Vũ Thạch
Vào khoảng thời gian này 40 năm trước, phải công nhận rằng đại
đa số cán bộ, đảng viên CSVN trung và cao cấp đều khá lý tưởng và tin rằng mình
đang "cứu nước". Ý đồ dùng máu người Việt để "đánh cho Liên Xô,
đánh cho Trung Quốc" được giữ kín trong đầu của chỉ khoảng 10 người chung
quanh các ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh. Từ căn bản lý tưởng đó, hầu
hết cán bộ đều sống trong sạch, sống
trong nghèo nàn, đói khát như dân.
Nhưng ngày 30/4/1975 có thể nói đã đánh dấu lằn mức khởi đầu
của cuộc chạy đua "kiếm ăn" của toàn bộ guồng máy cán bộ đảng. Họ bắt
đầu giành nhau từng căn hộ lớn của các gia đình miền Nam bỏ chạy ra nước ngoài
hoặc bị đẩy đi vùng Kinh tế mới. Có những cán bộ phường, quận tranh cãi kịch liệt
để giành nhau từng chiếc tivi, tủ lạnh trong các nhà bỏ trống. Sau chừng một
năm, khi các món lặt vặt đó đã cạn, cán bộ địa phương bắt đầu nhìn và học cách
lừa đảo, cướp trắng tài sản của dân từ Trung ương, qua các thủ thuật đổi tiền,
đánh "tư sản mại bản", rồi
đánh luôn "tư sản dân tộc", rồi "xây, xóa,
chuyển tiểu thương", ... Và chỉ vài năm sau, cán bộ nhiều tỉnh, thành đã
biết tự tổ chức bán "bãi vượt biên" kiếm vàng, lập các trại tù kín để
bắt những người vượt biên lén lút hoặc vượt biên từ các "bãi" khác để
lột cho hết vàng rồi thả về, khỏi báo cáo. Tay nghề của cán bộ lúc đó đã tiến
khá xa nhưng nhìn chung họ vẫn còn tự xem tham nhũng là chuyện xấu, phải làm
lén lút, phải giấu giếm Trung ương. Và ít là tại thời điểm bắt đầu chính sách
"Mở cửa" năm 1986 vì Liên Xô cắt hết viện trợ, lãnh đạo đảng CSVN vẫn
còn xem tham nhũng là quốc nạn.
Nhưng từ điểm đó đến nay, tham nhũng đã tiến từ quốc nạn lên
quốc sách. Nghĩa là hiện nay tham nhũng đang được chủ động xử dụng để duy trì
guồng máy vận hành và bảo vệ chế độ, duy trì sự trung thành của toàn bộ hàng
ngũ cán bộ đang nắm quyền. Sau 4 thập niên với mấy chục chiến dịch toàn quốc chống
tham nhũng, hàng ngàn các ủy ban bài trừ tham nhũng ở mọi cấp, hàng trăm lời thề
độc "nếu không diệt được tham nhũng thì từ chức" của các quan chức ở
thượng đỉnh, nay lãnh đạo đảng không những hoàn toàn chịu thua mà còn chuyển
qua khâu vận động cả nước chấp nhận tham nhũng như một phần của cuộc sống. Lời
hứa không đánh chuột nữa vì chuột đang nằm cả trong bình quí đã được chính Tổng
Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố và được các cán bộ tuyên giáo lập lại trên cả
nước.
Tại sao lại như thế khi giới lãnh đạo đều biết và đã cảnh báo
tham nhũng đang làm nguy hại đến khả năng lãnh đạo của đảng?
·
Lý do thứ nhất rất đơn giản: Vì những người được chỉ thị đi diệt tham
nhũng ngày nay đều có khối tài sản lớn hơn nhiều những kẻ mà họ có trách nhiệm
điều tra hay trừng phạt. Càng mở thêm các chiến dịch phòng chống tham nhũng họ
càng giàu nhanh nhờ các món quà chạy án.
·
Lý do thứ nhì cũng đơn giản không kém: Vì các quan chức ở thượng đỉnh,
những người có thẩm quyền đề xuất các chiến dịch phòng chống tham nhũng, đều biết
"chúng ta cùng giàu như nhau cả". Cấp bậc càng cao mức giàu càng vĩ đại
vì mạng lưới đàn em bên dưới "cư xử đúng phép tắc" càng rộng. Và khi
đã như thế, ai lại nỡ tước đoạt chính mình, vợ mình, con mình?
·
Lý do thứ ba: Vì tham nhũng đã tràn ngập như nước lụt và quá hiển nhiên
trước mắt mọi người hàng ngày. Làm sao giải thích được những quan chức đã và
đang "cống hiến mọi thời giờ, năng lực và cả cuộc đời cho cách mạng"
và chỉ dùng những giây phút hiếm hoi còn lại cuối ngày đã đủ để quấy lên những
núi tài sản ở cấp hàng tỉ mỹ kim? Hiện tượng thiên tài đó lại không hiếm, từ
các cố quan chức như Phạm Quý Ngọ, Nguyễn Hữu Thắng, ...; đến các cựu quan chức
như Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, ...; đến các quan chức đương thời như Nguyễn Tấn
Dũng, Phùng Quang Thanh, Nguyễn Xuân Phúc, v.v...
