31 August 2021

Vụ khởi kiện tranh chấp lao động, phần thua thuộc về Nguyễn Trung Sơn HT trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ Thuật Thương mại

 

Hình ảnh Nguyễn Trung Sơn ngồi im như thóc khi bị chất vấn về việc làm vô pháp

Kết thúc vụ khởi kiện tranh chấp lao động kéo dài gần 4 năm (Cụ thể là tôi khởi kiện về hành vi vô pháp vô luân của ông Nguyễn Trung Sơn mang danh tiến sĩ Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại về việc tôi bị cắt toàn bộ chế độ trước khi nghi hưu) vào lúc 15h 50ph 27 giây chiều hôm qua 13/5/2021. Phần thua thuộc về ông Sơn người sử dụng lao động đại diện của trường được đảng cử.

 Bởi trong quá trình khởi kiện nhà trường đã phải đóng toàn bộ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm ý tế cho tôi mà nhiều năm không đóng và phải trả sổ BHXH cho tôi để làm sổ hưu, phải bồi thường khoản tiền trợ cấp thất nghiệp do ông Sơn cố tình không trả sổ bảo hiểm cho tôi dẫn đến thời gian quá han theo quy định của pháp luật nên trung tâm hỗ trợ việc làm không thanh toán.

Khoản tiền bồi thường này được nhà trường gọi lái đi là khoản "trợ cấp gia cảnh đặc biệt khó khăn" cho tôi. Nghe rất "nhân văn"! Anh dùng quyền hành để làm một việc vô pháp vô luân, giết người không gươm không dao, tôi yêu cầu anh trả lời, anh nói không trả lời, không làm việc với tôi, cho bảo vệ ngăn cản không cho tôi vào trường đòi hỏi quyền lợi của mình mà khi ra tòa lúc nào anh cũng nói là "nhà trường đối xử với tôi rất nhân văn!" thì anh thuộc loại gì? Khi cam kết thỏa thuận anh phải trả khoản tiền trợ cấp thất nghiệp anh muốn tôi phải ký nhận không khiếu kiện nhà trường nữa, nếu anh làm đúng thì việc gì anh muốn tôi phải cam kết như vậy? Có phải anh đang sợ rất nhiều việc anh làm sai và đặc biệt là cái dự án 100 tỷ đang xây nhà cao tầng ở khu nội trú vắng bóng HS-SV nhiều năm nay mà cuối nhiệm kỳ vừa rồi được bộ Công Thương ưu ái đang làm, khiến người dân quanh khu vực trường bức xúc và đặt câu hỏi mục đích của dự án này là gì? Nếu anh Tổng Trọng anh ấy quan tâm thì không khéo lại vào lò cả nút.

Chuyện viết thì dài và có nhiều mặt, nhiều vấn đề liên quan đến xã hội lắm, có điều kiện tôi sẽ chi tiết hơn. Ở đây tôi chỉ xin viết vài dòng để thông tin cho anh em bạn bè nhiều năm nay quan tâm đến cái vụ kiện của tôi. Nếu một XH mà cái nồi không phải sinh ra sâu, một XH thượng tôn pháp luật thì có lẽ tôi chưa dừng vụ kiện cho đến khi phần thắng tuyệt đối thuộc về tôi và Nguyễn Trung Sơn phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Dưới đây là hình ảnh Nguyễn Trung Sơn khi tôi đến hỏi về việc giải quyết đơn khiếu nại (kiến nghi) về việc bị cắt toàn bộ chế độ, Sơn chỉ nói không trả lời và không làm việc với tôi, rồi ngồi im như thóc và sau đó bỏ ra khỏi phòng.



Nguồn : https://www.facebook.com/manhhung.vu.566790/posts/1744456815760885

12 March 2021

Lời biện hộ cho các bị cáo

 

Luân Lê

LỜI BIỆN HỘ CHO CÁC BỊ CÁO

(Phiên tòa sơ thẩm từ ngày 7-14/9/2020)

Tôi, luật sư Lê Văn Luân, bào chữa cho 6 bị cáo: Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Uy, Nguyễn Thị Lụa, Bùi Thị Đục (tội giết người) và Nguyễn Thị Dung (tội Chống người thi hành công vụ). Tại phiên tòa sơ thẩm chỉ còn 02 bị cáo bị truy tố tội giết người, 4 bị còn lại được chuyển và giữ tội chống người thi hành công vụ.

