩ tuyến 17.
Chiến tranh đã qua. Đất
nước không còn chia cắt. Giai điệu Con Đường Xưa Em Đi không những vượt giới hạn
thời gian mà còn vượt giới hạn không gian, vượt vĩ tuyến 17, trở thành giai điệu
quen thuộc của nhiều người Việt Nam trên cả nước, vượt biên giới quốc gia đến
những nơi có người Việt sinh sống trên khắp thế giới. Dùng quyền uy nhà nước và
vay mượn, bịa đặt bất cứ lí do gì để cấm đoán Con Đường Xưa Em Đi đều phơi bày
nền tảng văn hóa thấp kém và sự đố kị, nhỏ nhen, hẹp hòi của một cơ quan văn
hóa cấp nhà nước. Và hiệu ứng tất yếu phải đến là không những không cấm được
bài hát lại làm cho bài hát bị cấm nổi tiếng hơn, nhiều người biết đến hơn,
giai điệu bài hát bỗng ngân nga trong hồn nhiều người Việt Nam hơn.
Quen thói quyền uy cấm
đoán thấp kém, nhỏ nhen như vậy, dù danh xưng là cơ quan văn hóa cấp nhà nước
nhưng không xứng tầm cơ quan văn hóa của dân tộc Việt Nam mà chỉ là cơ quan văn
hóa của mấy người cộng sản cầm quyền vốn nhỏ nhen, đố kị, chỉ quen sắt máu hận
thù giai cấp, chuyên chính vô sản, nhìn nhận sản phẩm văn hóa, sự thăng hoa của
tâm hồn con người bằng ý thức hệ cực đoan méo mó, bằng trận tuyến ta – địch lỗi
thời. Chỉ có nhà nước không dân, không cần biết đến dân mới cấm đoán giai điệu
ngân nga trong tâm hồn người dân.
Nghệ sĩ đích thực sáng
tạo ra giá trị nghệ thuật chung của loài người. Nghệ sĩ Việt Nam sáng tạo ra
giá trị nghệ thuật chung của dân tộc Việt Nam. Lưu Hữu Phước là người cộng sản
và đang là yếu nhân trong nhà nước cộng sản ở miền Bắc. Vậy mà chính quyền Sài
Gòn, một chính thể đối kháng, không đội trời chung với cộng sản vẫn lấy tác phẩm
âm nhạc Tiếng Gọi Thanh Niên của Lưu Hữu Phước làm quốc ca của nhà nước Việt
Nam Cộng Hòa ở nửa phía Nam đất nước. Một nhà nước như vậy xứng đáng là một nhà
nước văn hóa, nhà nước của cả dân tộc Việt Nam.
Thời đất nước chia cắt
Bắc – Nam, tác phẩm nghệ thuật dù sáng tạo ở miền Bắc hay miền Nam đều là giá
trị Văn hóa của dân tộc Việt Nam, làm nên bộ mặt văn hóa của đất nước Việt Nam,
tạo nên giá trị thẩm mĩ của con người Việt Nam. Sau năm 1975, bằng bạo lực súng
đạn và nhà tù, nhà nước cộng sản Việt Nam đã giam cầm, tù đày những người dân
Việt Nam sống ở miền Nam không cùng ý thức hệ cộng sản, gây nên sự chia rẽ, li
tán sâu sắc dân tộc Việt Nam cho đến nay và còn rất lâu về sau không thể hàn gắn,
không thể hòa giải, hòa hợp dân tộc. Hơn 40 năm đất nước không còn chia cắt, cơ
quan văn hóa của nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn xét nét, cầm tù những tác phẩm
nghệ thuật của miền Nam thời đất nước chia cắt, khoét sâu thêm sự chia rẽ, li tán
cả trong nghệ sĩ Việt Nam, cả trong nghệ thuật Việt Nam.
Ngồi ghế cao của nước,
hưởng lương hậu của dân để chỉ làm những việc hại dân, hại nước như vậy. Đó là
quan chức của nhà nước cộng sản Việt Nam hôm nay.
3. Phần cuối.
Những người bị pháp luật buộc tội phải nhờ luật sư có tiếng nói biện hộ, cãi cho thoát tội hoặc nhẹ tội. Đang làm nhiều việc sai trái với lịch sử, với nhân dân, bị người dân hôm nay và bị lịch sử ngày mai soi xét, nhà nước cộng sản Việt Nam hôm nay phải tổ chức một lực lượng đông đảo dư luận viên biện hộ cho những việc làm không thuận lòng dân, không xứng với lịch sử vàng son của dân tộc.
Có thể nhận ra lực lượng
đông đảo dư luận viên có hai loại.
Dư luận viên cấp thấp,
dư luận viên vô danh rải ra như lá rừng, cãi chày cãi cối trên các trang mạng
xã hội lề dân.