·
Lý do thứ tư cũng hiển nhiên không kém: Vì tất cả mọi người, từ lãnh đạo
đến các cán bộ trong đảng và những đối tượng đang phấn đấu vào đảng đều biết hiện
nay chỉ còn một qui luật vận hành duy nhất trong cả guồng máy, bất kể ở ban
ngành nào. Đó là, cấp trên ghi tâm: "Phải cho ăn mới nuôi được sự trung
thành"; và cấp dưới vững tin:
"Cứ trung thành là còn có ăn". Qui luật trên hiển nhiên đến độ nó được
viết ra công khai trong bài bản huấn luyện tư tưởng cho đảng viên và được dùng
để thu hút đảng viên mới, dưới tiêu đề "Chỉ biết còn đảng còn mình".
Tuy nhiên, quốc sách tận dụng tham nhũng này vẫn chưa phải là
giải pháp hữu hiệu cho lãnh đạo đảng vì 2 khó khăn sau đây:
Hệ thống cán bộ ngày càng phình lớn quá nhanh. Mỗi ghế mới được
đẻ ra, từ địa phương đến trung ương, đều lập tức trở thành món hàng bán được
giá, và giá ngày càng cao. Từng cán bộ đã bỏ tiền mua ghế, do đó, phải kiếm ăn
ngay để lấy lại vốn và sinh lời, kể cả việc đẻ thêm các ghế mới bên dưới mình để
bán. Áp suất kiếm ăn của mỗi cán bộ mới lên nắm quyền càng nặng nề, thúc bách
khi đương sự biết cái ghế mình đang ngồi, dù được mua với giá đắt, vẫn có thể mất
vì người bán trở mặt, vì có người khác cũng muốn chen vào và đang trả giá cao
hơn, hoặc vì ô dù lớn hơn ở phía trên bị thay thế. Tóm tắt là số miệng đòi ăn
trong hệ thống cán bộ đang gia tăng liên tục theo cấp số nhân.
Cùng lúc đó các nguồn "lương thực" đang cạn dần. Hầu
hết các viện trợ quốc tế, các khoản cho vay của các ngân hàng phát triển để xây
những dự án lớn đều đã biến mất, vì tình trạng rút ruột công trình quá trầm trọng
trong lúc thi công và tình trạng bỏ mặc công trình hư hại sau khi xây xong. Các
hãng xưởng quốc tế cũng rút hầu hết các ý định đầu tư ra khỏi Việt Nam (và
Trung Quốc) để chuyển qua Thái Lan, Indonesia vì hệ thống luật pháp tại đó bảo
đảm hơn, cũng như các chi phí "bôi trơn" thấp hơn nhiều. Hiện nay
cũng không còn hiện tượng các tập đoàn kinh tế và tổng công ty dưới quyền Thủ
tướng Nguyền Tấn Dũng tha hồ xài tiền vay quốc tế mua hàng phế thải rồi chia
nhau "khoản lời". Các vụ mua sắm tàu ngầm, hỏa tiễn cũ với giá hàng mới
cũng không còn ngân quĩ để tiếp tục. Những nỗ lực hốt tiền lẻ như các lệ phí mới
tại trường học, tại nhà thương, tại công sở, đặc biệt các trò "đẻ luật tại
chỗ" để đòi tiền của CSGT, ... dù gia tăng nhiều nhưng vẫn không đủ ở cấp
hệ thống để chia chác.
Chính tình trạng "cám ít, lợn nhiều" đó đã dẫn đến
hiện tượng nở rộ các sáng kiến kiếm ăn mới ngày càng táo bạo: Các đường dây dẫn
người, bán người, cho thuê nô lệ Việt tại nước ngoài đang lan từ Đông Á, Đông
Nam Á, sang các nước Trung Đông, Đông Âu, Tây Âu, và đến tận Phi Châu; Tài
nguyên quốc gia từ dầu hỏa đến than đá đến
cát trắng đến cao su được bán gấp với giá càng lúc càng rẻ; Khắp nơi khởi công
xây cất các công trình vô lợi vô ích nhưng vô cùng mắc tiền: tượng đài vĩ đại
nơi này, tháp cao nhất thế giới nơi kia; Thành phố nào cũng lên kế hoạch
"chỉnh trang đô thị" với trọng tâm cắt hàng ngàn cây cổ thụ đem bán;
Tỉnh nào cũng nghiên cứu cách "bảo trì sông ngòi" với trọng tâm lấp bớt
lòng sông để bán mặt bằng cao cấp. Và nay đã bắt đầu ló dạng những đường dây cung
cấp nội tạng con người với giá phải chăng.
Nhưng có lẽ áp suất mạnh nhất đang thúc đẩy guồng máy cán bộ
kiếm ăn càng lúc càng man dại là điều mà chính họ đã nhận ra rất rõ: không một
chế độ nào với tầm vóc và tốc độ nạo khoét quốc gia như hiện nay có thể tồn tại
được. Sụp đổ là hậu quả chắc chắn, chỉ không biết ngày nào thôi. Chính vì vậy
mà họ càng phải ăn gấp rút hơn nữa và càng phải chuyển tài sản nhanh chóng hơn
nữa ra khỏi Việt Nam. Dịch xâu xé đất nước đã lên tới mức gần như điên loạn,
không khác gì bầy cá mập xông vào một con mồi đang tuôn máu.
Còn ai thấy 40 năm vẫn chưa đủ?
Vũ Thạch
DienDanCTM
No comments:
Post a Comment