Kính thưa Hội đồng xét xử cùng toàn thể những người có mặt tại phiên tòa!

Lời đầu tiên, tôi xin được gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân trong vụ án này. Và cùng với sự chia sẻ nỗi cảm thông ấy, chúng ta ở đây có một nhiệm vụ quan trọng không kém, đó là làm cho sáng tỏ những sự thật thực sự của nó.

Và thật cảm kích, tôi rất cảm ơn các vị đại diện viện kiểm sát đã chuyển tội danh đối với 19 bị cáo, từ tội Giết người sang Chống người thi hành công vụ, bởi chính vì điều này, cho thấy, ý chí và nhận thức thực sự của các bị cáo trong vụ án này là không nhằm mục đích giết người ngay từ đầu, mà nếu có, như đúng đánh giá của các vị đại diện viện kiểm sát khi đã nhận định rằng, hầu hết các bị cáo chống trả là với mục đích chống người thi hành công vụ.

Tuy nhiên, quay trở về vấn đề công vụ. Đây là một cơ sở bắt buộc để truy tố tội Chống người thi hành công vụ theo Điều 330 BLHS. Và điều luật này quy định, công vụ phải là hợp pháp. Trong khi đó, hồ sơ vụ án đã nêu rõ Kế hoạch số 419a/KH-PV01-PV02-MP do Công an Hà Nội lên phương án và Bộ Công an phê duyệt. Và tài liệu này là một văn bản đặc biệt quan trọng để xác định đúng đắn công vụ là gì. Mặc dù vậy, vị đại diện Công an Hà Nội xuất hiện tại phiên toà với vai trò người tham gia tố tụng khác lại đã không được xét hỏi và bị coi là đơn vị được mời tham dự phiên toà. Và hẳn nhiên, Kế hoạch số 419a này sẽ được lưu trong hồ sơ của nhiều cấp, ngành khác nhau, nhưng tuyệt nhiên không có mặt trong hồ sơ vụ án. Tài liệu là văn bản trả lời về kế hoạch của Công an Hà Nội chỉ là một văn bản thế thân, nên không có giá trị để đánh giá so với bản Kế hoạch gốc chứa đựng nội dung của nó.

Vì trong vụ án này, buộc phải xem xét tính hợp pháp của công vụ vào rạng sáng ngày 9/1/2020, để từ đó có thể chứng minh được hành vi của các bị cáo là phạm tội theo Điều 330 hay không. Bản thân điều luật này quy định hai loại hành vi - hoặc ngăn chặn người thực thi công vụ; hoặc ép buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật. Vì hai loại hành vi cấu thành có tính đối lập này mà tính hợp pháp của công vụ chính là điểm xuất phát cơ bản và nghiêm khắc nhất cho việc cáo buộc các bị cáo là đúng đắn hay sai lầm.

Về tính chính đáng của hành vi của các bị cáo

Vì lý do công vụ phải hợp pháp, nên nếu không đảm bảo, dẫn tới sự chính đáng của hành vi đối với các bị cáo, bởi, một người thực thi công vụ thực thi trái pháp luật, đương nhiên làm phát sinh tính phòng vệ chính đáng từ người bị tác động bởi hành vi được cho là công vụ đó. Và như vậy, tính chính đáng này cho ta đưa tới một vấn đề pháp lý quan trọng khác, nếu có, tội giết người được thành lập với những (6) bị cáo còn lại được nhìn nhận dưới góc độ vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Điều đó đồng nghĩa với một tội danh khác sẽ được áp dụng lên các bị cáo.

Về mục đích để xác định tính chính đáng của các hành vi

Các bị cáo khai nhận rằng, bao gồm ông Hiểu, Doanh, Uy, Chức và Công, đều cho biết họ tập trung tại nhà ông Kình là để bảo vệ ông Kình trước sự tấn công hoặc truy ép từ những người khác mà họ chưa thực sự được biết là ai. Hơn nữa, lý do bảo vệ ông Kình là một sự hợp lý khi dẫn chiếu vào 3 vấn đề cơ sở trực tiếp sau đây:

(i) ông Kình từng bị đánh gãy chân và bị bắt cóc vào năm 2017 trên đường ra cánh đồng Sênh và đã tố giác nhưng không có kết quả gì, dẫn tới sự lo sợ cho ông Kình với tư cách là thân nhân là một lý do hết sức cụ thể và đúng đắn; và