Dư luận viên cấp cao,
dư luận viên có danh xuất hiện trên báo giấy, báo nói, báo hình lề đảng. Rất buồn
là tôi cũng có một ông bạn nhà văn là dư luận viên thường xuyên xuất hiện với vẻ
mặt rất mãn nguyện với lời văn rất điệu đàng trên báo giấy của đảng và xuất hiện
rất hùng hồn trên truyền hình nhà nước.
Những người lên báo giấy,
báo hình cãi chày cãi cối về vụ cấm đoán nhạc phẩm Con Đường Xưa Em Đi mấy ngày
qua cũng chỉ là những dư luận viên đó mà thôi. Những người được coi là nhà thơ,
nhà văn, nhạc sĩ mà biến mình thành dư luận viên thì tự họ đã hạ thấp tư cách
văn hóa, hạ thấp tư cách nghệ sĩ của họ rồi, họ đã tự bác bỏ tư cách con người
trung thực, con người lương thiện của họ rồi.
Nhà thơ, nhà văn, nhạc
sĩ được nhà nước cộng sản Việt Nam xài làm dư luận viên và họ đã trở thành những
dư luận viên hăng say, tận tụy, miệt mài thì nền văn học nghệ thuật đó làm sao
thoát khỏi thân phận minh họa!
Coi văn hóa, coi nhà
thơ, nhà văn, nhạc sĩ chỉ là công cụ, nhà nước đó không coi văn nghệ sĩ là những
con người, lại càng không khi nào nhìn nhận con người sáng tạo ở họ. Và nhà
thơ, nhà văn, nhạc sĩ lại vô cùng sung sướng, vênh váo, hãnh diện được làm công
cụ của quyền lực thì đó là một nền nghệ thuật không có con người đích thực,
không có con người tự do, con người sáng tạo! Chỉ có con người công cụ!
NGÀY ĐAU CỦA GIỐNG NÒI VIỆT NAM, 14 THÁNG BA
14.3.1988. Tàu Cộng giết 64 người lính Việt Nam, cướp núm cát
san hô Gac Ma trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
14.3.2017. Công an mật vụ nhà nước cộng sản Việt Nam giăng
quân bủa vây giam hãm những người Việt Nam mang nỗi đau Gac Ma, không cho họ được
làm lễ tưởng niệm 64 hồn thiêng Gac Ma.
Từ đêm thứ bảy 11.3.2017, an ninh mật vụ của nhà nước cộng sản
Việt Nam như những bóng đêm của một thời lịch sử đau buồn tăm tối đã kéo đến
vây hãm quanh nhà tôi.
Ngày 13.3.2017, trong vây hãm của những bóng đêm tăm tối đó,
tôi xin post lại bài viết về sự kiện Gac Ma 14.3.1988, về 64 hồn thiêng Gac Ma.
Bài viết xin được chia sẻ rộng rãi để mọi người Việt Nam ghi nhớ núm cát san hô
ruột thịt của đất Mẹ Việt Nam, Gac Ma, ghi nhớ sự kiện lịch sử Gac Ma – Trường
Sa 14.3.1988
TRƯỜNG SA 14.3.1988
PHẠM ĐÌNH TRỌNG
Sau khi đánh chiếm được toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, ngày
19.1.1974, thuộc chủ quyền Việt Nam do nhà nước Việt Nam Cộng hòa quản lí, Tàu
Cộng lại ráo riết đưa tàu chiến đến rình rập, uy hiếp quần đảo Trường Sa đã thuộc
sự quản lí của nhà nước cộng sản Việt Nam. Đầu năm 1988 hoạt động quân sự của
Tàu Cộng ở Trường Sa càng dồn dập, hung hăng hơn.
Trước tình thế đó, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam đã lên kế hoạch
đưa quân lên giữ một số bãi cát san hô chưa nổi hẳn khỏi mặt nước biển nhưng giữ
vị trí tạo thế liên hoàn, khép kín cụm quần đảo và trấn giữ hành lang từ đất liền
ra Trường Sa. Chiến dịch CQ88, chủ quyền 88 được lặng lẽ và gấp gáp triển khai.
Ngày 26 tháng một,1988, Việt Nam đưa quân lên giữ bãi cát
Tiên Nữ.
Lập tức ngày 31 tháng một, 1988, Tàu Cộng đổ quân lên chiếm
bãi cát Chữ Thập của Việt Nam..
Liên tiếp các ngày 5 tháng hai, ngày 6 tháng hai và ngày 18
tháng hai, Việt Nam lần lượt đưa quân lên giữ các bãi đá Lát, đá Lớn, đá Đông.
