08 March 2015

TÔI CÓ HAI ƯỚC MƠ

Tôi có hai ước mơ

Nguyễn Trung Chính
Tháng ba 2015

   Đầu năm nay, báo chí vô tình tiết lộ hình ảnh phòng khách vua chúa của  TBT Nông Đức Mạnh để sau đó Tuyên giáo phải ra lệnh báo chí gỡ ảnh xuống nhằm bảo vệ sự trong sáng của Đảng.
Ông Nông Đức Mạnh là cha đẻ của phong trào buộc đảng viên "Học tập làm theo gương Bác cần kiệm, lìêm chính, chí công, vô tư".
Tưởng rằng, chỉ một  Ủy viên Trung ương, Bí Thư đảng Ùy Thừa Thiên Huế Hồ Xuân Mãn, người được chứng nhận xuất sắc học tập "Làm theo gương Bác", bị nhóm cựu chiến binh Phong Điền, Huế tố cáo khai man lý lịch, nay lại lòi ra việc ông Nông Đức Mạnh "cần kiệm, lìêm chính, chí công, vô tư" theo kiểu phòng khách vua chúa vừa bị đám đàn em vô tình phanh phui.


   
    Trước đó hơn một tuần, ngày 10/02, hai tàu cá của ngư dân Bình Định đánh bắt trong vùng biển Hoàng Sa đã bị tàu Trung Quốc rượt chạy đâm vào đá ngầm và chìm, ngư dân chơi vơi trên thuyền thúng suốt đêm nhưng tàu Trung Quốc không thèm cứu hộ. Đến sáng 11, tàu cứu hộ Việt Nam ra đến nơi liền bị tàu chiến, kiểm ngư cùng máy bay Trung Quốc quần thảo ngăn chặn, đe dọa. May mà lực lượng cứu hộ đã liều mạng mới cứu được 11 ngư dân đưa vào đất liền bình an, nhưng ngư dân đã mất hết tài sản.

(ĐSPL) – Cả 2 thuyền trưởng tàu cá Bình Định đều khẳng định tàu đâm vào bãi đá ngầm rồi mắc cạn ở Hoàng Sa là do bị tàu lạ nước ngoài truy đuổi.

Tàu cá VN mắc cạn ở Hoàng Sa: Do bị “tàu lạ” truy đuổi - Ảnh 1


    Thế mà ngày hôm sau, 11/2, trong cuộc điện đàm với Tập Cận Bình, người lãnh đạo cao nhất của đảng lãnh đạo, ông Nguyễn Phú Trọng, quên hẳn những gì vừa xảy ra đối với ngư dân đánh cá ở Hoàng Sa, quên hẳn những gì đang xảy ra ở Trường Sa, chỉ dám lập lại lời người phát ngôn Bộ ngoại giao: "giải quyết thỏa đáng các vấn đề trên Biển Đông theo tinh thần các thỏa thuận đã đạt được và phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế ".
Người ta tự hỏi  tinh thần các thỏa thuận đã đạt được có cho phép Trung Quốc cấm ngư dân đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa của mình, hoặc cho phép Trung Quốc ngang nhiên xây dựng trên các đảo Trường Sa của Việt Nam hay không mà ông Nguyễn Phú Trọng lại lờ đi, không dám thốt lời phản đối trực diện khi được phép điện thoại với họ Tập.
Cùng với tất cả những tệ nạn đã và đang xảy ra cho xã hội, chúng ta khẳng định lại, không sai lầm, về chân dung của cái đảng cộng sản đang áp đặt chế độ độc tài toàn trị cho 90 triệu người dân Việt Nam hiện nay. Đó là: trong thì dối trá với dân, ngoài thì hèn hạ trước Trung Quốc để mong chủ nghĩa xã hội Mác-Lê ở Việt Nam đứng vững  nhằm tiếp tục vơ vét không chừa một thứ gì cho dân.
Chân dung này đã được các phương tiện truyền thông, ngoài vòng kiềm tỏa của đảng, nói đến quá nhiều nhưng vẫn cứ phải luôn nhắc lại để cho từng lớp đảng viên nhìn thấy mà tự xấu hổ, mà tự chuyển hóa.

Đứng trước hòn đá tảng đang ngăn bước tiến dân tộc.