(ii) nhà ông Hiểu trước đó bị ném mắm tôm và trứng thối vào nhà, ông đã báo cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết; đồng thời cách ngày xảy ra sự việc 2-3 ngày có nhiều kẻ lạ mặt xuất hiện ở đó; và

(iii) ông Công khai đã nhiều lần những người khiếu kiện đất đai, trong đó có ông, bị đe doạ, có cả trực tiếp và bằng tin nhắn, và trước khi xảy ra sự kiện vài ngày có người đã viết giấy nhắn rằng ông Kình sẽ bị bắt.

Các dữ kiện nêu trên đã khiến cho những người thân của ông Kình, gồm nhiều các bị cáo trong phiên toà, ở lại tối 8/1/2020 để bảo vệ ông Kình khỏi sự bị truy bắt nào đó, nếu có, như các thông tin được tiếp nhận.

Thêm vào đó, chính vì sự thiếu rõ ràng, không cụ thể và không thể xác định của Kế hoạch công vụ từ lực lượng chức năng; trong khi, cả thôn, vào giữa đêm lại bị cắt điện (gồm điện chiếu sáng và mạng internet), chính vì sự bị cô lập và bị đặt vào trạng thái phải phòng vệ trước một sự đe doạ rủi ro nào đó có thể đang đến gần, nên việc họ tập trung lại để bảo vệ ông Kình lại càng có cơ sở đúng đắn của nó. Và Kế hoạch được trả lời rằng là sự đảm bảo an ninh trật tự cho việc xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn là một thông tin không chính xác, khi tường rào Miếu Môn đã được xây xong cuối năm 2019, nơi xây cách thôn Hoành tới 2km. Do vậy, việc phải công bố Kế hoạch 419a càng trở nên tối cần thiết trong vụ án này.

Tính chính đáng của hành vi của các bị cáo còn được xem xét ở các góc độ sau:

Việc khiếu kiện đất đai tại Đồng Sênh kéo dài hàng chục năm, qua việc đấu tranh đã có nhiều cán bộ tham nhũng đã bị truy tố, đây chính là nguyên nhân để những người là bị cáo cố gắng giữ đất trước những sự tranh chấp mà còn chưa được giải quyết. Các bị cáo đã khai, đang nhờ luật sư để tiếp tục thực hiện việc khởi kiện, và vì việc thanh tra không phải là một thủ tục pháp lý có tính chung thẩm và có hiệu lực cuối cùng để giải quyết, mà phải thông qua toà án. Vì vậy, khi tranh chấp còn đang chưa được giải quyết bằng một quyết định có hiệu lực trên thực tế, các bên đều có quyền yêu cầu tạm đình chỉ mọi sự/hành vi tác động lên tài sản.

Các bị cáo, bị truy tố tội giết người, cần phải được xem xét lại, với các cơ sở dưới đây:

Vì việc chuyển tội danh của hầu hết các bị cáo, đã dẫn tới tình trạng pháp lý, phải xem xét các hành vi, nếu cho là giết người, là độc lập hoàn toàn với nhau và là hành động có tính tình thế cụ thể mà nó xảy ra vào bối cảnh thực tế chứ không phải có tính toán từ trước.

Công, Chức, Uy và Doanh và những người khác không có bàn bạc và phân công hoặc được dặn dò về việc sẽ giết người, mà mục đích là bảo vệ ông Kình. Khi xảy ra sự kiện các cảnh sát rơi xuống hố và cháy than hoá, các bị cáo đang ở những tình thế độc lập và không hề biết về các lẫn cách hành động của nhau, ngoài Chức và Doanh có mặt tại phía trên của chiếc giếng trời.

Bị cáo Công không biết về sự kiện ba cảnh sát rơi xuống hố; cho đến khi bị bắt và được thông báo thì mới biết rằng có sự kiện thiệt mạng này. Việc Công ném lựu đạn không rút chốt chứng tỏ Công đang muốn ngăn chặn sự áp sát của lực lượng đông đảo đang tiến gần đến. Như vậy, với bối cảnh này, không thể kết luận và cho thấy nhận thức của Công là không có mục đích tiêu diệt một con người cụ thể nào. Do đó, cần phải loại trừ ông Công khỏi sự truy tố về tội Giết người.