Tức thì ngày 18 tháng hai, Tàu Cộng liền đổ quân chiếm bãi Châu Viên và ngày 26
tháng hai, Tàu Cộng chiếm bãi Ga Ven của Việt Nam.
Ngày 27 tháng hai, hải quân Việt Nam lên giữ bãi cát Tốc Tan
thì ngày 28 tháng hai Tàu Cộng đổ quân chiếm bãi Huy Gơ.
Đầu tháng ba năm 1988, Tàu Cộng đưa hạm đội mạnh với 16 tàu
uy lực nhất của Tàu Cộng lúc đó đến Trường Sa gồm một khu trục lên lửa, bảy tàu
hộ vệ tên lửa, hai tàu hộ vệ pháo, hai tàu đổ bộ, ba tàu vận tải, một tàu kéo
theo một pông tông (cầu cảng nổi) lớn. Ý đồ gây hấn xâm lược Trường Sa, cướp đảo
Việt Nam của Tàu Cộng đã không cần giấu diếm. Và cụm cát san hô đang nổi lên
Gac Ma, Cô Lin, Len Đao ở chính giữa quần đảo Trường Sa sẽ là mục tiêu tiếp
theo của họ. Chiếm được cụm Gac Ma, Cô Lin, Len Đao họ sẽ tạo được sự liên kết
liền mạch với các đảo đã chiếm được từ trước, tạo thế đứng chân vững chắc ở Trường
Sa, uy hiếp cả quần đảo và không chế hành lang nối đất liền Việt Nam với Trường
Sa.
Đọc được tình thế, diễn biến trận đấu cân não, Bộ Tư lệnh Hải
quân Việt Nam liền gấp gáp đưa quân ra trấn giữ cụm bãi san hô trọng yếu Gac
Ma, Cô Lin, Len Đao còn lập lờ khi nổi khi chìm trên biển. Chấp hành mật lệnh
không được nổ súng từ cấp cao nhất trong quân đội, Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam
chỉ tung hai tàu vận tải HQ 604, HQ 605 và tàu đổ bộ cổ lỗ HQ 505 chở hàng hậu
cần, vật liệu xây dựng hầm hào, lương thực, thực phẩm cùng một lực lượng nhỏ,
70 lính công binh của trung đoàn công binh hải quân 83, 4 cán bộ đo đạc thuộc cục
bản đồ bộ Tổng Tham mưu và một đơn vị tác chiến nhỏ nhoi, 22 lính chiến đấu thuộc
lữ đoàn 146 chỉ có súng cá nhân AK với cơ số đạn ít ỏi do lữ đoàn phó Trần Đức
Thông chỉ huy.
Tàu vận tải HQ 605 do thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn chỉ huy tiến
đến đảo Len Đao. Tàu đổ bộ HQ 505 theo sự dẫn dắt của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ
chốt giữ Cô Lin. Tàu vận tải HQ 604 với thuyền trưởng Vũ Phi Trừ đến giữ Gac
Ma.
Chiều ngày 13 tháng ba, tàu HQ 604 vừa thả neo cạnh Gac Ma
thì hai tàu hộ vệ của Tàu Cộng áp sát gọi loa đòi Việt Nam rút quân khỏi Gạc Ma
rồi hai tàu giặc nối nhau chạy vòng quanh doi cát san hô Gac Ma mong manh như
dúm bọt sóng trên biển.
Trong đêm 13 tháng ba, tốp lính công binh thuộc trung đoàn 83
lặng lẽ và gấp gáp chuyển vật liệu xây dựng lên Gạc Ma. Lực lượng chiến đấu nhỏ
bé của lữ đoàn 146 cũng triển khai trên đảo.
Mờ sáng ngày 14 tháng ba, bốn tàu chiến của Tàu Cộng lừng lững
tiến đến Gạc Ma. Bốn xuồng nhôm chở đầy lính Tàu Cộng súng lăm lăm trong tay,
đè sóng tiến vào đảo. Nếu được trang bị vũ khí phòng thủ cần thiết và được nổ
súng, bốn xuồng nhôm trần trụi và mỏng manh cùng lũ lính Tàu Cộng như những tấm
bia ở trường bắn đã bị chặn đứng và nhấn chìm xuống đáy biển. Nhưng lính cuốc sẻng
công binh trung đoàn 83 Việt Nam gần như tay không phải lùi dần và co cụm giữa
đảo. Nhóm nhỏ lính lữ đoàn 146 có AK trong tay nhưng không được bắn cũng trở
thành tay không! Thấy hải quân Việt Nam không phản ứng, chỉ thức thủ, lính Tàu
Cộng liền ào đến cướp lá cờ Việt Nam. Lá cờ bị giằng đi, giật lại, thiếu úy Trần
Văn Phương liền quấn lá cờ quanh người, lấy tính mạng ra giữ lá cờ, giữ chủ quyền
hòn đảo. Tiếng súng chát chúa bỗng đột ngột quất lên. Những chớp lửa lóe lên từ
nòng súng trong tay lính Tàu Cộng. Thiếu úy Trần Văn Phương và hàng loạt chiến
sĩ Việt Nam đổ gục. Gac Ma bị Tàu Cộng cướp mau lẹ chỉ sau loạt súng bắn thẳng
đầu tiên rộ lên của lính Tàu Cộng.