Khác với 40 năm trước kia, đảng cộng sản hôm nay đang bị phân hóa ngày càng công khai. Đứng trước sự phân hóa này, những người không chấp nhận tình trạng độc tài độc đảng, đã làm cho đất nước cứ như câu người ta hay mỉa mai "Con cò lặn lội bên bờ đại dương", có một số thái độ khác nhau:

-         Sự phân hóa chỉ là cuội .
-         Sự phân hóa có thể dựng lên một nhân vật độc nhất thu tóm hết quyền lực để sau đó làm tay sai gọn cho Tàu.
-         Sự phân hóa là một thực tế. Làm sao  tác động lên thực tế này theo chiều tốt đẹp cho đất nước.

Trước khi tiếp tục bài viết, người viết muốn bộc bạch suy tư riêng của mình, những ai thấy xốn tai thì xin lỗi trước:  Đảng bất luận tên gì, chủ nghĩa gì, hay bất cứ cá nhân nào mang được phúc lợi cho đất nước và dân tộc đều đáng được hưởng ứng .
Thời cả nước đứng lên chống thực dân, Đảng cộng sản, sau năm 1951 trá hình thành đảng Lao Động, đã có công chỉ huy cuộc kháng chiến cho đến năm 1954, nhưng sau khi lấy lại tên là đảng Cộng sản đã gây quá nhiều tội ác để ngày nay chỉ còn là một tập đoàn cha con nối đuôi nhau thống trị và tham nhũng.
Trước tình trạng một đảng như thế, vì quyền lợi đất nước và dân tộc, hoặc phải dẹp nó đi, nếu có sức Phù đổng gạt tất cả xuống đất ngay tức khắc, vì càng dây dưa thì dân tộc chỉ có thiệt.
Hoặc nếu không có sức Phù Đổng, thì có một cách làm khác như một bộ phận không nhỏ đảng viên, trí thức trong nước đang làm hiện nay, nhằm thúc đẩy cái đảng này cải tà quy chính để đi vào con đường ích nước lợi dân.
 Nếu cho rằng ước muốn này là cuội, là cò mồi thì đó là một đức tin, không có gì phải bàn đến, nhưng nếu cho rằng đây là ảo tưởng thì đó là điều nên tránh vì đến nay, chưa ai thành công để có bài học chung cho mọi người. 
Nếu các đảng viên, trí thức trong nước thành công trong việc thúc đẩy như thế thì dựa trên tinh thần phúc lành của Chúa, của Phật, của quyền lợi của đất nước, tôi nghĩ rằng rất đáng hỗ trợ. Con người không phải là vật vô tri, cái ác cái thiện luôn đan kẽ nhau, khả năng cảm hóa là đức tính của con người và đó là khoa học, chúng ta không thể phủ nhận.

Tư tưởng và tư duy chính trị


Xã hội nào cũng có hai loại người:

1  -  Những người cũng ít nhiều biết đến điều hay lẽ phải, nhưng chỉ lo thu vén cho mình, cho gia đình mình, không làm hại ai, luôn luôn cam chịu, an phận, cùng lắm chỉ than trời đất, thần thánh. Người ta gọi họ là đa số thầm lặng, và quả thật họ đa số. Ở những nước độc tài như Việt Nam, dù có muốn họ cũng không thể phát biểu ý kiến của mình, trái với những nước văn minh dân chủ, loại người này có lá phiếu để biểu đạt ý muốn của mình. Lá phiếu đa số chưa chắc đã là đúng nhưng lại có nhiều trọng lượng, buộc các đảng tranh quyền phải đáp ứng nguyện vọng của họ, nếu muốn cầm quyền.
2 -  Những người hiểu biết hơn, có suy nghĩ cao hơn, không chấp nhận bất bình đẳng, độc tài, và nhất là sẵn sàng hy sinh quyền lợi riêng để đấu tranh vì quyền lợi chung. Ở những nước độc tài như Việt Nam, họ thường chịu nhiều thiệt hại cá nhân để giữ sự khẳng khái của mình. Đây là những người đầu tàu đưa xã hội tiến lên. Họ là sỹ phu, họ xứng đáng được kính trọng.

Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, chúng ta đang trông cậy vào loại người thứ hai này, họ đang tạo thời cơ, và khi thời cơ đã đến, chính họ là những người huy động tất cả đa số thầm lặng đứng lên cùng họ đánh đổ độc tài, thiết lập tự do dân chủ như tất cả các xã hội văn minh, giàu có khác.
Quan niệm chung hiện nay ở các nước dân chủ là quan niệm win-win, hai bên đều thắng, trái với quan niệm cá lớn nuốt cá bé đã lỗi thời vì nó là mầm móng của tất cả sự bất ổn.
Ông Khrouchtchev là cha đẻ của " Sống chung hòa bình", đề nghị tại đại hội lần thứ 20 của đảng cộng sản Liên Xô ngày 14 tháng hai 1956, khi thấy rằng không thể áp đặt xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới bằng vũ lực. Không đợi đến thời Gorbachev, có thể nói sự sụp đổ của Cộng sản bắt đầu từ đây. Nó sụp đổ vì qua "Sống chung hòa bình", nó tự phơi bày ra bộ mặt mất nhân bản của chính nó.

 

Đến một lúc nào đó, khi không ai nuốt được  đối phương dễ dàng thì thương lượng, nhượng bộ là điều tất yếu:

 Mỹ và Bắc Việt cuối cùng rồi cũng kéo nhau ra thủ đô ánh sáng để ký hiệp định Paris . Đàng cộng sản Việt Nam không thể dẹp mạng truyền thông xã hội rồi cuối cùng ông Nguyễn Tấn Dũng phải tuyên bố phải chung sống với nó.


Kiên định tư tưởng chứng tỏ mình không bị lay động, vẫn trung thành với tư tưởng của mình. Về phương diện cá nhân thì sự trung kiên này đáng trân trọng, nhưng khi nhìn về lợi ích toàn xã hội thì sự kiên định lập trường của cá nhân đôi khi rất tác hại. Chỉ cần nhìn các đảng viên cộng sản bịt mắt che tai, bảo vệ đảng đến cùng vì kiên định lập trường bất chấp tác hại của nó trên toàn dân tộc cũng đáng để chúng ta suy nghĩ.
Về chính trị, nếu chỉ kiên định thì không biết nắm thời cơ để chủ động, nên cứ bị động. Trong thời gian qua, những kiến nghị 72, Thư ngỏ 61, là những sáng kiến chủ động, khiến chính quyền lúng túng đối phó, trong khi lấy chữ ký vận động cho Ba Sàm, Bọ Lập là việc làm cần thiết nhưng ở thế bị động.  

Trở lại sự phân hóa trong đảng cộng sản.

Hiện nay giữa những anh em đấu tranh chống độc tài, chống lại đường lối Mác Lê mà tôi quen biết có vài luồng suy nghĩ:

1 - Phải hình thành đảng đối lập, hoặc phong trào đối lập với đảng cầm quyền để chiến tuyến rõ ràng có lợi cho việc tranh đấu.
2 - Không được tin gì vào những hứa hẹn của những người lãnh đạo cộng sản hiện nay và phải dứt khoát như thế.
3 – Trong tình trạng hiện nay, không tin được ai cả, nhưng có mặt nào tiến bộ hợp với đòi hỏi xóa bỏ độc tài độc đảng thì nên góp tay đẩy tới.

Về suy nghĩ 1 và 2, tôi không theo nhưng không bài bác, vì :

Lý do thứ nhất đã nói ở trên là chưa ai thành công trong đấu tranh xóa bỏ độc tài nên cần thận trọng, không thể đưa kết luận đúng sai về một con đường nào cả (trừ bạo động và bất bạo động là một vấn đề khác).

Lý do thứ hai là nếu có chiến tuyến thì không bao giờ có chiến tuyến cố định vì đánh nhau cho lắm cuối cùng cũng lôi nhau ra ký hiệp định Paris năm 1973 như đã nói ở trên.