Mà điều đó, như tôi phải cảm ơn các luật sư của các bị hại, đã hỏi các bị cáo để giúp tôi có câu trả lời quan trọng cho tình tiết giá trị sau: ba bị cáo khi được hỏi, trả lời rằng, bị cáo sau khi bị bắt mới biết có ba cảnh sát chết, nên cảm thấy sai, nhưng thực sự là các bị cáo cũng không biết sai gì. Các câu trả lời này cho thấy ý chí và nhận thức của các bị cáo, khi trước bị truy tố tội giết người, là hoàn toàn rõ ràng về mục đích của mình khi có mặt tại nhà ông Kình tối ngày 8/1/2020, hẳn đã xác định chắc chắn, họ không có bất kỳ ý niệm gì về việc tấn công tiêu diệt một con người nào.

Và lúc này, tội Giết người, nếu có, chỉ có thể còn cáo buộc được cho Chức và Doanh

Đồng thời, như Chức và Doanh khai, phù hợp nhau, chiếc chậu đỏ được cho là đựng xăng là do Doanh dùng chân cố gắng đẩy sang cho Chức nhưng vì lửa đang cháy ở chậu xăng này nên bị đổ xuống hố. Hơn nữa, hai cảnh sát phía bên dưới (Chức và Doanh) đã khai rằng các cảnh sát nhảy từ nhà Hợi qua nhà Chức bị trượt chân nên rơi xuống hố. Bởi thế, không thể quy kết ngay rằng Chức và Doanh có mục đích giết người. Cũng cần phải căn cứ ngay vào sự mâu thuẫn trông thấy của Cáo Trạng và Bản Luận Tội của Viện kiểm sát, khi Cáo trạng cho rằng bị cáo Doanh dùng chân đẩy chậu xăng qua cho Chức nhưng bị rơi xuống hố (giếng trời), trong khi Bản luận tội được đọc vào hôm nay lại thay đổi cho rằng Doanh dùng gậy đẩy chậu xăng khiến nó rơi xuống hố và tạo ra thảm kịch cho ba cảnh sát.

Các xung đột và làm cho vô hiệu tính chứng minh và rõ ràng của hành vi, việc chưa thực nghiệm hiện trường, càng có cơ sở để yêu cầu Toà án trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm sáng tỏ các sự kiện quan trọng này. Và theo đó, có thể xác định tội Giết người do vượt quá giới hạn phòng về chính đáng hay Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không.

Việc yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung càng cho thấy sự cần thiết và chắc chắn về cơ sở pháp lý, bởi hai lẽ:

(i) Các video được trình chiếu trong phiên toà đã bị cắt xén, ráp nối và được/bị chỉnh sửa, chèn thêm vào, từ phông nền cho tới các ký tự, chữ viết, bểu tượng và chữ “bị cáo” xuất hiện trước chân dung từng bị cáo khi nói lời thừa nhận tội trạng, trong khi các video nhận tội lại được xác nhận chúng được xác lập tại giai đoạn điều tra bởi Cơ quan điều tra thực hiện. Như vậy, các chứng cứ này đã bị xâm phậm vào một cách nghiêm trọng, không có nguồn gốc và mô tả tình trạng, không còn tính nguyên vẹn bởi đã bị can thiệp thô bạo bằng các kỹ thuật chỉnh sửa và biên tập.

(ii) Nhiều bị cáo khai tại phiên toà có sự bức cung và đánh đập, với con số nhiều các bị cáo khai tại phiên toà như vậy, theo thẩm quyền và nghĩa vụ của Hội đồng xét xử và Viện kiểm sát, có thể đề nghị khởi tố vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp để điều tra và từ đó ngăn chặn mọi hành vi tiến hành tố tụng có dấu hiệu vi phạm.

Cuối cùng, sau mọi phân tích, đánh giá và nhận định cũng như đưa ra các đề nghị, tôi nhấn mạnh rằng, chúng ta đang phải chứng minh và đi tìm sự thật, nhưng tại phiên toà, không có sự thật nào khác ngoài sự thật hợp pháp. Vì rằng, nó là để bảo đảm sự công bằng trước luật pháp, không phải chỉ cho các bị cáo này, mà là cho tất cả chúng ta.

Và, mọi sự thật, không gì khác, chỉ có duy nhất là sự thật hợp pháp.

Trân trọng cảm ơn!