Từ những chiến hạm Tàu Cộng, hàng trăm tên lính xâm lược tràn
lên Gạc Ma cùng lúc với những loạt đạn pháo các cỡ từ chiến hạm Tàu Cộng xối xả
dập xuống tàu HQ 604. Tàu vận tải HQ 604 không có pháo chống trả, như tấm bia tập
bắn của lính Tàu Cộng, bị xé nát và chìm dần xuống biển.
Thuyền trưởng, đại úy Vũ Phi Trừ, lữ đoàn phó 146, trung tá
Trần Đức Thông, thiếu úy Trần Văn Phương cùng hàng chục chiến sĩ Việt Nam chết
gục dưới làn đạn của lính Tàu Cộng. Máu của họ thấm đỏ cát san hộ Gac Ma, loang
đỏ nước biển Trường Sa. Đó là ngày 14 tháng ba, năm 1988, ngày đau buồn của lịch
sử Việt Nam, ngày núm cát san hô Gac Ma của Tổ quấc Việt Nam rơi vào tay Tàu Cộng,
ngày những người Việt Nam chân chính khắc ghi vào lòng cái tên Gac Ma ruột thịt
của đất Mẹ Việt Nam.
Trên tàu HQ 505 ở đảo Cô Lin cách Gạc Ma hơn ba hải lí, thuyền
trưởng Vũ Huy Lễ theo dõi thấy tương quan lực lượng quá chênh lệch và Tàu Cộng
đã bắn chìm tàu HQ 604. Rồi HQ 505 cũng không tránh khỏi số phận như HQ 604.
HQ 505 chìm, người lính giữ đảo vùi xác dưới đáy biển, Cô Lin
không còn bóng người lính Việt Nam cũng sẽ rơi vào tay Tàu Cộng. Nhận ra tình
thế tất yếu đó, thuyền trưởng Lễ liền lệnh nhổ neo rồi phóng hết tộc độ, lao
tàu lên đảo. Con tàu cùng với toàn bộ thủy thủ sẽ quyết ở lại với đảo. HQ 505
trườn được hai phần ba thân tàu lên thềm san hộ bao quanh đảo thì tàu bị bắn
cháy. Con tàu tiếp tục hứng đạn của Tàu Cộng nhưng tàu đã trườn lên, ôm ghì được
núm cát san hô của Tổ quốc Việt Nam, không bao giờ chìm. Con tàu không chìm
cùng những người lính sống sót trên tàu đã giữ vững được núm cát nhỏ nhoi mà
thiêng liêng Cô Lin và những người lính quả cảm trên đảo Cô Lin còn đưa xuồng
ra biển vớt những người lính bị thương từ tàu HQ 604, từ Gạc Ma đang trôi dạt
trên biển.
Tàu HQ 605 giữ núm cát Len Đao cũng bị quân Tàu Cộng bắn cháy
và chìm rạng sáng 15 tháng ba. Nhưng dường như Tàu Cộng chỉ tập trung đánh chiếm
Gạc Ma nên không đổ quân lên Cô Lin và Len Đao.
Giặc Tàu Cộng tràn lên cướp đảo. Những người lính Việt Nam giữ
đảo có mấy khẩu súng cá nhận trong tay mà không được bắn, họ chỉ còn cách lấy sức
người giành giật lá cờ chủ quyền với giặc rồi giơ ngực hứng đạn của giặc, nhận
lấy cái chết tan xác, bỏ lại đảo cho giặc làm chủ. Quân chết, đảo mất vì cái lệnh
không cho người lính giữ đảo nổ súng vào kẻ xâm lược cướp đảo.
Ngày nay người dân nói tiếng nói của lịch sử Việt Nam, nói tiếng
nói của trái tim Việt Nam yêu nước: “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”, người
dân biểu tình lên án Tàu Cộng xâm lược, người dân tập hợp tưởng niệm, ghi ơn những
người lính đã chết trong cuộc chiến đấu giữ Gac Ma, bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa
đều bị công an nhà nước cộng sản Việt Nam bắt bớ, tù đày, bị ngăn cản, phá đám,
bị công an chặn cửa không cho ra khỏi nhà!
No comments:
Post a Comment