Lý do thứ ba là tôi tin vào con người.
Phải chấp nhận rằng con người có khả năng làm điều ác cũng như điều thiện và có khả năng hóa thiện. Con vật như Trư Bát Giới còn theo được Tam Tạng đi thỉnh kinh huống gì con người. Và chúng ta đã có chứng cứ: một số người cộng sản đã từ bỏ đảng, một số cán bộ cao cấp quân đội yêu cầu từ bỏ đường lối Mác-Lê, quân đội bảo vệ đất nước chứ không bảo vệ đảng phái, chúng ta có cụ Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, vừa được 100 tuổi, người kiên trì phê phán thẳng thừng đường lối phá dân hại nước của đảng cộng sản. Đọc hồi ký Đèn Cù Trần Đĩnh, chúng ta thấy bao nhiêu người cộng sản kiên cường bất khuất phản kháng đảng. Trường hợp gần nhất là chúng ta có Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, một người được ngành công an đào tạo chính quy, bài bản, đã thay đổi quan điểm và đang bị bắt từ gần tám tháng nay…

Vì thế tôi chọn suy nghĩ thứ 3 và xin nói thêm lý do :

Đầu năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc thông điệp đầu năm được một số người đánh giá tốt. Lúc đó tôi đã viết bài "Xin Thủ Tướng cho tôi tin một lần" có nghĩa là tôi không tin nhưng vẫn để cửa mở. Sau đó một tháng, sau khi tìm hiểu tôi lại viết bài "Thưa Thủ Tướng, tôi không bán cái" có nghĩa là ông nói thì chờ ông làm,  tôi vẫn tiếp tục đấu tranh. Hai bài này đã đăng trên trang mạng Bauxite Việt Nam và Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự (hiện đổi tên thành Dân Quyền).
Năm 2015, ông không đọc thông điệp nữa (?), nhưng từ khi Trung Quốc kéo dàn khoan HD981 vào vùng biển Việt Nam, ông là lãnh đạo duy nhất có những tuyên bố dứt khoát, nêu tên Trung Quốc và được nhiều người đón nhận hơn nữa, trong khi ông Nguyễn Phú Trọng lập bập mở miệng mắc quai, ông Trương Tấn Sang kiểu "đàn kêu tích tịch tình tang",  ông Nguyễn Sinh Hùng, còn tệ hại hơn nữa, ngăn chặn quốc hội ra thông điệp phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền.
Từ đây, sự phân hóa trong đảng ngày càng hiện rõ, không thể nói giữa đảng và chính phủ có sự thống nhất tư tưởng, không phe nào có thể diệt phe nào lập tức như đã xảy ra thời Trần Xuân Bách.

Thử hình dung một tình huống, nếu ông Dũng thật tâm thiết lập thể chế dân chủ: Ngày mai ông Dũng tuyên bố từ bỏ chủ nghĩa độc tài độc đảng, thiết lập dân chủ, thả những người bị giam giữ vì bất đồng chính kiến, cắt cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn bám theo kinh tế thị trường…  Trong trường hợp đó, hoặc ông Dũng bị phe quân đội, công an mà Hiến Pháp buộc phải bảo vệ đảng, cùng Nguyễn Phú Trọng đảo chánh ngay ông Dũng, hoặc ông Dũng thắng. Giả thuyết ông Dũng thắng khó mà xảy ra vì quyền lực chưa tập trung vào tay ông Dũng.
Ai cũng hiểu rằng một người làm chính trị, chưa thâu tóm được quyền lực trong tay không thể làm như Tổng thống Thein Sein ở Miến điện được. Vì thế mà trong một thời gian, phe ủng hộ Thủ tướng đã có nhiều bài viết phân tích tại sao ý muốn đổi mới của  cố Thủ tướng Võ văn Kiệt thất bại, thậm chí họ còn phê phán rằng bộ tham mưu của Võ Văn Kiệt không biết làm chính trị, đưa đầu ra nhanh quá cho cá sấu nó quặp.
Ông Dũng có thật tâm khi tuyên bố tại Viện Koerber (Berlin, CHLB Đức) ngày 15/10/2014 rằng "Chúng tôi tin rằng nhân quyền, tự do, dân chủ là xu hướng không thể đảo ngược và là đòi hỏi khách quan của xã hội loài người." thì chỉ có ông Dũng mới biết. Dù sao tất cả mọi người cũng sẽ biết sau đại hội đảng CS XII vào đầu năm 2016, nghĩa là còn một năm nữa thôi. Dối hay thật rồi sẽ được phơi bày ra hết.
Có người nói rằng, khi ông Dũng nắm hết quyền lực sẽ rất nguy hiểm vì Tàu chỉ cần nắm thóp một người, thay vì nhiều người như hiện nay. Điều này cũng có khả năng xảy ra, nhưng khi đó cuộc đấu tranh của chúng ta cũng dễ hơn vì đối thủ chúng ta chỉ là một người thay vì nhiều người, nhất là người đó lại lộ ra tất cả gian dối khi tuyên bố mạnh mẽ không để nhà tôi là nhà Trung Quốc, biển tôi thành ao nhà Trung Quốc .  
Cũng có người cho rằng cứ để cho ông Dũng "đi tới", đừng kiến nghị, tuyên bố có thể chèn chân ông, tạo cớ cho thế lực bảo thủ đàn áp.
Nói như thế là quá chắc ông Dũng là "Phe ta",  tức là phe đòi bỏ chủ nghĩa Mác-Lê, đòi thiết lập tự do dân chủ, đòi cắt cái đuôi "định hướng xã hội chủ nghĩa" đã làm cho đất nước cứ tụt hậu về kinh tế ? Ai bảo đảm điều này?