—————

(Bản ghi tay lời biện hộ được viết trực tiếp tại phiên toà và được thuyết biện hoàn chỉnh thành bài nêu trên trong khoảng gần 1 giờ đồng hồ để bào chữa cho các bị cáo tại phiên toà sơ thẩm).

https://www.facebook.com/HienTheVoHinh/posts/2906648202912279

 

01 March 2021

Những bộ não nghỉ ngắn

 PHẠM ĐÌNH TRỌNG

 Chủ quyền quốc gia không phải chỉ là núi sông biển trời cương vực lãnh thổ. Chủ quyền quốc gia còn là luật pháp của một đất nước. Xâm phạm luật pháp của nước khác chính là xâm phạm chủ quyền quốc gia, xâm lăng luật pháp của nước khác.

 Luật pháp Việt Nam đã có đầy đủ những điều khoản giải quyết mọi tranh chấp dân sự trong nước cũng như giải quyết mọi vụ việc trong quan hệ quốc tế. Nhưng lãnh đạo nhà nước cộng sản Việt Nam vốn quen thói hành xử với dân không cần biết đến pháp luật đã gây ra cho dân trùng trùng oan khiên, ngút trời oán hận.

 Những vụ việc tranh chấp đất đai chỉ cần giải quyết bằng luật pháp dân sự và thoả thuận dân sự công bằng là ổn thoả và êm đẹp. Không những không biết đến pháp luật mà còn quen thói ỷ sức mạnh bạo lực nhà nước, khinh thường pháp luật và càng khinh rẻ người dân, nhà nước cộng sản Việt Nam đều lấy sức mạnh bạo lực nhà nước đàn áp đổ máu dân. Những vụ tranh chấp dân sự về đất đai giữa một chòm xóm dân với doanh nghiệp, nhà nước cũng huy động hàng ngàn công an, quân đội trang bị vũ khí hiện đại giúp các doanh nghiệp tư bản hoang dã cướp trắng trơn, man rợ đất sống của dân, dẫn đến những vụ cướp đất lênh láng máu dân ở Văn Giang, Hưng Yên, ở Dương Nội, ở Đồng Tâm, Hà Nội, ở Thủ Thiêm, Sài Gòn.

 Quen thói hành xử ỷ vào sức mạnh bạo lực nhà nước, quen khinh bỉ pháp luật Việt Nam dẫn đến khinh bỉ cả pháp luật quốc tế, bộ Công an Việt Nam đã đưa cả đàn, cả lũ tướng tá, từ đại tướng Bộ trưởng Tô Lâm, trung tướng Đường Minh Hưng, Tổng cục An ninh, trung tướng Lê Mạnh Cường, Tổng cục Tinh báo cùng hơn chục sĩ quan công an cấp đại tá, thượng tá ầm ầm đổ bộ vào nước Đức có luật pháp nghiêm minh của một nước dân chủ văn minh, bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

 Khinh bỉ pháp luật quốc tế, đột nhập nước Đức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, lôi qua Slovakia, lừa đảo Slovakia để có máy bay đưa Thanh về Việt Nam trị tội tham nhũng chỉ là cái cớ. Bộ Công an Việt Nam xuất đại quân do đại tướng Bộ trưởng Tô Lâm cầm đầu, đạp nát luật pháp nước Đức, đạp nát luật pháp Slovakia dưới gót giầy công an Việt Nam thực chất chỉ để bắt kẻ cả gan xúc phạm uy danh đảng trưởng cộng sản Nguyễn Phú Trọng, để đảng trưởng hả dạ.

 Dù là tội phạm ở Việt Nam, dù lén lút trốn khỏi Việt Nam nhưng Trịnh Xuân Thanh đến Đức hợp pháp. Đến Đức, Thanh đã có đơn xin là công dân cư trú hợp pháp ở Đức và nước Đức đã nhận đơn chờ cứu xét, tức là Thanh đã có tên ở tư pháp Đức. Với thủ tục đó, Thanh đã thực sự là công dân dự bị với luật pháp Đức, được luật pháp Đức bảo hộ. Bắt công dân đang được luật pháp Đức bảo hộ, ngay trên lãnh thổ Đức mà không được luật pháp Đức cho phép là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền nước Đức, là dẫm đạp lên luật pháp và danh dự quốc gia nước Đức, là tội phạm trước luật pháp Đức, tội phạm trước luật pháp Liên minh Châu Âu và là tội phạm quốc tế.

 Đám tướng tá công an Việt Nam do đại tướng bộ trưởng Tô Lâm cầm đầu hành xử tội phạm ở Đức, hành xử tội phạm ở Slovakia đã làm cho nhà nước Việt Nam trở thành nhà nước tội phạm quốc tế, bôi nhọ lên danh dự quốc gia Việt Nam, làm nhục dân tộc Việt Nam. Băng nhóm tội phạm xâm nhập Đức và Slovakia bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã làm méo mó, dị dạng hình ảnh con người và văn hoá Việt Nam trước thế giới, làm xấu xí quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Đức, với Slovakia và với Liên minh Châu Âu. Hiệp định Thương mại Việt Nam với Liên minh Châu Âu, EVFTA, lại bị thách thức nghiêm trọng, chậm được kí kết. Sau đó dù có được kí kết thì EVFTA cũng chỉ là Hiệp định treo. Hàng trăm dự án nước Đức viện trợ cho Việt Nam và hợp tác với Việt Nam mang lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế Việt Nam bị dừng lại từ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, năm 2017 cho đến tận hôm nay.

 Những tướng tá công an Việt Nam vạch đường đi nước bước cho điệp vụ VT17 đột nhập nước Đức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, lừa dối, bịp bợm để có máy bay của Slovakia đưa Trịnh Xuân Thanh về nước, những người thông qua, kí duyệt điệp vụ VT17 và những người thực thi VT17 đã phạm trọng tội với đất nước và với người dân Việt Nam, là tội phạm lớn với luật pháp quốc tế. Nhưng họ đã không nhận ra tội trạng với dân, với nước, với loài người văn minh. Ở vị trí quốc gia nhưng trí tuệ, tình cảm và tầm suy nghĩ của họ vẫn thấp kém, tủn mủn, nhỏ nhen, chật chội, quanh quẩn ở lợi ích cá nhân của họ. Đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích quốc gia, chỉ thấy chiến công đã thực hiện trót lọt điệp vụ VT17 mà họ không thấy những mất mát, thiệt hại to lớn Việt Nam phải gánh chịu từ điệp vụ VT17 tội phạm của họ.

 Khuếch đại chiến công điệp vụ VT17 bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, đòi được tặng thưởng chiến công. Từ việc người đứng đầu nhà nước kí quyết định coi hành động tội phạm quốc tế là chiến công đến việc bộ Công an tổ chức hoành tráng lễ tuyên dương khen thưởng những tội phạm quốc tế trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh cho thấy những người ở vị trí lãnh đạo quốc gia đáng ra phải biết nhìn xa, trông rộng, có suy nghĩ ở tầm quấc gia và quốc tế nhưng thảm thay bộ não của họ chỉ nghĩ được tủn mủn, ngắn ngủn, cỏn con và bần tiện, chỉ biết thu vén cho lợi ích cá nhân họ.

 Dẫm đạp lên luật pháp quốc tế, dùng bạo lực bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Đức về rồi bộ máy tuyện truyền nhà nước Việt Nam lem lẻm nói với cả trăm triệu dân Việt Nam những lời nhăng cuội dối trá và cơ quan ngoại giao thì cãi chày cãi cối với cả thế giới rằng tội phạm Trịnh Xuân Thanh tự về nước đầu thú.

 Thanh tự dẫn xác về đầu thú thì đám mật vụ Nguyễn Đức Thoa, mật vụ Lê Thanh Hải cài cắm trong đại sứ quán Việt Nam ở Đức làm gì có chiến tích để được nhận huân chương trong buổi lể tưng bừng ở bộ Công an với tấm phông nền đỏ rực rỡ và hàng chữ vàng chói lọi: Bộ Công an – Lễ tuyên dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong kế hoạch VT17.

 Gắn huân chương cho những mật vụ như Lê Thanh Hải, Nguyễn Đức Thoa trong điệp vụ VT17, nhà nước Việt Nam đã tự vạch một vết mực đen đánh dấu cái mồm nói dối của người phát ngôn bộ Ngoại giao và tự thú nhận rằng bộ máy truyền thông của nhà nước cộng sản Việt Nam chỉ là bộ máy lừa bịp người dân.

Nguồn : https://www.facebook.com/kesiviet/posts/1580529755481732