Tôi có hai ước mơ  


- Một thế chủ động hiện nay có thể làm được là các đảng viên "Phe ta" có thể định hình bằng một tuyên bố công khai những gì mình ước mong cho một đảng chân chính, cho đất nước và tuyên bố quyết tâm đấu tranh để thực hiện nó, nếu vì thế mà bị khai trừ khỏi đảng cũng cương quyết chấp nhận vì tiền đồ của dân tộc.
Trước thềm đại hội 12 là lúc phải phân rõ trắng đen, phân rõ anh vào   đảng chỉ là để trục lợi hay anh vào đảng với lý tưởng vì dân vì nước trong khi cái đảng hiện nay nó chỉ vì nó và vì 4 tốt, 16 chữ vàng. Thời cơ chỉ còn đúng một năm.
Trong bài "ĐẢNG TA, NHÂN DÂN TA, ĐỒNG CHÍ TA" đăng trên một số trang mạng, ông BÙI MINH QUỐC đã chọn lọc rõ ràng ai là Ta ai là .
Nếu sau đại hội 12, đảng vẫn tiếp tục Mác-Lê thi ít nhất tuyên bố trên cũng là cơ sở để, nếu cần, thì ta có đảng ta, phong trào ta để tiếp tục đấu tranh với đảng nó. Huy động công khai nhân dân ta đấu tranh với đảng viên trục lợi, theo Tàu khựa ở cái đảng chúng nó.

- Ước mong thứ hai là tầng lớp trí thức ngoài đảng, hoặc đã ra khỏi đảng, trong nước cũng như hải ngoại, nhận diện rõ ai là đồng minh, cùng đi chung một đoạn đường, để ủng hộ, hỗ trợ những đảng viên đang đấu tranh cho một bước thắng lợi mới, trong khi vẫn tiếp tục phương cách đấu tranh riêng của mình, giống như chúng ta từng hỗ trợ cuộc đấu tranh ở Hồng Kông, Miến Điện, Trung Quốc…

Chưa bao giờ đảng cộng sản bị phân hóa giữa hai đường lối thân Tàu nhiều và  thân Tàu ít như hiện nay. Đã trở thành công khai và hai phe đang tiếp tục giữ miếng, phòng thủ, đặt quân cờ. Không ai biết trước những biến động nào có thể xảy ra.
Đây là lúc chúng ta cần chủ động hơn, khẳng định thái độ rõ hơn, mạnh hơn, chất lượng hơn trong cuộc tranh đấu chống độc tài, loại bỏ chủ nghĩa giáo điều Mác- Lê, cùng toàn dân bảo vệ đất nước. Nếu chúng ta không có những hành động dứt khoát thì sẽ như thường lệ, đảng nó sẽ thương lượng, dàn xếp với nhau trên đầu trên cổ người dân.
Nếu không có đủ đức tin, rộng lượng để hổ trợ những tiếng nói đang nổi lên đây đó gần với tư duy của chúng ta thì  hãy giúp đảng nó đi đến tột cùng của sự phân hóa.


NTC

No comments:

Post a Comment